Cà Mau: Tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19

Hoàng Hạnh Thứ năm, ngày 08/09/2022 16:09 PM (GMT+7)
Hai năm qua, Cà Mau bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, ảnh hưởng tiêu cực đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến cho nhiều người lao động mất việc, đứt gãy chuỗi cung ứng trong sản xuất.
Bình luận 0

Song, với sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự chung tay, góp sức của người dân, doanh nghiệp cùng đồng hành, nỗ lực vượt qua khó khăn thực hiện liên kết các biện pháp phòng, chống dịch để chuyển sang trạng thái bình thường mới, ổn định sản xuất, thực hiện có hiệu quả mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhiều giải pháp quyết liệt

Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp ngắn hạn trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể và nhóm giải pháp căn cơ, dài hạn để tháo gỡ khó khăn cho tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bằng các giải pháp cụ thể, quyết liệt như: Cải thiện và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh sau đại dịch Covid-19 nhằm sớm khôi phục kinh tế và phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và nước ngoài; khởi động lại các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, tạo sự liên kết của các doanh nghiệp nội địa với các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cà Mau: Tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Tỉnh Cà Mau đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành thu - chi ngân sách, thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên để ưu tiên dành nguồn chi đầu tư phát triển, bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống dịch và tăng chi tiêu cho an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư khẩn trương triển khai các dự án lớn có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn, chủ động điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, thiếu vốn, nhất là các dự án trọng điểm, dự án cần sớm hoàn thành trong năm.

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 theo quy định của trung ương và hỗ trợ việc làm cho người lao động; tập trung triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời đến các nhóm đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, rà soát nhu cầu, triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại người lao động; nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động; nâng cao năng lực các trung tâm dịch vụ việc làm, trường nghề chất lượng cao… cũng được các cấp lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Từ đó góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động thất nghiệp do tác động đợt dịch vừa qua.

Cà Mau: Tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Ông Huỳnh Quốc Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định hệ thống chính quyền tỉnh quyết tâm đạt được những mục tiêu đề ra. Ảnh: CTV.

Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh việc hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ), hợp tác xã, hộ kinh doanh bằng cách tiếp tục thực hiện các chính sách miễn thuế, giảm thuế, gia hạn thuế, phí, lệ phí, các chính sách cơ cấu lại nợ; tăng trưởng tín dụng phù hợp, tiếp tục cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; đẩy mạnh việc hỗ trợ phù hợp cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như sản xuất và chế biến nông - lâm - nghiệp, dịch vụ vận tải, du lịch, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, công nghệ số, chuyển đổi số…

Những chỉ đạo trong thời gian tới của UBND tỉnh

Nhằm tiếp tục duy trì các giải pháp có hiệu quả đã được triển khai và phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, UBND tỉnh Cà Mau đã có những chỉ đạo rất quyết liệt đối với các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Trong đó, tập trung một số công tác trọng tâm như sau:    

Tham mưu cụ thể hóa các Nghị quyết của Hội nghị TW 5 khóa XIII và các Nghị quyết, Chương trình của Tỉnh ủy. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Trong đó, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, phù hợp với thực tế, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Tập trung kiểm tra, theo dõi tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với mặt hàng xăng dầu và hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá cả thị trường; kiểm tra xử lý, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc mua bán, sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Chú trọng tuyên truyền, thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để đẩy mạnh chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhất là đối với nông sản, thủy sản - ngành hàng chủ lực của tỉnh.

Triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách để thúc đẩy sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp, tăng cường kiểm tra, tuần tra bảo vệ rừng. Thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), chú trọng chất lượng, hiệu quả, ổn định sản lượng.

Cà Mau: Tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Chế biến xuất khẩu thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Bên cạnh đó phải tiếp tục quản lý, khai thác các nguồn thu ngân sách theo kế hoạch, tăng cường các giải pháp chống thất thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022; quản lý chi ngân sách, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả.

Tập trung, quyết liệt thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, quản lý chất lượng các công trình, dự án và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, nhất là các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện nghiêm công tác quyết toán, tất toán vốn đầu tư các dự án, công trình hoàn thành theo quy định.

Tập trung hoàn thiện dự thảo Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các cấp và các đối tượng sử dụng đất. Triển khai thực hiện quyết định thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất theo quy trình. Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch vùng huyện,…

Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, linh hoạt, hiệu quả các chủ trương của trung ương, của Tỉnh ủy trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo dõi, cảnh giác trước diễn biến của dịch Covid-19, chuẩn bị sẵn sàng phương án, nguồn lực ứng phó với dịch Covid-19 trong các tình huống khi xuất hiện biến chủng mới, làm tái phát dịch bệnh trong cộng đồng. Song song với đó là việc đẩy mạnh tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho các đối tượng theo quy định. Giám sát chặt chẽ tình hình các loại dịch bệnh khác nhằm chủ động ứng phó trong trường hợp dịch bệnh xảy ra.

Phát huy lợi thế về phát triển du lịch, tập trung huy động nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ kích cầu và quảng bá phát triển du lịch năm 2022, tổ chức tốt Chương trình sự kiện Cà Mau - Điểm đến năm 2022 và các hoạt động xúc tiến du lịch như tổ chức đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch…

Đặc biệt là việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng. Thực hiện có hiệu quả đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, từng bước cải thiện dần điểm số và thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)….

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem