Bữa trưa 50 tỷ đồng

Đào Tuấn Thứ tư, ngày 28/06/2023 11:39 AM (GMT+7)
50 tỷ đồng, rút ruột đã được bàn và quyết trong một bữa trưa. Sau đó được chia đều mỗi người 10 tỷ đồng. Và lý do rút ruột là vì thương các thủ trưởng vất vả. Lời khai, là từ bị cáo Nguyễn Văn Sơn - cựu Trung tướng, cựu Tư lệnh Cảnh sát Biển.
Bình luận 0

Trước toà, cựu Tư lệnh xác nhận chính ông là người đã đề xuất tìm "quỹ vốn" trong một bữa cơm ở phòng ăn của thủ trưởng Bộ Tư lệnh vào tháng 4/2019.

Trong bữa cơm ấy, có 4 viên tướng khác: Hoàng Văn Đồng (cựu Trung tướng, cựu Chính ủy), Doãn Bảo Quyết (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị), Phạm Kim Hậu (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng) và Bùi Trung Dũng (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh). 

"Tìm quỹ vốn", thật ra là cách dùng uyển ngữ chứ thực chất là việc rút ruột.

Bởi sau đó, tướng Sơn đã chỉ đạo cắt toàn bộ nguồn kinh phí bảo quản, sửa chữa trang bị của 4 Vùng Cảnh sát Biển để tăng ngân sách cho Cục Kỹ thuật. 

50 tỷ đồng đã được chia chác.

50 tỷ đồng ấy, tương đương với 28% ngân sách phân bổ cho Cục Kỹ thuật. 

Nếu con số 50 tỷ đồng rút ruột đã là cực kỳ lớn thì tỉ lệ 28% phải nói là cực kỳ khủng khiếp. Nó gần bằng 1/3 trong số 179 tỷ đồng ngân sách phân bổ cho Cục Kỹ thuật.

Cái sai giờ thì đúng là đã không còn phải bàn cãi, đã "quá sai"- như lời bị cáo Hoàng Văn Đồng - cựu Trung tướng, cựu Chính ủy. 

Nhưng lý do của cái "quá sai" mà các bị cáo, các cựu tướng lĩnh khai trước toà hôm qua khiến dư luận cười không nổi mà khóc không xong.

Theo bị cáo Nguyễn Văn Hưng, người thừa hành việc rút ruột, đến thời điểm chỉ đạo cấp dưới làm (rút 50 tỷ đồng) vẫn thấy "đây là công việc chung". Bị cáo nói bản thân không được bàn bạc, cũng không biết số tiền đó được sử dụng vào việc gì. 

Bởi lúc đầu, tướng Nguyễn Văn Sơn chỉ trao đổi về những khó khăn của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển khi hiện nay có nhiều đơn vị nhỏ trong khi đó các thủ trưởng đi lại nhiều, đối nội đối ngoại cần kinh phí nhất định.

Còn bị cáo Nguyễn Văn Sơn khai lý do việc rút ruột 50 tỷ đồng là vì "Các thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển đi công tác rất nhiều, thường xuyên gặp các cơ quan địa phương, bộ, ngành… Những lần đi công tác, các thủ trưởng đều phải thực hiện đối ngoại, trong khi đó Bộ Tư lệnh không có quỹ vốn, cũng không có đơn vị làm kinh tế".  

Hôm qua, sau khi bị cáo Sơn nêu lý do, vị thẩm phán chủ toạ phiên toà đã ngắt lời hỏi rằng: "Các thủ trưởng Bộ Tư lệnh đi công tác có chế độ công tác phí hay không?". Bị cáo trả lời là: "Có". 

Chủ toạ phiên toà tiếp tục truy vấn: "Vì sao có chế độ mà bị cáo vẫn chỉ đạo như vậy?". Và bị cáo - cựu Tư lệnh, giờ đây trả lời là "đã thấy sai".

Cái sai không phải bây giờ các bị cáo mới thấy đâu.

Họ thấy ngay trong bữa trưa tháng 4/2019, nhưng tất cả hoặc đã đồng ý, hoặc đã không có ý kiến khác.

Cựu Thiếu tướng Phạm Kim Hậu thừa nhận đã đồng ý. Cựu Trung tướng Hoàng Văn Đồng nói khi đó "ai cũng vô tư quá, chẳng ai nói gì". Cựu Thiếu tướng, Phó Chính ủy Doãn Bảo Quyết thì "không nói đồng ý nhưng cũng không tỏ thái độ phản đối". Còn cựu Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Bùi Trung Dũng phân trần "lúc ấy nghĩ rất đơn giản nên đã phạm sai lầm".

Một bữa trưa đã vô hiệu hoá toàn bộ các hoạt động tự kiểm, tự phát hiện nội bộ.

Một bữa trưa chẳng khác gì bật đèn xanh cho tham nhũng khi nó được chính người đứng đầu chủ trương, đề xuất. Còn tất cả thì hoặc "vô tư quá", hoặc "nghĩ đơn giản" hoặc chẳng nói gì, hoặc im lặng…

Giá như trong bữa trưa hôm đó có một người lắc đầu thì bây giờ tất cả đã không phải đứng trước vành móng ngựa, tất cả đã không còn phải ân hận đã phạm phải "sai lầm lớn nhất trong cuộc đời". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem