Bức tranh xuất khẩu thủy sản nửa cuối 2019 có "sáng" hơn?

10/07/2019 07:55 GMT+7
6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn về tăng trưởng do giá tôm vẫn thấp, “thẻ vàng” của EU, thị trường lớn Trung Quốc xiết chặt con đường tiểu ngạch,... Tuy nhiên các chuyên gia vẫn đưa nhận định, 6 tháng cuối năm thị trường sẽ khởi sắc hơn

Chiếc “thẻ vàng” và những hệ lụy

Ủy ban châu Âu (EU) đã chính thức áp đặt “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam, với lý do những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đây là một thách thức lớn đối với ngành khai thác và chế biến xuất khẩu hải sản Việt Nam. Những hệ lụy có thể xảy ra là uy tín và thương hiệu của ngành hải sản bị ảnh hưởng; xuất khẩu sang thị trường EU bị sụt giảm, đồng thời tác động xấu đến việc xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ.

Hơn nữa, trong thời gian bị thẻ vàng, 100% lô hàng hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác làm mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu,... Và điều đáng nói là sau 6 tháng không gỡ được “thẻ vàng”, Việt Nam sẽ phải nhận “thẻ đỏ”, đồng nghĩa với việc cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang thị trường EU.

Giá cá tra xuống thấp kỉ lục trong 10 năm 

Đây là hậu quả nhanh nhất của việc sản xuất ồ ạt, đại trà và không theo tín hiệu của thị trường. Bởi năm 2017 và 2018, giá cá tra luôn được duy trì ở mức cao, thậm chí có thời điểm chạm mốc 35.000 - 37.000 đồng/kg và người nuôi thắng đậm.

Cũng bởi lẽ đó, năm 2019, nhiều nơi tăng diện tích làm sản lượng cá tra tăng cao. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gần đây gặp khó khăn; đặc biệt là thị trường Trung Quốc và thị trường Mỹ giảm liên tục từ đầu năm 2019 đến nay, thêm vào đó là hệ quả từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến đầu ra của cá tra đầy khó khăn. Hiện tại, các nhà máy thu mua cá tra chỉ còn khoảng 19.000- 20.000 đồng/kg, thấp nhất trong khoảng 10 năm qua; với giá này người nuôi thua lỗ từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.

Giá cá tra thấp kỉ lục trong 1 thập kỉ qua

Tôm cũng lao đao

Theo VASEP, trong 6 tháng đầu năm nay, ước tính xuất khẩu tôm đạt kim ngạch 1,455 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu tôm giảm 11,1%, nhưng mức giảm đã thấp hơn. Kim ngạch xuất khẩu tôm giảm là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới xuất khẩu chung của cả ngành thủy sản. Ước tính trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản đạt 3,95 tỷ USD, giảm gần 1% so với cùng kỳ 2018.

Bà Đặng Thị Dịu – Giám đốc công ty nuôi trồng thủy sản Nam Phú Hải chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất trong thị trường tôm là giá. Hiện tại giá tôm chỉ bằng 2/3 so với mọi năm, nguyên nhân chủ yếu do các nước không nhập khẩu”.

 Hiện tại giá tôm chỉ bằng 2/3 so với mọi năm

Xuất khẩu thủy sản sẽ khả quan hơn vào 6 tháng cuối năm?

Khi 2 hiệp định thương mại tự do là EVFTA và CPTPP được kí kết, các ưu đãi về thuế xuất và thị trường sẽ là đòn bẩy thúc đẩy xuất khẩu thủy sản cho Việt Nam. Ngoài mức thuế nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào EU giảm mạnh, nước ta còn có lợi thế với thuế GSP (chế độ thuế quan ưu đãi phổ cập). Cụ thể, mức thuế tôm nguyên liệu đông lạnh là 4,2%; tôm chế biến đông lạnh là 7%. Với lợi thế này, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh đối thủ là Thái Lan và Trung Quốc vì 2 nước này không được hưởng GSP của EU.

Bên cạnh đó, nước ta có thể tiết kiệm chi phí vì có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ phục vụ sản xuất do Việt Nam cam kết mở cửa dịch vụ logistics, bảo hiểm, tài chính và dịch vụ phục vụ sản xuất khác… Do đó, VASEP dự báo, EVFTA sẽ góp phần giúp xuất khẩu tôm của Việt Nam vào EU tăng thêm 4 - 6% trong năm nay.

Khi thay đổi được phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng và đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các thị trường khó tính, thủy sản Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin cất cánh “bay” đến nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD, tốc độ tăng GDP 4,65% và tốc độ tăng giá trị sản xuất 4,69%, toàn ngành thủy sản nói riêng và nông nghiệp nói chung còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, 6 tháng đầu năm nay, ngành thủy sản đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, ngành thủy sản đứng trước 3 vấn đề lớn:

Một là, Luật Thủy sản có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019, để phát huy hiệu quả và đi vào thực tiễn đòi hỏi phải đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tập huấn, bởi việc từ nghề cá nhân dân chuyển sang hoạt động theo khung pháp lý đầy đủ và theo đúng thông lệ quốc tế là cả một quá trình bài bản, lâu dài.

Hai là, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 10,5 tỉ USD, đòi hỏi ngành phải nỗ lực, chủ động hơn nữa, đặc biệt là cần sự quyết tâm, đoàn kết của toàn bộ hệ thống.

Ba là, chỉ còn vài tháng nữa Hội đồng Châu Âu (EC) sẽ vào kiểm tra lại việc cải thiện xóa bỏ thẻ vàng, trong khi Việt Nam mới làm tốt và thực hiện được khung pháp luật, pháp lý, còn khâu quản lý giám sát tàu cá, truy xuất, chứng nhận nguồn gốc hải sản nếu không làm tốt có nguy cơ cao hơn cả thẻ vàng, trường hợp xấu nhất là chúng ta sẽ phải nhận một “thẻ đỏ” từ EU.

 

Mai Trang
Cùng chuyên mục