Hãng chip lớn nhất Trung Quốc báo cáo lợi nhuận tăng vọt nhờ cuộc khủng hoảng chip toàn cầu

14/05/2021 17:25 GMT+7
Nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Co. (SMIC) hôm 14/5 dự báo doanh thu quý II tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp các lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Trong quý I/2021, SMIC đã đạt doanh thu 1,1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ nhu cầu chip tăng mạnh và giá chip tăng trên toàn cầu. Lợi nhuận ròng tăng 148% so với cùng kỳ năm trước lên 159 triệu USD, trong khi tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 22,7% trong cùng kỳ, tức vượt 17-19% so với dự báo.

SMIC dự báo doanh thu từ 1,29 tỷ USD đến 1,31 tỷ USD cho giai đoạn quý II năm nay, cao hơn 19% so với dự báo hồi quý trước. Mức tăng dự báo chủ yếu là do sự thiếu hụt nguồn cung chip toàn cầu đẩy giá chip SMIC lên cao.

SMIC cũng dự báo đà tăng trưởng doanh thu cả năm vượt ước tính trước đó. Tuy nhiên, Giám đốc tài chính Gao Yonggang cho biết SMIC sẽ không chính thức sửa đổi dự báo vì việc lọt vào danh sách đen thương mại của Mỹ vẫn có thể "mang lại nhiều bất ổn cho hoạt động thu mua các mặt hàng công nghệ Mỹ trong nửa cuối năm 2021”.

Hãng chip lớn nhất Trung Quốc báo cáo lợi nhuận tăng vọt nhờ cuộc khủng hoảng chip toàn cầu - Ảnh 1.

Hãng chip lớn nhất Trung Quốc báo cáo lợi nhuận tăng vọt nhờ cuộc khủng hoảng chip toàn cầu

Hồi tháng 12/2020, SMIC đã bị chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa vào danh sách cấm vận. Đồng nghĩa với việc hãng chip Trung Quốc phải được cấp phép trước khi sản xuất bất cứ linh kiện nào trên dây chuyền công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ. 

Bộ Thương mại Mỹ chỉ cho phép SMIC sản xuất các dòng chip tiến trình lớn hơn 10 nm. Lệnh cấm đã chặn đứng kế hoạch tung ra các chip 10 nm và 7 nm của tập đoàn Trung Quốc. “Chúng tôi không cho phép bất kỳ công nghệ tiên tiến nào của Mỹ được dùng để xây dựng lực lượng quân đội một kẻ thù ngày càng hiếu chiến”, cựu Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross tuyên bố hồi tháng 12/2020, ngay sau khi đưa 60 công ty Trung Quốc bao gồm SMIC vào danh sách cấm vận.

“Động thái của Mỹ sẽ tác động xấu đến hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như năng lực sản xuất của công ty với các sản phẩm chip công nghệ tiên tiến từ 10 nm trở xuống” - tuyên bố của SMIC hôm 20/12 khẳng định.

SMIC cũng bị Bộ Quốc phòng Mỹ đưa vào danh sách đen quốc phòng, cáo buộc công ty này được hậu thuẫn hoặc có liên kết với quân đội Trung Quốc; qua đó hạn chế các nhà đầu tư Mỹ đổ tiền vào cổ phiếu SMIC. 

Zhao Haijun, đồng giám đốc điều hành SMIC cho biết trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh quý I hôm 14/5 rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip hiện tại sẽ kéo dài ít nhất là cho đến cuối năm nay. Ông cũng nêu ra hai thách thức chính mà SMIC phải đối mặt. "Một mặt, nhu cầu thị trường rất mạnh. Năng lực sản xuất hiện tại của chúng tôi không thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng và mọi phân khúc thị trường đều phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt, từ chip quản lý năng lượng, chip cảm biến hình ảnh cho đến chip nhớ, chip vi xử lý… Mặc khác, những hạn chế nhất định với chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của danh sách đen từ Mỹ đã tạo ra nhiều bất ổn trong tính liên tục của hoạt động sản xuất”.

"Vẫn còn nhiều điều bất ổn... nhưng chúng tôi đã thấy những tiến triển tích cực hơn nhiều so với tình huống 3 tháng trước đó", ông Zhao nói thêm.

Vào tháng 3, SMIC tuyên bố sẽ bắt tay với chính quyền Thâm Quyến đầu tư vào một dự án nhà máy chip trị giá 2,35 tỷ USD dự kiến hoạt động vào năm 2022 với công suất sản xuất 40.000 tấm wafer mỗi tháng. Ông Zhao cho biết hiện tại phần cứng của nhà máy đã được hoàn thiện, nhưng việc mua sắm thiết bị có thể bị trì hoãn do các hạn chế của Mỹ. Công ty cũng đang mở rộng công suất tại Thượng Hải và Bắc Kinh.

Dựa trên triển vọng kinh doanh và nhu cầu hiện tại, doanh thu của SMIC trong nửa cuối năm 2021 có thể lên tới 2,4 tỷ USD, tương đương mức tăng hơn 30% so với sáu tháng đầu năm.


NTTD
Cùng chuyên mục