Các dự án yếu kém ngành Công Thương: Xử lý theo nguyên tắc linh hoạt
Để xử lý các dự án yếu kém ngành Công Thương từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo, các chuyên gia cho rằng, chặng đường phía trước còn rất nhiều thách thức. Đặc biệt trong điều kiện phát triển thị trường, hướng dẫn doanh nghiệp (DN) về pháp lý trong việc xử lý tranh chấp hợp đồng EPC, hay giải quyết khó khăn về tài chính tạo ra "sức sống mới", nguồn lực mới, động lực mới để hồi sinh các dự án, đóng góp tích cực cho thị trường và nền kinh tế.
Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, việc đưa 5/12 dự án ra khỏi "danh sách đen" là cả một quá trình dài, song cả 5 dự án này đều bám sát các mục tiêu cụ thể như khắc phục thua lỗ, thậm chí có lãi và tạo sự chủ động cho DN hoạt động.
“Đến nay, các dự án đã không còn vướng mắc về cơ chế chính sách. Cả 5 dự án được đưa ra đều xử lý các vướng mắc cho DN theo hướng bám sát thị trường, tôn trọng pháp nhân DN, không can thiệp thô bạo. Các dự án được xét trên, dưới, xuôi, ngược vẫn theo tôn chỉ hiệu quả thu về, phân loại từng dự án, nhóm dự án. Đặc biệt với những dự án có khả năng phục hồi, nhìn thấy triển vọng hiệu quả và ổn định, sẽ được tập trung xử lý sớm như Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ cũng theo hướng mới, là cơ hội mở ra cho DN để lựa chọn các nhà đầu tư mới để thích ứng với thị trường hiện nay, tạo đà phát triển mới cho DN”, ông Hùng nói.
Đối với 7 dự án còn lại trong danh mục dự án yếu kém, chậm tiến độ, ông Hồ Sỹ Hùng nhìn nhận, các dự án này còn nhiều tồn tồn tại do đang vướng mắc những vấn đề nổi cộm, trong đó 2 vấn đề chính đó là xử lý hợp đồng EPC và xử lý chi phí tài chính do đầu tư tồn lại quá lớn.
“Nếu không giải quyết hai vấn đề này sẽ không mở cho DN khả năng cạnh tranh trên cùng một mặt bằng so với các DN khác (tức là chi phí tài chính phải tương đương). Mặt khác, chưa ‘giải thoát’ được hợp đồng EPC thì DN chưa chủ động được các dây chuyền và việc sản xuất kinh doanh của mình”, ông Hồ Sỹ Hùng phân tích.
Chính vì vậy, khi đề cập đến hướng xử lý tiếp theo, ông Hồ Sỹ Hùng cho rằng, Ban Chỉ đạo sẽ cùng các DN ngồi lại, đánh giá lại tình trạng của dự án, rà soát lại vấn đề tồn đọng và nguyên nhân, để xem DN cần những hậu thuẫn gì về cơ chế chính sách, kể cả niềm tin… để DN trụ được. Đồng thời, mở hướng giao quyền cho DN tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
“Đối với các dự án có cần bổ sung thêm vốn, hướng xử lý sẽ là giao DN tự chủ động sử dụng nguồn vốn để cơ cấu các dự án còn nhiều vướng mắc. Các tập đoàn, DN cần bám đúng nguyên tắc, chủ động phương án sản xuất kinh doanh, sản phẩm, có thể đưa ra các phương án để tái cơ cấu các dự án này. Trong quá trình xử lý, sẽ có sự tương tác giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các DN”, ông Hùng đưa giải pháp.
Với các vướng mắc quanh hợp đồng EPC, ông Hồ Sỹ Hùng cho biết, trường hợp dự án không phải tranh chấp hợp đồng EPC sẽ đưa ra thông điệp thông qua hệ thống trọng tài. Đồng thời, mở hướng cho các DN thoái vốn, tái cơ cấu đầu tư…
Nhắc lại nguyên tắc xử lý các dự án tồn đọng yếu kém, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình xử lý các dự án yếu kém, chậm tiến độ, Chính phủ khóa trước và khóa này đã có tới 20 cuộc họp để chỉ đạo. Sự tham gia của các bộ, ngành gồm Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp cũng rất sát sao. Các tổ chức tín dụng dưới sự lãnh đạo của Chính phủ và những nhà tài trợ vốn cho dự án cũng đã tham gia rất tích cực, các cơ quan, đơn vị tham gia cùng đồng lòng thực hiện hàng loạt giải pháp liên quan nhằm mục tiêu chung để tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
“Nguyên tắc xử lý là đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp từng dự án. Đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính xử lý phải dứt điểm, dự án nào làm được phải làm luôn, bám sát thực tiễn, khuôn khổ pháp luật, những gì vướng, vượt tầm khuôn khổ thì báo cáo Quốc hội. Đây là tiền đề quan trọng để tháo gỡ các dự án hiệu quả và xử lý các dự án tiếp theo”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Theo nhận xét của Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, với khối lượng công việc rất nhiều trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, có thể thấy Chính phủ và các Bộ, ngành đã nỗ lực rất cao. Việc xử lý các dự án yếu kém còn tồn tại được đánh giá tích cực và có kết quả.
Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, đối với các dự án còn lại cần có sự quyết liệt, dứt điểm từng dự án. Phải thống nhất về nguyên tắc, phân định quyền, trách nhiệm của các bên liên quan và phải đưa thành luật. Đồng thời, các quy định ban hành tiếp theo cần tạo ra cơ chế để người thực hiện nhiệm vụ yên tâm khi giải quyết công việc.