Các hãng ô tô trước nguy cơ thiệt hại trăm tỷ USD vì thiếu chip

14/05/2021 18:13 GMT+7
Theo công ty tư vấn AlixPartners, cuộc khủng hoảng chip hiện tại có thể sẽ khiến ngành công nghiệp ô tô toàn cầu thiệt hại 110 tỷ USD trong năm nay.

Dự báo này tăng mạnh 81,5% so với con số ban đầu 60,6 tỷ USD mà AlixPartners đưa ra hồi cuối tháng 1, khi cuộc khủng hoảng chip bắt đầu ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô, buộc một số hãng cắt giảm sản lượng sản xuất tại nhà máy.

Ông Mark Wakefield, một nhà lãnh đạo cấp cao tại AlixPartners cho hay có một số yếu tố góp phần làm gia tăng dự báo thiệt hại như vụ hỏa hoạn tại một nhà máy sản xuất chip cho Renesas gần Tokyo cũng như một số yếu tố thời tiết.

“Cuộc khủng hoảng chip do đại dịch gây ra đã trở nên trầm trọng hơn bởi những sự kiện thường không gây ảnh hưởng nhiều đến ngành công nghiệp ô tô, chẳng hạn như vụ cháy nhà máy sản xuất chip quan trọng, thời tiết khắc nghiệt ở Texas và hạn hán ở Đài Loan” - ông Mark cho biết trong một thông cáo báo chí. “Nhưng tất cả những điều này đã hội tụ với cuộc khủng hoảng chip trầm trọng, đe dọa khả năng phục hồi chuỗi cung ứng trong dài hạn”.

Các hãng ô tô trước nguy cơ thiệt hại trăm tỷ USD vì thiếu chip - Ảnh 1.

Các hãng ô tô toàn cầu đứng trước nguy cơ thiệt hại trăm tỷ USD vì thiếu chip

AlixPartners dự báo rằng ngành công nghiệp ô tô có thể bị giảm sản lượng 3,9 triệu xe trong năm nay do tình trạng thiếu chip, tăng mạnh từ mức dự báo giảm 2,2 triệu xe hồi tháng 1.

Tại Mỹ, tình trạng thiếu hụt chip trầm trọng đã khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden ra lệnh khẩn xem xét lại chuỗi cung ứng của Mỹ trong 100 ngày. Khoảng 50 tỷ USD trong gói đề xuất cơ sở hạ tầng trị giá 2 nghìn tỷ USD của ông Biden cũng được dành cho việc củng cố ngành công nghiệp chip của Mỹ.

Các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như Ford Motors và General Motors cũng dự báo tình trạng thiếu chip sẽ làm giảm hàng tỷ USD lợi nhuận của hãng trong năm nay. Cụ thể, Ford dự báo lợi nhuận giảm 2,5 tỷ USD trong khi GM dự báo lợi nhuận giảm từ 1,5-2 tỷ USD.

Chip bán dẫn là thành phần cực kỳ quan trọng trong xe ô tô, từ trợ lực và phanh cho đến màn hình điều khiển…. Tùy từng loại xe và thiết kế, mỗi chiếc xe có thể sử dụng tới hàng trăm chip bán dẫn hoặc nhiều hơn. Số chip cần dùng sẽ tăng lên khi ngành công nghiệp ô tô hướng tới phát triển các dòng xe điện, xe chạy bằng năng lượng sạch, thậm chí xa hơn là xe tự lái. Do đó, cuộc khủng hoảng chip thực sự đang tác động rất lớn đến ngành công nghiệp ô tô.

AlixPartners kỳ vọng tác động rõ rệt nhất từ cuộc khủng hoảng chip sẽ lên đỉnh vào quý II năm nay trước khi diễn biến tích cực hơn vào nửa cuối năm và trở lại bình thường trong năm 2022. Điều đó không có nghĩa là hạn chế về nguồn cung sẽ được giải quyết hoàn toàn vào năm tới, nhưng các nhà sản xuất ô tô sẽ có đủ chip để sản xuất các dòng xe như kế hoạch.

Các nhà sản xuất ô tô đã cắt giảm lượng đơn đặt hàng chip máy tính vào đầu năm ngoái khi đại dịch buộc nhiều nhà máy phải tạm ngừng hoạt động và doanh số bán xe sụt giảm mạnh. Các nhà sản xuất điện tử, vốn có doanh số cao trong thời kỳ đại dịch, đã vui vẻ chớp lấy nguồn cung dư thừa. Khi doanh số bán xe phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến, ngành sản xuất ô tô đã phải vật lộn với tình trạng thiếu chip.

Tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu không chỉ gây khó khăn cho các nhà sản xuất ô tô. Năm ngoái, khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu, nhiều ngành hàng đã dự đoán người dân có thể cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng điện tử khi thu nhập giảm sút, kinh tế eo hẹp. Nhưng dự đoán này nhanh chóng trở nên sai lầm khi các đợt phong tỏa trên toàn cầu buộc người dân chôn chân tại nhà, qua đó kích thích nhu cầu mua sắm đồ công nghệ, từ smartphone, laptop cho đến máy chơi game.

Nhưng các nhà sản xuất ô tô chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Bởi khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, người dân vẫn không muốn sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Khi nhu cầu ô tô tăng lên, các hãng này đã thuyết phục những đối tác sản xuất chip tăng sản lượng nhanh chóng. Không may, nguồn cung chip tăng không đủ nhanh để phục vụ nhu cầu của các hãng ô tô.


NTTD
Cùng chuyên mục