Giá vàng hôm nay 11/4: Tiến sát 104 triệu đồng/lượng, vàng miếng khan hiếm
Giá vàng hôm nay trên thế giới 11/4: Tiến sát mốc 3.200 USD/ounce
Trong phiên giao dịch đầu ngày 11/4 tại châu Á, giá vàng giao ngay tăng mạnh, đạt mức 3.199 USD/ounce, tiệm cận mức cao nhất mọi thời đại. Đà tăng này được thúc đẩy bởi sự suy yếu của đồng USD và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Trước đó, chốt phiên ngày 10/4, giá vàng đã tăng 93 USD lên 3.175 USD/ounce .

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nâng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc lên 125%, sau khi Bắc Kinh tuyên bố áp thuế 84% lên hàng hóa Mỹ. Động thái này làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn diện, khiến nhà đầu tư tìm đến vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.
Bên cạnh đó, dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,1% so với tháng trước, trong khi CPI lõi tăng 0,1%. Tuy nhiên, lạm phát hàng năm vẫn ở mức cao, với CPI lõi tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy áp lực lạm phát vẫn hiện hữu.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), quý I/2025 chứng kiến dòng vốn mạnh mẽ đổ vào các quỹ ETF vàng trên toàn cầu, với tổng cộng 226 tấn vàng, trị giá 21 tỷ USD. Đây là mức cao thứ hai trong lịch sử, chỉ sau quý II/2020. Đáng chú ý, các quỹ tại Bắc Mỹ chiếm 61% tổng dòng vốn, châu Âu 22% và châu Á 16%, phản ánh nhu cầu trú ẩn gia tăng trên toàn cầu.
Mặc dù giá vàng đã tăng mạnh trong thời gian qua, các chuyên gia vẫn cho rằng đà tăng vẫn có thể tiếp tục nếu căng thẳng thương mại và bất ổn kinh tế kéo dài. Tuy nhiên, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể điều chỉnh chính sách lãi suất trong thời gian tới có thể ảnh hưởng đến xu hướng giá vàng.
Giá vàng hôm nay trong nước 11/4: Tiếp đà tăng mạnh, vàng miếng khan hiếm
Tại Việt Nam, giá vàng trong nước cũng tăng mạnh theo đà thế giới. TCùng với xu hướng tăng của giá vàng thế giới, giá vàng miếng và vàng nhẫn trong nước đồng loạt nhảy vọt, có nơi ghi nhận mức tăng lên đến 1,7 triệu đồng mỗi lượng trong ngày. Tuy nhiên, thị trường ghi nhận tình trạng khan hiếm sản phẩm vàng miếng SJC khiến giao dịch trở nên khó khăn.
Tại Tập đoàn Doji, giá vàng miếng SJC niêm yết ở mức 100,6 – 103,6 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng mạnh 900.000 đồng ở chiều mua và 1,7 triệu đồng ở chiều bán so với phiên trước đó. Chênh lệch giá mua – bán nới rộng lên 3 triệu đồng/lượng.
Tương tự, Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh giá vàng SJC lên 100,6 – 103,6 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 800.000 đồng và 1,7 triệu đồng ở chiều mua và bán. Công ty Phú Quý báo giá vàng SJC ở mức 100 – 103,6 triệu đồng/lượng, tăng 1,2 triệu đồng/lượng chiều mua và 1,7 triệu đồng/lượng chiều bán. Đáng chú ý, mức chênh lệch mua – bán tại đây lên đến 3,6 triệu đồng/lượng – cao nhất trong hệ thống.
Không chỉ vàng miếng, các loại vàng nhẫn cũng ghi nhận mức tăng mạnh. Vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 100,7 – 103,7 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng/lượng chiều mua và 1,7 triệu đồng/lượng chiều bán. Nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 tại Hà Nội được giao dịch ở mức 100,2 – 103,2 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng và 1,3 triệu đồng tương ứng ở hai chiều. Tại Phú Quý, nhẫn vàng tròn trơn 999,9 cũng tăng 800.000 đồng và 1,3 triệu đồng theo chiều mua – bán, lên mức 100 – 103,2 triệu đồng/lượng.
Mặc dù giá tăng mạnh, thị trường lại ghi nhận tình trạng khan hiếm vàng miếng SJC. Nhiều nhà đầu tư cho biết rất khó mua được vàng miếng đúng nhu cầu do lượng hàng khan hiếm tại các cửa hàng lớn. Điều này càng khiến giá vàng bị đẩy lên cao và chênh lệch giá giữa mua – bán ngày càng nới rộng.