Các hãng khởi nghiệp xe điện Trung Quốc đang thách thức nhiều 'ông lớn' châu Âu và Nhật Bản

23/07/2021 09:32 GMT+7
Khi smartphone và laptop Trung Quốc ngày càng phổ biến với người tiêu dùng phương Tây, nhà sản xuất xe điện Trung Quốc Aiways cũng tham vọng làm điều tương tự.

Aiways, công ty khởi nghiệp xe điện có trụ sở tại Thượng Hải vào tháng trước vừa giới thiệu dòng xe điện mới nhất SUV U5 tại thị trường Pháp. “"Thiết kế xe rất đơn giản và gọn gàng. Một chiếc xe hiện đại đến cả phương thức phân phối” - người thuyết trình của Aiways giới thiệu về chiếc SUV U5.

Phương thức phân phối hiện đại đề cập đến việc Aiways phân phối xe đến thị trường châu Âu thông qua các đối tác trong nước, qua đó giảm chi phí vận chuyển cũng như giá thành xe khi đến tay người tiêu dùng. Dòng SUV U5 của Aiways có giá khoảng 39.000 Euro (46.000 USD), rẻ hơn khoảng 10-15% so với các dòng xe cùng phân khúc của nhiều đối thủ cạnh tranh khác.

Alexander Klose, Phó chủ tịch điều hành phụ trách các hoạt động ở nước ngoài của Aiways tin rằng sự phổ biến của smartphone và laptop Trung Quốc trên thị trường quốc tế là một lý do thuyết phục để tin tưởng vào tương lai tương tự của ngành xe điện Trung Quốc. “Chúng tôi có một số thách thức phải đối diện, nhưng nhìn chung tôi có thể nói rằng tương lai khá tích cực”.

Các hãng khởi nghiệp xe điện Trung Quốc đang thách thức nhiều 'ông lớn' châu Âu và Nhật Bản - Ảnh 1.

Dòng xe SUV U5 của Aiways hiện đang được bán ở châu Âu (Ảnh: Getty Images)

Aiways không đơn độc. Ngày càng nhiều nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang nhắm đến thị trường nước ngoài với tham vọng cạnh tranh cả về giá cả và chất lượng. 

BYD, nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc được hậu thuẫn bởi huyền thoại đầu tư Mỹ Warren Buffett đang đặt cược vào thị trường Na Uy. Hãng đã vận chuyển 100 chiếc SUV đầu tiên tới các đại lý châu Âu trong tháng 6 qua và dự kiến sẽ giao khoảng 1.500 xe tại thị trường khó tính này vào cuối năm nay, 

Người phát ngôn của BYD nói với Nikkei Asia: "Chúng tôi sẽ không phạm phải những sai lầm giống như các thương hiệu Trung Quốc khác đã phạm phải cách đây hơn 10 năm tại thị trường châu Âu khi họ cố gắng tung ra các phương tiện với giá quá rẻ một cách vội vàng, không có sự chuẩn bị nào”.

Nio là một công ty khởi nghiệp xe điện khác của Trung Quốc đang dần có được sự chú ý của người tiêu dùng phương Tây. Nhà sản xuất ô tô điện này hiện có kế hoạch xuất khẩu sang thị trường Na Uy trong tháng 9 năm nay. 

Le Tu, giám đốc điều hành của Sino Auto Insights có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết: “Hầu hết các thương hiệu Trung Quốc đang tiến vào Na Uy vì nước này có luật nhập khẩu thân thiện nhất và là nơi chính phủ cung cấp các khoản trợ cấp, ưu đãi cao nhất cho công dân”. Na Uy là quốc gia đầu tiên ghi nhận doanh số bán xe điện chiếm tới 50% doanh số bán ô tô mới.

Trong khi đó, Aiways - hãng xe điện được hậu thuẫn bởi gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc Didi Chuxing hồi tháng trước đã tìm thấy đối tác phân phối mới ở Ý. Như vậy, Ý là thị trường châu Âu thứ sáu mà Aiways nhắm tới sau Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch. Xe điện Aiways hiện cũng đang được bán ở Israel.

Việc các công ty xe điện Trung Quốc tìm cách lấn sân thị trường nước ngoài diễn ra cùng thời điểm thị trường xe điện nội địa chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt. Năm ngoái, Tesla đã ghi nhận doanh số bán xe điện tại thị trường Trung Quốc tăng gấp đôi. Trong khi đó, mặc dù Mỹ là thị trường ô tô lớn thứ hai hành tinh nhưng các rào cản như thuế quan khiến nó trở thành mục tiêu khó tiếp cận với các công ty khởi nghiệp xe điện Trung Quốc. 

Năm ngoái, ước tính có 23.800 xe điện của Trung Quốc đã được bán ở Tây Âu, tăng 1.290% so với năm 2019, heo báo cáo hồi tháng 1 của Schmidt Automotive Research có trụ sở tại Berlin. Gần một nửa doanh số bán hàng này được thiết lập chỉ trong quý IV/2020. 

Hiện 2 mẫu xe điện bán chạy nhất ở châu Âu là Zoe do Renault của Pháp sản xuất và ID.4 do Volkswagen của Đức sản xuất. Đứng thứ ba là xe điện của Tesla. Doanh số bán dòng xe Zoe đạt gần 100.000 chiếc trong năm 2020. Không có hãng xe điện Trung Quốc nào lọt vào top 5 các dòng xe bán chạy nhất châu Âu. 

Tại Nhật Bản, một thị trường xe điện tiềm năng khác, các chuyên gia nhận định sự thiếu cạnh tranh trong nước đang mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc. Ngay cả Mitsubishi Motors, hãng sẽ tung ra một trong những mẫu xe mini chạy điện rẻ nhất trong hai năm tới, cũng đang trong tình trạng báo động. "Các công ty Trung Quốc sẽ là đối thủ của chúng tôi trong tương lai", Chủ tịch Takao Kato nhận định.

Các công ty vận tải của Nhật Bản đang chịu áp lực ngày càng tăng về việc giảm lượng khí phát thải carbon từ đội ngũ xe của họ. Hiroyasu Iizuka, người sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp xe điện ASF đã hợp tác với Sagwa Express để giúp công ty vận tải này điện khí hóa đội ngũ xe tải hạng nhỏ. Nhưng đến lúc phải tìm nhà sản xuất để thực hiện các thiết kế này, ASF đã không tìm thấy nhà sản xuất ô tô Nhật Bản nào phù hợp. Cả Daihatsu Motor và Suzuki Motor, hai hãng xe nổi tiếng với phân khúc xe tải nhỏ, đều tỏ ra do dự khi nhìn những bản thiết kế xe chạy hoàn toàn bằng điện. 

Không tìm được đối tác địa phương, ASF đã chọn Tập đoàn ô tô Quảng Tây của Trung Quốc (Guangxi Automobile) để sản xuất các thiết kế này. Guangxi Automobile dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt xe tải ASF vào tháng 9 năm nay. 


NTTD
Cùng chuyên mục