Bỏ túi nửa triệu mỗi ngày nhờ trồng rau nhút
Một vốn bốn lời
Rau nhút còn có tên gọi khác là rau rút. Loài rau này thuộc thân thảo có hoa màu vàng. Lá rau nhút thuộc loại lá kép hình lông chim, mọc nổi trên mặt nước ao, hồ, sông, rạch, ruộng lúa nhờ quanh thân có phao trắng.
Hiện nay, rau nhút được trồng phổ biến ở các tỉnh ĐBSCL. Khoảng vài năm trở lại đây, đời sống người dân nhiều nơi khấm khá nhanh chóng khi mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau nhút, loại rau “đặc sản” nổi trên mặt nước.
Trồng rau nhút chi phí đầu tư thấp, chủ yếu tốn công chăm sóc mà thu nhập lại cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Nhờ mang lại hiểu quả kinh tế cao, loại cây này đã giúp nhiều hộ nông dân đổi đời, giàu lên trông thấy.
Cũng giống như nhiều địa phương khác, mô hình trồng rau nhút tại xã Ngọc Chúc (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) đang phát huy hiệu quả và được nhân rộng để phát triển kinh tế gia đình.
Một người dân ở Ngọc Chúc cho biết thấy một số hộ trong vùng trồng rau nhút cho thu nhập cao nên cũng bắt tay làm thử. Do phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên rau nhút phát triển tốt, cho năng suất cao. Trong khi đó, chi phí trồng rau nhút khá thấp, đầu ra ổn định, giá thành cao nên người trồng cũng có thu nhập khá.
“Đây là một giải pháp thay thế tốt trong thời điểm hiện nay khi trồng lúa cho hiệu quả không cao, giá lúa lại bấp bênh, không ổn định”, người này cho biết thêm.
Trồng rau nhút không khó
Theo các hộ trồng rau nhút ở địa phương, để cây phát triển tốt, thân mập mạp, năng suất cao, trước khi trồng cần dọn lại nền đất, tiêu độc khử trùng và phơi mặt để hạn chế mầm bệnh. Mỗi hàng rau cách nhau từ 1 - 2 m.
Rau nhút dễ trồng, ít rủi ro về giá nhưng để cây cho năng suất cao phải nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc. Bởi vì, tuy được cho là dễ trồng nhưng quá trình phát triển, cây dễ bị tấn công bởi ốc và các loại sâu đục thân, sâu cuốn lá.
Sử lý sâu bệnh bằng thuốc không hợp lý cũng dễ khiến rau nhút bị ảnh hưởng vì loài cây này khá nhạy cảm với một số loại thuốc bảo vệ thực vật. Việc xịt thuốc cũng phải đảm bảo thời gian an toàn cho người sử dụng.
Đặc biệt, để rau nhút phát triển tốt cần phải thả nhiều bèo tấm nhằm tạo độ mát cho mặt ao. Nếu chăm sóc tốt, rau nhút có thể cho thu hoạch sau 20 ngày, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng một tháng.
Rau nhút được thương lái đến tận nhà thu mua với mức giá khoảng 8.000 - 10.000 đồng/kg. Với 4 sào trồng rau nhút ở Ngọc Chúc, mỗi hộ dân có thể cắt xoay vòng theo từng ngày, mỗi ngày cắt được khoảng 50kg, trị giá khoảng 400.000 - 500.000 đồng.
Được biết, rau nhút hiện có 2 loại trắng và đỏ. Trong đó rau nhút trắng có chất lượng và năng suất cao hơn khoảng 10 đến 15%.
Tuy nhiên, trồng rau nhút trắng đòi hỏi sự chăm sóc cao hơn. Điều quan trọng nhất khi trồng loại rau này là giữ nguồn nước sạch, không ô nhiễm môi trường. Mực nước ruộng trồng tốt nhất khoảng 50 - 60 cm.
Trước đây, gốc rau nhút được cắm thẳng xuống nền ruộng nhưng sau đó đã được cải tiến bằng cách cho bộ rễ nổi trên mặt nước và có hệ thống cọc hoặc ống cao su cố định.
Cách làm mới này giúp đảm bảo môi trường nước vì bộ rễ cây sẽ không làm vẩn đục nguồn nước trong ruộng. Việc chăm sóc, thu hoạch cũng thuận lợi hơn, giúp người tồng tiết kiệm chi phí thuê nhân công.