Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Phát triển hạ tầng giao thông không phải là "việc anh, việc tôi"
Đề cập tới dự án quan trọng sắp triển khai, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đường Vành đai 3 TP.HCM; đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô đều đang được các địa phương liên quan rốt ráo thực hiện thủ tục và cam kết đáp ứng tiến độ bàn giao GPMB.
"Những dự án này đảm bảo điều kiện khởi công trước ngày 30/6/2023 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ", Bộ trưởng Thắng cho biết.
Theo Bộ trưởng Thắng, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 TP.HCM, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có khối lượng công việc rất lớn.
Tuy nhiên, cần xác định các dự án đều là công trình trọng điểm quốc gia, "Không có con đường nào khác là các địa phương có dự án phải nỗ lực".
Về vấn đề GPMB, tái định cư, cho những dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh, tỉnh Đồng Nai phải làm quyết liệt, bài bản hơn nữa.
Đặc biệt, công tác tái định cư phải đảm bảo đồng bộ về kết cấu hạ tầng, điện, đường, trường, trạm, đủ sức thuyết phục người dân di chuyển đến nơi ở mới. Có khu tái định cư mà không có hạ tầng xã hội thì không ai dám vào", Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận.
Bộ trưởng Thắng lấy dẫn chứng từ việc bố trí hạ tầng tái định cư tại dự án cao tốc Bắc - Nam và cho rằng: "Nhờ việc bố trí khu tái định cư tốt, người dân các địa phương dọc tuyến đường cao tốc Bắc - Nam rất phấn khởi di chuyển đến nơi ở mới".
"Từ bài học cụ thể, tỉnh Đồng Nai cần xây dựng các phương án để giải quyết dứt điểm mặt bằng từng dự án, đáp ứng tiến độ bàn giao mặt bằng theo yêu cầu, đảm bảo các dự án thành phần cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được khởi công đồng bộ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Bộ trưởng Thắng cho rằng: "Các dự án giao thông được hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển Kinh tế - Xã hội, trong đó, các địa phương sẽ được hưởng lợi trực tiếp.
"Phát triển hạ tầng giao thông không phải là "việc anh, việc tôi" mà phải coi là nhiệm vụ chung. Dự án phân cấp cho địa phương nhưng Bộ GTVT sẽ vẫn song hành, vào cuộc như dự án phụ trách trực tiếp.
Các địa phương với trách nhiệm là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần bám vào quy chế phối hợp để triển khai thực hiện. Các Ban QLDA, Vụ, Cục phải chủ động tương tác, trao đổi cụ thể với địa phương, đẩy nhanh công tác thẩm định.
"Không ngồi chờ hồ sơ trình đến nơi mới phản hồi, ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt dự án đầu tư, làm chậm các bước tiếp theo", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Năm 2023, dự kiến, Bộ GTVT khởi công 27 dự án, bao gồm 5 dự án quan trọng quốc gia; 1 dự án nhóm A là cầu Đại Ngãi trên QL60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng và 21 dự án nhóm B, C.
Riêng quý 1/2023, kế hoạch khởi công 8 dự án. Tính đến ngày 9/3, có 4/8 dự án đã hoàn chỉnh thủ tục để khởi công, gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM; Nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải; Cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa; Cải tạo, nâng cấp QL14E đoạn Km15+270-Km89+700, tỉnh Quảng Nam.
Cùng đó, 4 dự án còn lại chưa khởi công. Trong đó, dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM do Ban QLDA Đường sắt làm chủ đầu tư đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công (gói XL03), dự kiến hoàn thành và khởi công cuối tháng 3/2023.
Dự án cải tạo trụ sở Bộ GTVT tại 80 Trần Hưng Đạo dự kiến kế hoạch khởi công tháng 3/2023, đáp ứng kế hoạch. "Hai dự án bị chậm khởi công so với kế hoạch là dự án cải tạo, nâng cấp QL.19 đoạn Km90-Km108 trên địa bàn tỉnh Gia Lai do Ban QLDA 2 làm chủ đầu tư.