Buôn bán gạo tiểu ngạch với Trung Quốc: Coi chừng đối tác giở quẻ

Nguyễn Phương Thứ ba, ngày 29/07/2014 07:06 AM (GMT+7)
Trong 1 tuần trở lại đây, giá lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tăng mạnh mà  nguyên nhân được cho  do lượng gạo xuất khẩu qua con đường tiểu ngạch với Trung Quốc (TQ) tăng. 
Bình luận 0

Theo đánh giá từ Bộ Công Thương và các thương nhân xuất khẩu gạo, việc TQ khởi động lại việc mua gạo trong vài tuần qua, trong khi các nhà xuất khẩu gạo cần mua gạo tại thị trường trong nước để phục vụ đơn hàng xuất khẩu sang Malaysia và Philippines đã đẩy giá gạo tăng lên. Theo một DN xuất khẩu gạo, hiện lượng gạo xuất qua đường chính ngạch sang TQ trung bình chỉ từ 30.000 - 70.000 tấn/tháng, thì lượng gạo xuất tiểu ngạch có thể lên tới 100.000 tấn/tháng, cao điểm có thể cao hơn, rất khó thống kê chính xác.

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng nhận định: Hiện nay tất cả các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới có hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới bên phía ta đều được bố trí đầy đủ lực lượng chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, bên phía TQ chỉ coi các hoạt động này là hoạt động của chợ biên giới, hoạt động mua bán, trao đổi cư dân biên giới nên thường không có lực lượng chức năng quản lý hoặc chỉ có lực lượng biên phòng làm nhiệm vụ giám sát.

Trước thực tế trên, Ban chỉ đạo Thương mại biên giới tuyến biên giới Việt- Trung (Bộ Công Thương) đã đưa ra nhiều kế hoạch nhằm bảo đảm ổn định cho hoạt động giao thương những tháng cuối năm. Theo đó, sẽ xây dựng các phương án xuất khẩu, mua - bán, trao đổi qua thương mại biên giới một số mặt hàng nông sản theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện cho xuất khẩu…

GS-TS Võ Tòng Xuân thì cho rằng, việc TQ thường tận dụng mua gạo VN qua đường tiểu ngạch thay vì chính ngạch là kiểu làm ăn “ăn xổi ở thì”, ẩn chứa nhiều rủi ro cả trong việc xuất khẩu lẫn khâu thanh toán. “Khi họ mua hàng thì thương lái trong nước lại đổ xô đi thu gom, đến khi họ đột ngột ngừng thì lại xảy ra tồn hàng. Chẳng có hợp đồng hay giao ước gì được ký kết nên trục trặc, rủi ro xảy ra thì phần thiệt luôn thuộc về thương lái và nông dân mình”- ông Xuân nói.

Chuyên gia lúa gạo Nguyễn Đình Bích cũng nhận định: TQ tăng mua gao của Việt Nam suốt 2 năm qua là do truyền thống “tích cốc phòng cơ” của TQ và bởi giá lúa gạo ta bán cho TQ đang quá rẻ. Do vậy, với giá gạo tăng lên như hiện nay nếu chúng ta ồ ạt xuất gạo sang TQ quá nhiều, thì thị trường này “giở quẻ” là bình thường và chúng ta sẽ lại hết sức khó khăn trong xuất khẩu gạo sang TQ.

“Rủi ro lớn nhất từ những năm qua là TQ có thể ngừng mua bất cứ lúc nào. Vì như đã nói, họ tăng cường nhập khẩu gạo của VN không phải vì thiếu lúa gạo, mà chỉ là “khai thác tài nguyên giá rẻ”. Nếu họ ngừng đột ngột như cách vẫn làm với nhiều loại nông sản khác, chúng ta sẽ cực kỳ rủi ro”- ông Bích khẳng định.

   Bà Phan Thị Diệu Hà - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) mới đây cho biết, Bộ Công Thương cũng đang chỉ đạo theo dõi sát tình hình xuất khẩu gạo và nông sản sang TQ để có giải pháp phù hợp. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem