Bùng nổ xe hợp đồng sẽ có rủi ro về thất thu thuế
Nhằm quản lý xe hợp đồng trá hình tốt hơn tạo ra sự bình đẳng kinh doanh giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, Cục đường bộ Việt Nam đã đề xuất lên Bộ GTVT cho xe hợp đồng trá hình vào bến xe đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Đánh giá về hoạt động xe hợp đồng, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Công ty du lịch và vận tải Vân Anh cho biết: "Năm 2018, chúng tôi đã vào hoạt động ở Bến xe Nước Ngầm. Hiện tại, chúng tôi có 70 lốt chạy tuyến Hà Nội - Thanh Hóa".
"Khi vào bến xe Nước Ngầm chúng tôi phải cạnh tranh gay gắt giữa các xe trong bến với các xe hợp đồng ở ngoài", ông Dũng nêu rõ.
Theo ông Dũng, xe hợp đồng chạy ở ngoài không bị quản chế, chỉ cần có hợp đồng, ghi tên hành khách là có thể thực hiện chuyến đi ngay, không phụ thuộc vào giờ giấc hay cơ quan quản lý chức năng. Cũng chính vì vậy mà tạo nhiều thuận lợi cho hành khách nên loại xe hợp đồng ngày càng được ưa chuộng.
"Trong khi đó, xe cố định phải chịu quản lý của Nhà nước, phải có vé, có giờ đi giờ đến nên gây thêm nhiều khó khăn cho hành khách. Việc xe hợp đồng nở rộ thì hành khách ít vào bến hơn", ông Dũng nhấn mạnh sự bất bình đẳng kinh doanh.
Ông Dũng đánh giá, bản chất xe hợp đồng rất thuận lợi, người dân không cần ra bến mua vé, chỉ cần đặt chỗ qua điện thoại di động là xong, còn ở bến có giờ, xe mới xuất phát được. Tuy nhiên, để cạnh tranh lành mạnh, đơn vị cố gắng phục vụ bằng mọi phương tiện, có xe trung chuyển, đầu tư cả ngàn mét vuông phòng chờ ở bến xe nhưng hành khách không đến.
Khó khăn nữa là cạnh tranh về giá, ông Dũng chỉ ra xe tuyến cố định sẽ có giá vé cao hơn vì mất thêm nhiều loại tiền khác như thuế VAT của vé, tiền bến.
Cũng theo ông Dũng đặt vấn đề: "Nếu hỏi anh em xe hợp đồng có muốn vào bến không, chắc chắn ai cũng muốn nhưng liệu bến xe của Hà Nội có đáp ứng được không? Vì khi 240.000 xe vào bến, chia cho các bến ở Hà Nội thì chắc chắn không thể đủ.
"Thực tế có địa phương, xã huyện có rất nhiều nhu cầu nhưng để xin lốt chạy lên Hà Nội rất vất vả, không chỉ qua một khâu mà nhiều khâu. Chúng tôi đã thực hiện xin lốt xe ở Sầm Sơn nhưng cả năm nay vẫn chưa xin được", ông Dũng nói.
Do đó, theo ông, những vấn đề này đang gây khó khăn cho tuyến cố định và càng khó cho cố định thì hợp đồng càng nở rộ.
Nói về phương án quản lý thuế, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Bộ Tài chính) cho biết: "Hiện nay, chính sách thuế không phân biệt loại hình, mà chính sách chung mà theo nguyên tắc tự khai tự nộp, tự chịu trách nhiệm.
Chúng ta đã nghe nhiều ý kiến và thấy rõ, xe hợp đồng phát triển là nhu cầu. Thực tế, loại hình nào trực tiếp đến người tiêu dùng thì sẽ có rủi ro thất thu thuế khi người dùng không cần hóa đơn. Việc thu thuế trong trường hợp này cũng như vậy".
Vậy cách nào để tránh thất thu thuế trong hoạt động giao thông vận tải? Chúng tôi đang chuyển đổi số rất mạnh, trên nguyên tắc quản lý tại nguồn. Chúng tôi coi trọng những doanh nghiệp đầu tư thiết bị để quản lý.
"Trong lĩnh vực GTVT, đối với những xe đã được cấp phù hiệu thì ngành thuế đang quản lý vì có danh sách từ dữ liệu ngành GTVT", bà Lan cho hay.
Theo bà Lan, việc thu thuế cũng thuận lợi hơn thông qua việc phát hành hóa đơn điện tử. Hóa đơn điện tử có thể phát hành ngay trên taxi, hoặc ngay trên xe khách… Trước đây, chúng ta tranh cãi việc thất thu thuế từ Uber, Grab… nhưng rõ ràng khi áp dụng công nghệ, việc quản lý và thu thuế thuận tiện rất nhiều, gần như thu được 100%.