Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: "Nay mai không có tệp số liệu, đại hồng thủy đến làm thế nào?"

Thành An Thứ hai, ngày 17/08/2020 18:07 PM (GMT+7)
"Nay mai không có tệp số liệu, đại hồng thủy đến làm thế nào?", Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đặt vấn đề và đề nghị phải tiếp tục đấu tranh, kiến nghị, có giải pháp ngoại giao để làm sao có thông tin theo đúng yêu cầu.
Bình luận 0

Phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế

Ngày 17/8, Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về an ninh nguồn nước.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: "Nay mai không có tệp số liệu, đại hồng thủy nó đến làm thế nào?" - Ảnh 1.

Hội nghị giải trình về "An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập".

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHCNMT Nguyễn Vinh Hà cho hay, theo báo cáo kết quả khảo sát tại 14 tỉnh, thành, tuy Việt Nam có tới gần 3.500 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên, với 13 lưu vực sông có diện tích lớn hơn 10.000 km, nhưng có 7 lưu vực sông liên quốc gia, phần lưu vực ở nước ngoài chiếm tới 71% lại ở khu vực đầu nguồn.

"Chúng ta chịu rủi ro về lượng nước, chất lượng nước rất lớn do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mê Kông làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy, lượng nước phù sa", ông Nguyễn Vinh Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường đánh giá, nguồn nước Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lượng nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ là một thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: "Nay mai không có tệp số liệu, đại hồng thủy nó đến làm thế nào?" - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Theo Bộ NNPTNT, nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ, từ các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông chiếm tới 63%. Lượng nước này hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước tại các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông...

"Nghiên cứu của Hội đồng Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế năm 2017 công bố khi các công trình thủy điện hoàn thành xây dựng, đi vào vận hành sẽ có tác động bất lợi vô cùng lớn đến chế độ dòng chảy, phù sa, chất dinh dưỡng, môi trường, sinh kế người dân vùng ĐBSCL. Dự kiến lượng phù sa về ĐBSCL có thể giảm 97% ở thời điểm năm 2040", báo cáo của Bộ NNTPTNT nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà cho rằng, vấn đề mang tính chất thỏa thuận pháp lý hết sức lỏng lẻo. Thỏa thuận sông Mê Kông mà chúng ta đạt được về cơ chế không mang tính chất đồng thuận, không mang tính chất pháp lý để cùng nhau xác định kết quả khi có những tác động này khác.

"Đây là vấn đề rất khó. Bây giờ thay đổi thì chắc chắn xu hướng còn tồi tệ hơn nữa. Với Ủy hội sông Mê Kông, hai nước quan trọng nhất là Trung Quốc và Myanmar lại không tham gia. Lan Thương đã hình thành nhưng đây là ý tưởng của Trung Quốc để khai thác hiệu quả, rộng hơn đối với hệ thống thượng nguồn của Trung Quốc xuống hạ nguồn Mê Kông", Bộ trưởng TNMT nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: "Nay mai không có tệp số liệu, đại hồng thủy nó đến làm thế nào?" - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Ngoài tham vấn các bên, đặc biệt dựa vào sự ủng hộ của các tổ chức, các nước có liên quan, về lâu dài, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, chúng ta sẽ có lộ trình để đàm phán, tìm ra các vấn đề các bên cùng quan tâm như cơ sở dữ liệu, quan trắc, các hoạt động chia sẻ, ứng phó với biến đổi khí hậu…

"Đối ngoại an ninh nguồn nước chưa được"

Trước lo ngại thực trạng nguồn nước phụ thuộc vào bên ngoài, đại biểu ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đặt câu hỏi tới hai Bộ trưởng: Việc hợp tác quốc tế của chúng ta đã đủ tích cực, chủ động chưa? Việc tham gia các điều ước quốc tế đã góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước chưa?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng NTPTNT Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn khẳng định: Riêng công tác đối ngoại về an ninh nguồn nước chưa được. Ủy hội hoạt động chưa được, hoạt động Lan Thương chúng ta cũng chưa nắm được hết. Chúng ta mới nắm được từ phía Myanmar trở xuống, nhưng số liệu cũng không đầy đủ, chưa nói đến Đồng bằng sông Hồng.

"Nay mai nếu không có tệp số liệu này, không có chia sẻ, đại hồng thủy đến thì làm thế nào? Không phải là chuyện đơn giản. Ở góc độ chuyên môn ngành nông nghiệp chúng tôi thấy, cái này chưa được, phải tiếp tục đấu tranh, kiến nghị, phải có giải pháp ngoại giao Việt Nam, để làm sao có được thông tin theo đúng yêu cầu của quốc tế. Anh phải chia sẻ thông tin chứ làm sao có chuyên một mình mình biết, ở thượng nguồn mà một mình mình độc lập được. Phải chia sẻ, đó là quyền lợi của các nước trong hệ thống lưu vực", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường quả quyết.

Theo Bộ trưởng NNPTNT, vừa qua, Ban đối ngoại đã có nhiều tác động, tuy nhiên chưa đạt được mục tiêu mong muốn. "Chúng tôi kiến nghị với Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cũng như Bộ Ngoại giao tiếp tục có những giải pháp tập trung đấu tranh, để làm sao chúng ta có quyền lợi đúng như quy định", ông Cường đề nghị.

Phải coi nước là hàng hóa đặc biệt

Phát biểu kết luận phiên giải trình an ninh nguồn nước, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, việc phụ thuộc rất nhiều vào lưu vực các con sông bắt nguồn từ nước ngoài khiến Việt Nam gặp khó khăn trong việc chủ động quản lý, khai thác nguồn nước.

Chưa kể đến, việc ứng xử của một số quốc gia ở thượng nguồn đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước chảy vào Việt Nam. "Khi cần thì thiếu nước, khi không cần thì lại thừa nước. Thực tế, tình trạng xâm ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long có một phần nguyên nhân do thiếu nước thượng nguồn", ông Hiển nhìn nhận.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải coi nước là hàng hóa đặc biệt. Phải thực hiện nguyên tắc thị trường, từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ nước sản xuất và sinh hoạt. Thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, có trật tự ưu tiên, cấp bách làm trước, lâu dài làm từng bước.

Cùng với đó, cần ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để quản lý nguồn nước và chất lượng nước tốt hơn. Ngoài ra phải tăng cường quan hệ quốc tế với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực, ký kết và thực hiện các hiệp định để bảo vệ môi trường, bảo vệ lưu vực sông, nhất là sông Mê Kông và sông Hồng.

"Cần khẳng định rằng, chỉ có tăng cường hợp tác quốc tế chúng ta mới có thể đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập", ông Hiển nhấn mạnh.

Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban KHCNMT cần kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ sớm xây dựng đề án phát triển và đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045 trình Quốc hội xem xét sớm nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem