Cả thôn người Tày canh giữ rừng cây quý ví như "kho vàng lộ thiên" ở núi rừng tỉnh Lạng Sơn

Gia Tưởng Thứ tư, ngày 08/12/2021 06:35 AM (GMT+7)
Gỗ nghiến mọc trên núi đá, được ví như "vàng lộ thiên" của núi rừng, bị lâm tặc dùng mọi âm mưu để "hạ sát". Thế mà ngay bên tỉnh lộ 241 (thuộc địa phận xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn), có một thôn người Tày canh giữ rừng nghiến bằng những quy định của hội hiếu.
Bình luận 0

Clip: Ông Hằng, nông dân thôn Đông Đằng, xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn nói về quy định của hội hiếu trong bảo vệ rừng cây gỗ nghiến.

Cánh rừng thiêng của người Tày

Từ huyện Bình Gia sang đèo Tam Canh, rồi rẽ trái sẽ thấy tỉnh lộ 241 chạy xuyên qua thung lũng trù phú nhất nhì xứ Lạng - thung lũng Bắc Sơn.

Những thôn làng ven đường tỉnh lộ 241 quần tụ đông đúc không khác gì những thôn xóm dưới xuôi là mấy. Ở đây, dường như bà con chỉ cần với tay là có thể chạm vào rừng.

Thôn Đông Đằng (xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) cũng như vậy. Người dân Đông Đằng đang canh giữ hàng nghìn cây nghiến lớn nhỏ được ví như kho "vàng lộ thiên" của núi rừng.

Làng Canh vàng của rừng ở Lạng Sơn  - Ảnh 1.

Ông Dương Đình Hằng (thôn Đông Đằng, xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) đứng trước cánh rừng thiêng của làng mình. Ảnh: Gia Tưởng

Theo những người cao niên ở thôn Đông Đằng, cánh rừng nghiến cổ ngay sát làng mình là một khu rừng thiêng, thờ ba vị thần: Ông Đuôi, Ông Voi, và thần Bò Bá Mò. Ba vị thần này được ngự ngay ở khu rừng có những cây nghiến mọc, để che chở và bảo vệ cho dân làng.

Dẫn chúng tôi tới khu miếu thờ 3 vị thần rừng, ông Dương Đình Hằng (cựu trưởng thôn Đông Đằng, xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) nói: "Bình thường người dân chỉ được đi lên tới đây để thắp hương cúng lễ các ngài thôi. Nếu không xin phép thì không ai được bước qua ngôi miếu này để vào rừng cả".

Việc thờ các vị thần rừng này có từ bao giờ thì không ai biết? Ông Hằng chỉ biết rằng, người làng mình được truyền lại như vậy, nên mọi người trong làng bảo ban nhau thờ cúng mà thôi.

Dân làng có niềm tin rằng, thần rừng sẽ phù hộ cho mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh, con đàn cháu đống, làng bản chung sống thuận hòa, đoàn kết. Và điều mong ước lớn nhất của dân bản, đó là không có thiên tai, dịch họa.

"Muốn như vậy, nơi cánh rừng các ngài thần rừng ngự phải thật yên tĩnh. Mọi thứ cỏ cây, chim thú do các ngài cai quản phải được tự do, tự nhiên phát triển. Người dân không được bén mảng tới, kiếm củi săn thú. Nếu có cây đổ cây ngã cũng để nguyên trong rừng cho thối mục tự nhiên, làm phân bón chăm các cây con khác, nhất định không được lấy đem về nhà," ông Hằng kể.

Làng Canh vàng của rừng ở Lạng Sơn  - Ảnh 2.

Một góc cánh rừng thiêng thôn Đông Đằng, xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Gia Tưởng

Hiện nay, miếu thần rừng được thờ ngay lối đi lên cánh rừng nghiến cổ. Trước miếu có một cây đa cổ thụ to cành lá sum sê, càng làm tăng thêm cho vẻ uy nghi, linh thiêng cho cánh rừng có hàng nghìn cây nghiến cổ trước mắt.

