Các ngân hàng thương mại nói gì về gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng và công nghệ số?

L. Anh
11/04/2025 15:08 GMT +7
Hiện, các ngân hàng đang tham gia tài trợ nhiều dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia. Đơn cử: Vietcombank đã tham gia tài trợ dự án Đường dây truyền tải điện Lào Cai - Vĩnh Yên,Sân bay quốc tế Long Thành..; VIB tài trợ các dự án hạ tầng như BOT, sản xuất, truyền tài điện,...

Ngày 10/4/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức cuộc họp triển khai chỉ đạo của Chính phủ về việc cho vay đối với các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì cuộc họp.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào hai lĩnh vực này.

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: sbv.

Tại cuộc họp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, thời gian qua, ngành ngân hàng đã tích cực thực hiện các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp nói chung, cũng như các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số. Cuộc họp giữa NHNN và các ngân hàng thương mại là để thống nhất hướng triển khai gói tín dụng đảm bảo hiệu quả, thực chất. Qua đó, thể hiện sự chủ động, quyết tâm của ngành Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, các ngân hàng đều nhất trí chủ về chủ trương triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng. Thực tế, hiện tại, các ngân hàng đang tham gia tài trợ nhiều dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia.

Cụ thể, Vietcombank đã tham gia tài trợ dự án Đường dây truyền tải điện Lào Cai - Vĩnh Yên, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, Sân bay quốc tế Long Thành. Trong khi VIB cũng tài trợ các dự án hạ tầng như BOT, sản xuất, truyền tài điện, trong đó gần đây nhất tham gia tài trợ một phần dự án đường dây 500kV.

Đại diện VIB cho biết ngân hàng sẵn sàng triển khai gói tín dụng từ 5.000-10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn khoảng 1% so với mặt bằng thông thường, nhằm đồng hành cùng các chính sách trọng điểm của Nhà nước.

Bà Phùng Thị Bình - Phó tổng giám đốc Agribank khẳng định ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là về lãi suất, nhưng cần rõ ràng về trách nhiệm trong việc cho vay để các ngân hàng yên tâm mạnh dạn triển khai.

Ông Lê Quang Vinh - Tổng giám đốc Vietcombank nhấn mạnh ngành ngân hàng xác định tín dụng là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để ngân hàng có thể tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực trên nhất là doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo xem xét xây dựng cơ chế góp vốn và chia sẻ lợi ích, thay vì áp dụng hình thức cho vay truyền thống.

Bên cạnh sẵn sàng nguồn vốn cho vay các đối tượng khách hàng ưu tiên trên, các ngân hàng đang chủ động có các chính sách hỗ trợ rất sớm cho khách hàng chịu tác động của chính sách thuế mới của Mỹ. Với những trường hợp bị ảnh hưởng rộng, một số ngân hàng kiến nghị có cơ chế cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đồng thời miễn giảm lãi suất, phí để chia sẻ khó khăn với khách hàng .

Được biết, gói tín dụng này hoàn toàn là vốn vay thương mại. Vì vậy, Phó thống đốc Đào Minh Tú vừa đánh giá cao tinh thần hưởng ứng của các ngân hàng song cũng đề nghị các ngân hàng khi giải ngân gói tín dụng này vẫn phải đảm bảo điều kiện tín dụng, không hạ chuẩn nhưng sẽ có cơ chế hỗ trợ về lãi suất, thời hạn, cơ chế đồng tài trợ…

"Ngân hàng Nhà nước khuyến khích mở rộng thêm sự tham gia của nhiều ngân hàng theo tinh thần ngân hàng lớn làm lớn, ngân hàng nhỏ làm nhỏ. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại Nhà nước cần phát huy vai trò dẫn dắt, thể hiện trách nhiệm cao hơn với nền kinh tế,” Phó thống đốc nhấn mạnh.

Phó thống đốc cũng đề nghị thời gian tới các ngân hàng thương mại chủ động tính toán, cân đối dành nguồn lực, khẩn trương có văn bản đăng ký tham gia.

Các ngân hàng căn cứ danh mục dự án trọng điểm ngành giao thông, điện và công nghệ số do Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì ban hành để xác định đúng đối tượng cho vay, xem xét, thẩm định các dự án theo quy định của pháp luật.

Về mức lãi suất cho vay, các ngân hàng thương mại chủ động xác định và công khai mức lãi suất áp dụng, phương thức tính lãi suất đối với khách hàng vay vốn theo Chương trình trong từng thời kỳ trên tinh thần hỗ trợ khách hàng giảm chi phí vốn nhằm góp phần tháo gỡ và thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số. Về thời gian giải ngân của Chương trình đến năm 2030 hoặc đến khi giải ngân hết Chương trình tín dụng tùy theo thời điểm nào đến trước.

Về thời gian áp dụng ưu đãi, ngân hàng chủ động xác định thời gian áp dụng mức lãi suất ưu đãi đối với khách hàng cân đối, hài hòa với thời gian cho vay đảm bảo tính chất hỗ trợ của Chương trình. Song song với đó các ngân hàng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về chính sách để các đối tượng thụ hưởng biết và tham gia; Định kỳ hàng Quý, báo cáo tình hình triển khai Chương trình trong quý trước về Ngân hàng Nhà nước.

Đối với các vụ, cục liên quan, Phó Thống đốc yêu cầu Vụ Tín dụng các ngành kinh tế có văn bản gửi các NHTM để đăng ký tham gia và số tiền tham gia Chương trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo dõi và báo cáo Ban lãnh đạo NHNN kết quả triển khai Chương trình. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các NHTM, ý kiến của các đơn vị NHNN, xây dựng báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Chương trình; Vụ Chính sách tiền tệ tổng hợp và công bố các mức lãi suất cho vay, lãi suất huy động của các NHTM theo đúng quy định hiện hành…