Các hãng hàng không đề nghị giảm thuế, phí đến hết 31/12/2022
Trình bày những khó khăn của các doanh nghiệp hàng không bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, ông Dũng cho biết, hết tháng 9/2021, tổng thị trường hàng không chỉ đạt 13,4 triệu hành khách, giảm 42,1% so với năm 2020 và giảm 77% so cùng kỳ năm 2019.
"Tính tiêng đối với hành khách quốc tế, chỉ đạt 349 nghìn hành khách, giảm 95,1% so cùng kỳ năm 2020 (giảm 98,8% so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến cả năm, lượng khách có thể đạt 17,5 triệu người (giảm 52% so với năm 2020)", ông Dũng chia sẻ.
Dịch bùng phát khiến cho các hãng hàng không lâm vào tình trạng khó khăn, doanh thu giảm 80-90%, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng, nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng bị cạn kiệt.
Nêu ra khó khăn của ngành hàng không có thể gặp phải trong năm 2022, ông Dũng dự kiến các hãng hàng không sẽ tiếp tục chịu tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch Covid-19. Trong đó, dịch bệnh có thể ảnh hưởng tới chính sách mở cửa thị trường hàng không của các nước và tâm lý của khách hàng.
Ngoài ra, hàng không Việt Nam cũng đang cạnh tranh gia tăng khi mở cửa thị trường hàng không quốc tế, khi các hãng hàng không nhiều nước đã hoạt động trở lại trước Việt Nam; Sự thiếu hụt lực nhân lực kỹ thuật trình độ cao, đặc biệt là đội ngũ phi công có kinh nghiệm; Sức ép thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính đã được giãn và tái cấu trúc trong thời gian dịch bệnh.
Nhằm có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không, ông Dũng đề xuất Bộ GTVT sớm phục hồi và phát triển thị trường hàng không trong nước. Đồng thời, Kịp thời mở lại và mở rộng các tuyến đường bay quốc tế theo kế hoạch mà Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ.
Cùng với những nội dung nêu trên, ông Dũng kiến nghị không hạn chế đối tượng khách và mục đích đi lại của khách quốc tế vào Việt Nam, chỉ yêu cầu khách có visa, hộ chiếu hợp lệ, đáp ứng đủ các yêu cầu về phòng chống dịch theo quy định của Nhà nước Việt Nam.
Cùng với đó, đề nghị Bộ GTVT cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hàng không tiếp cận các nguồn tín dụng để cải thiện và duy trì tính thanh khoản một cách bền vững; Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không xuống mức tối thiểu trong khung thuế mà Quốc hội đã quy định (1.000 đ/ lít); Tiếp tục giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp hàng không cho tới hết 31/12/2022.
Trước đó, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam vừa đề nghị Bộ GTVT, Bộ Y tế, Bộ Ngoại Giao nhiều nội dung về việc thực hiện mở đường bay quốc tế từ ngày 1/1/2022.
Hiệp hội này cho rằng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc mở lại đường bay quốc tế từ ngày 1/1/2022, các thành viên của Hiệp hội đã tích cực triển khai công tác chuẩn bị nhằm đón khách thuận lợi, an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các thành viên vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần được Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo.
Từ đó, đề nghị Bộ GTVT sớm phân bổ số lượng chuyến bay trên từng đường bay quốc tế cho các hãng hàng không Việt Nam.
Việc phân bổ cần triển khai gấp và tuân theo nguyên tắc, thông lệ quốc tế để các hãng hàng không kịp chuẩn bị nhân sự, sắp xếp lịch bay, tính toán giá vé máy bay để khách chủ động lên kế hoạch đi lại, mua vé máy bay.
Để đơn giản thủ tục và phòng chống dịch Covid-19, đề nghị Bộ GTVT cho phép thực hiện online hóa, có thể khai báo, nhận chứng nhận, làm thủ tục, quy trình trên cả app hoặc website và kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống của các hãng hàng không. Đồng thời, Bộ GTVT sớm ban hành hướng dẫn quy trình phối hợp để thực hiện thành công việc mở đường bay quốc tế.
Cùng với những nội dung nêu trên, Hiệp hội này còn tiếp tục đề nghị Bộ Ngoại Giao và các Đại sứ quán quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn cách thức khai báo, chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính, chứng nhận Vaccine để giảm bớt khó khăn, vướng mắc cho hành khách.
Ngoài ra, Hiệp hội này cũng đề nghị Bộ Y tế cho thông báo danh sách những loại vaccine nào được đối tác bay chấp nhận và ban hành mẫu chứng nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cho công dân. Đồng thời, ban hành mẫu và hướng dẫn thực hiện việc chứng nhận xét nghiệm âm tính trong 72h trước khi bay cho hành khách bay.
Về vấn đề sử dụng ứng dụng quản lý giám sát, Hiệp hội này cho biết, Bộ Y tế có yêu cầu người nhập cảnh phải cài ứng dụng PC-Covid để quản lý giám sát di biến động cảu người nhập cảnh. Tuy nhiên, Bộ Công an đang có kế hoạch áp dụng Igo.vn, vì vậy đề nghị Bộ Y tế xem xét, có phương án thống nhất đồng thời tính toán khả năng chịu tải của PC-Covid trong điều kiện cùng lúc có nhiều người truy cập khai báo, tránh bị treo, bị lỗi.