Bảo vệ rừng nghiến cổ bằng hội hiếu

Trong những chuyến tác nghiệp của mình, tôi đã không ít lần chứng kiến sự tàn phá không thương tiếc của lâm tặc đối với những cánh rừng. Ví dụ như rừng nghiến Quỳnh Nhai ở Sơn La, hay mới đây nhất là rừng nghiến Du Già ở Hà Giang...

Đau xót hơn nữa, chính những cán bộ kiểm lâm có nhiệm vụ giữ rừng lại có liên quan, đến mức một số người bị khởi tố.

Nhìn những cây nghiến xanh mướt ngay trước mắt, chỉ vài bước chân là có thể tới, tôi ngỏ ý nhờ ông Hằng dẫn lên với ý định chụp ảnh làm tư liệu.

Nhưng ông Hằng kiên quyết không dẫn lên, ông bảo: "Ở thôn có quy định rất nghiêm rồi. Bất cứ người dân nào, nếu không được phép của hội đồng bảo vệ rừng thì không được bước chân vào rừng cấm. Nhà báo thông cảm cho".

Theo ông Hằng, ở đây có tổng thể 2019 cây gỗ nghiến có đường kính là 20cm trở lên. Thậm chí, nhiều cây có đường kính "khủng", phải tới 4 người ôm.

Sở dĩ, cây nghiến làm gỗ tốt và luôn được săn đón vì chúng chỉ sinh trưởng trên núi đá có độ cao khoảng 400m. Cây lớn rất chậm, cho gỗ cứng như đá và không bao giờ bị mối mọt. Gỗ nghiến mà làm cột nhà, đóng đồ gia dụng thì có thể nói độ bền vĩnh cửu, đến mấy đời người không hỏng.

Chính vì thế, gỗ nghiến quý như "vàng lộ thiên" ở giữa núi rừng, khiến nhiều người liều lĩnh, bất chấp mọi giá để chiếm đoạt bằng được báu vật của rừng.

Làng Canh vàng của rừng ở Lạng Sơn  - Ảnh 3.

Sơ đồ bảo vệ rừng nghiến nguyên sinh thôn Đông Đằng, xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Gia Tưởng

Một cán bộ kiểm lâm ở Lạng Sơn đã chua chát thừa nhận với chúng tôi rằng: "Cứ mở đường dân sinh tới đâu, để bà con được đi lại thuận tiện, giao thông ổn định là mất rừng tới đó. Kiểm lâm không tài nào giữ được rừng nếu ở đó có gỗ quý".

Còn theo ông Hằng, người dân Đông Đằng ghi trong hương ước của làng rất đơn giản: "Nếu ai lên rừng lấy gỗ, lấy củi, sẽ bị đuổi ra khỏi hội hiếu".

Từ nhiều đời nay, người dân Đông Đằng chỉ bảo vệ rừng với một dòng ghi ngắn ngủi như vậy thôi, mà có sức nặng răn đe như một quả núi, không ai dám vi phạm.

"Đuổi ra khỏi hội hiếu" nghĩa là nếu gia đình gặp tang gia, cả làng không ai tới giúp, không ai đưa tiễn người khuất trong gia đình về với tổ tiên. Nếu có việc cưới xin, dân làng cũng tẩy chay không tới mừng, không làm cỗ giúp.

Chính vì vậy, hàng trăm năm qua, người dân Đông Đằng không có ai dám vi phạm về công việc bảo vệ rừng cả. Không chỉ có vậy, người dân còn có ý thức cao trong công tác bảo vệ rừng.

Cách đây mấy năm, dân làng đã bắt được một số người trèo núi vào rừng nghiến làng mình để kiếm ăn, giao cho kiểm lâm xử lý.

Nói về bảo vệ rừng nghiến ở Đông Đằng, anh Nguyễn Cao Cường - cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Trước kia mình công tác ở Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Sơn, đã hướng dẫn bà con lập hồ sơ bảo vệ rừng nghiến.

Khu vực 13ha này là rừng cộng đồng, hằng năm bà con được hưởng kinh phí bảo vệ rừng. Đây cũng là khu rừng nghiến nguyên sinh hiếm hoi còn sót lại ở xứ Lạng, và được cộng đồng dân cư gìn giữ như báu vật của làng".




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem