Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Định vị lại ngành nông nghiệp để không nôn nóng chuyển đồi chè, ruộng lúa thành bất động sản

K.Nguyên Thứ năm, ngày 17/02/2022 14:13 PM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển biến từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp và định vị lại giá trị ngành nông nghiệp để mỗi địa phương có chiến lược phát triển phù hợp.
Bình luận 0

Chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp giúp nông dân bán nông sản tốt hơn

Phát biểu tại Họp báo công bố Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ NNPTNT tổ chức sáng 17/2, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan kỳ vọng Chiến lược sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển biến từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

"Nền nông nghiệp nước ta bị một lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, kéo theo tình trạng mất mùa mất giá, bấp bênh. Chiến lược này đặt nền tảng từ tổ chức lại sản xuất quyết định câu chuyện phát triển nông nghiệp nông thôn, cơ cấu lại nông nghiệp bắt đầu từ tổ chức lại sản xuất, 10 triệu hộ nông dân không thể sản xuất trên 10 triệu mảnh ruộng, sự manh mún, nhỏ lẻ sẽ khiến chúng ta không dự báo được thị trường" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu lên mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Định vị lại ngành nông nghiệp để không nôn nóng chuyển đồi chè, ruộng lúa thành bất động sản - Ảnh 1.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển biến từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Ảnh: K.N

Lấy ví dụ về trái thanh long, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trước Tết giá thanh long giảm chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg, nhưng dịp Tết khi ông có dịp đi thăm các tỉnh miền Tây, bà con khoe giá thanh long lên đến 15.000 - 20.000 đồng/kg nhưng mấy hôm nay giá lại còn 3.000 đồng/kg. 

"Chỉ trong một tháng, thị trường biến động liên tục nhưng nếu thông tin không minh bạch thì rất khó dự báo" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Do vậy, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để thực hiện tốt các mục tiêu Chiến lược đề ra, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tập huấn, đào tạo nông dân, giúp người nông dân chuyển đổi mạnh mẽ tư duy để làm sao cùng một loại nông sản ấy, bà con bán được giá gấp đôi, gấp ba.

"Được mùa được giá không phải là câu chuyện của riêng ai, người nông dân hoảng loạn, bán đổ bán tháo nhưng cũng có những người cùng một trái xoài ấy, đưa lên kệ, đóng gói bao bì đẹp đã cho mức giá khác. Nông dân chỉ có thể làm giàu bằng tư duy kinh tế nông nghiệp" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Định vị lại ngành nông nghiệp để không nôn nóng chuyển đồi chè, ruộng lúa thành bất động sản - Ảnh 2.

Bộ NNPTNT đang có kế hoạch phối hợp với một số đơn vị đẩy mạnh chương trình huấn luyện nông dân, thúc đẩy nông dân đẩy mạnh liên kết, hợp tác, hình thành thế hệ nông dân chuyên nghiệp. Trong ảnh: Nông dân Sơn La chăm sóc cây ăn trái qua smart phone. Ảnh: M.Ngọc.

 Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, một nông sản nhưng tiếp cận bằng tư duy kinh tế nông nghiệp sẽ cho giá bán khác. Lâu nay, các ngành chức năng mới chỉ hướng dẫn nông dân sản xuất chứ chưa dạy nông dân làm giàu, nghĩa là dạy cách bán nông sản, bán niềm tin cho khách hàng.

"Người nông dân mới được hỗ trợ để nâng cao sản lượng mà chưa giúp họ nâng cao giá trị bởi tư duy sản xuất nông nghiệp lấy năng suất, sản lượng làm mục tiêu trong khi tư duy kinh tế lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Từ thực tế đó, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ NNPTNT đang có kế hoạch phối hợp với một số đơn vị đẩy mạnh chương trình huấn luyện nông dân, thúc đẩy nông dân đẩy mạnh liên kết, hợp tác, hình thành thế hệ nông dân chuyên nghiệp.

Khi đã hình thành nông dân chuyên nghiệp thì ngay cả trong khó khăn, họ cũng tìm ra được hướng đi.

Lấy ví dụ về thực tế giá phân bón, vật tư nông nghiệp thời gian qua tăng cao nhưng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đã có những nông dân cho biết, họ tiếp cận sản xuất theo hướng hữu cơ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để làm phân bón, giảm áp lực giá phân bón đang tăng cao, không những thế chất lượng sản phẩm được cải thiện.

"Phải khuyến khích những mô hình như thế phát triển bởi đó là hành trình hướng đến nền nông nghiệp xanh" - Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh.

Định vị lại ngành nông nghiệp

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm định vị lại nền nông nghiệp; tạo ra thế hệ nông dân mới.

Từ góc độ địa phương, việc thực hiện chiến lược sẽ giúp địa phương cân nhắc nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn, đừng nôn nóng đem đồi chè, ruộng lúa ra làm bất động sản. Bất động sản có thể thu tiền ngay nhưng về lâu dài giá trị của miếng đất đó thu lại bao nhiêu nhờ trồng lúa, cây ăn trái thì chưa được nghiên cứu, đánh giá?

"Ngành nông nghiệp phải được định vị lại để mỗi địa phương có những đầu tư thỏa đáng" - Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, từng bước tập huấn, huấn luyện nông dân để chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem