Bộ trưởng Pháp tố Mỹ "khiêu khích" EU khi bất ngờ rút khỏi đàm phán thuế kỹ thuật số

18/06/2020 16:19 GMT+7
Mỹ mới đây vừa gây sốc cho Châu Âu khi bất ngờ rút khỏi các cuộc đàm phán về thuế kỹ thuật số và đe dọa sẽ trả đũa nếu Châu Âu tự mình tiến hành các kế hoạch áp thuế như vậy.
Bộ trưởng Pháp tố Mỹ "khiêu khích" EU khi bất ngờ rút khỏi đàm phán thuế kỹ thuật số - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire trong cuộc gặp gỡ người đồng cấp Mỹ Steven Mnuchin

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã mô tả động thái như vậy là một sự khiêu khích trong cuộc phỏng vấn trực tiếp trên đài phát thanh quốc gia. Ông Bruno xác nhận đã nhận được lá thư từ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Bức thư chỉ ra rằng hai bên đã đạt đến tình trạng bế tắc trong đàm phán và không thể đi đến dù chỉ một thỏa thuận tạm thời nào.

Được biết, hôm 17/6, ông Mnuchin cũng gửi các thông điệp tương tự cho Bộ trưởng Tài chính các nước Châu Âu gồm Anh, Italy và Tây Ban Nha, theo nguồn tin của tờ Financial Times.

Mỹ và Châu Âu từ lâu đã bất đồng ý kiến về việc đánh thuế các đại gia công nghệ. Hồi đầu năm 2019, các chính phủ Châu Âu đã thất bại trong việc kêu gọi áp dụng thuế kỹ thuật số trên toàn EU. Sau đó, một số quốc gia quyết định đơn phương thực hiện kế hoạch áp thuế như vậy. Pháp là nền kinh tế tiên phong.

Tháng 7/2019, Pháp chính thức tuyên bố đánh thuế kỹ thuật số 3% với các công ty công nghệ đa quốc gia có tổng doanh thu toàn cầu từ lĩnh vực kỹ thuật số trên 750 triệu EUR và doanh thu 25 triệu EUR trở lên thị trường Pháp. Thuế được áp dụng hồi tố từ ngày 1/1/2019, gây nên cuộc tranh cãi lớn với Washington.

Lý giải về mức thuế kỹ thuật số 3%, chính phủ Pháp cho hay đây là khoản thuế nhằm san bằng sân chơi giữa các công ty công nghệ lớn và doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện cho sự phát triển của các tập đoàn nội địa. Tổng thống Donald Trump sau đó lên tiếng phản bác, đe dọa trả đũa do mức thuế không công bằng như vậy. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sau đó cũng lên tiếng khẳng định mức thuế kỹ thuật số 3% là không công bằng với các công ty Mỹ, và rằng Mỹ sẽ áp thuế với một số hàng hóa Pháp để trả đũa.

Châu Âu và Mỹ sau đó đã thống nhất tiếp tục các cuộc đàm phán ở cấp độ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Quốc tế OECD về vấn đề thuế quan thương mại cũng như thuế kỹ thuật số. Trong trường hợp đàm phán tại OECD thất bại, các quốc gia Anh, Italy, Tây Ban Nha được cho là sẽ phát triển mức thuế kỹ thuật số đề xuất của riêng họ.

Bất chấp những cuộc đàm phán như vậy, hồi đầu tháng 6, Mỹ tuyên bố sẽ đơn phương điều tra các quốc gia trong EU và nhiều nước khác như Anh, Áo, Tây Ban Nha, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Cộng hòa Séc, Brazil, Ấn Độ về những đề xuất thuế kỹ thuật số mới nhắm đến các đại gia công nghệ Mỹ.

Động thái được đưa ra sau khi các nhà quan sát nhận định nhiều chính phủ sẽ tìm cách áp thuế kỹ thuật số các đại gia công nghệ Mỹ để bù lại thâm hụt ngân sách quốc gia sau cuộc khủng hoảng dịch Covid-19.

“Trong khoảng thời gian gần đây, chúng ta đã chứng kiến các quốc gia bắt đầu xem xét thuế kỹ thuật số, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-18 thúc đẩy quy mô chuyển đổi nền kinh tế - thương mại theo hướng kỹ thuật số… Một ví dụ, chính phủ Indonesia - một thị trường tiêu dùng mới nổi - đang cố gắng tăng mức thuế trên các doanh nghiệp thương mại điện tử” - David Livingston, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Eurasia Group cho biết. “Chúng tôi nhận thấy các cuộc thảo luận về thuế kỹ thuật số đang tiến triển rất nhanh tại Châu Âu, với tham vọng ngày càng lớn của EU về việc sử dụng ngân sách thuế này để hỗ trợ kinh tế phục hồi”.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục