Cách mạng Tháng Tám: Sức mạnh của nhân dân và sự ra đời của nền chính trị văn minh

Mỹ Hằng Thứ tư, ngày 19/08/2020 13:00 PM (GMT+7)
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cuộc Cách mạng Tháng Tám đánh dấu sự ra đời của nền chính trị văn minh - một nền chính trị thực sự vì dân.
Bình luận 0

Sức mạnh của nhân dân

Thưa ông, bài học về sức mạnh của nhân dân được thể hiện trong Cách mạng Tháng Tám như thế nào?

- Cách mạng Tháng Tám nổ ra theo đúng tinh thần trong lời kêu gọi của lãnh tụ Hồ Chí Minh: Toàn thể quốc dân hãy đứng lên đem sức ta tự giải phóng cho ta. Tư tưởng đó đã động viên thôi thúc toàn dân tộc đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân, giành độc lập cho dân tộc. Sức mạnh đó được Đảng và Mặt trận Việt Minh chăm lo xây dựng từ khi có Nghị quyết Trung ương VIII tháng 5/1941 thành lập Mặt trận Việt Minh. Chính Mặt trận và các đoàn thể cứu quốc như nông dân, công nhân, thanh niên, phụ nữ…, mọi tầng lớp gia nhập Mặt trận Việt Minh xây dựng căn cứ địa cách mạng, huy động lực lượng quần chúng rộng lớn để khi thời cơ đến, đứng lên đấu tranh giành chính quyền. Đó chính là sức mạnh toàn dân được huy động tối đa.

Cách mạng Tháng Tám đánh dấu sự ra đời của nền chính trị văn minh - Ảnh 1.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc. Ảnh: Trần Vương

Trong từng cuộc khởi nghĩa cũng vậy. Khởi nghĩa ở Hà Nội là huy động sức mạnh toàn dân cả nội thành, ngoại thành đứng lên tổng khởi nghĩa ngày 19/8/1945 chiếm Bắc Bộ phủ, giành chính quyền.

Các tỉnh cũng huy động toàn dân. Lúc đó, lực lượng vũ trang của Việt Minh không có bao nhiêu, chủ yếu là sức dân, chủ yếu gây áp lực chính trị, không có vũ khí, chỉ dùng mã tấu, cuốc thuổng, gậy gộc giành chính quyền, uy hiếp địch.

Ở Huế, Sài Gòn cũng huy động tối đa sức mạnh nhân dân với tinh thần như Bác Hồ nói: "Tinh thần ngàn năm có một, dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".

Sức mạnh nhân dân được cổ vũ bởi đường lối chính sách chủ trương của Đảng, của Mặt trận Việt Minh, phát triển từ đường lối kháng Nhật cứu nước, tháng 8/1945, lên đến cao trào, mọi tầng lớp nhân dân sẵn sàng đợi lệnh của Đảng và Mặt trận Việt Minh chớp thời cơ giành chính quyền.

Vậy đến nay, bài học về sức mạnh nhân dân có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp Đổi mới, phát triển đất nước?

- Từ Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, Đảng quyết định đổi mới toàn diện, tổng kết bài học quan trọng mọi việc phải lấy dân làm gốc. Trong sự nghiệp phát triển đất nước, sự nghiệp Đổi mới cũng phải huy động sức mạnh toàn dân mới hoàn thành, không chỉ là nỗ lực của Đảng hay Nhà nước. Từ Đại hội VI đến suốt quá trình Đổi mới 35 năm, chính bài học, kinh nghiệm đó được phát huy cao độ trong điều kiện hiện nay.

Thứ nhất, việc lấy dân làm gốc thể hiện ở chỗ tất cả các tầng lớp nhân dân công - nông - trí đều hưởng ứng đường lối của Đảng từ Đại hội VI, một đường lối luôn được bổ sung, phát triển hoàn chỉnh, được các tầng lớp ủng hộ tuyệt đối, vì hợp lòng dân, hợp với lợi ích nguyện vọng của dân, nên dân ủng hộ và hưởng ứng thực hiện. Trên lĩnh vực kinh tế là sự tham gia của các tầng lớp nhân dân thuộc mọi thành phần kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân đã phát triển mạnh mẽ và là động lực quan trọng của Đổi mới. Nhân dân cũng tham gia kinh tế tập thể, trong các hợp tác xã, xây dựng các trang trại phong phú, sinh động. Các tầng lớp nhân dân tham gia doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng đóng góp lớn. Không một lực lượng nào trong toàn dân đứng ngoài các hoạt động kinh tế sôi nổi từ Đổi mới đến nay, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển chưa từng có, trở thành một nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới, có thu nhập trung bình, gấp nhiều chục lần trước Đổi mới.

Cách mạng Tháng Tám đánh dấu sự ra đời của nền chính trị văn minh - Ảnh 2.

Cuộc mít tinh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Quảng trường Nhà hát Lớn. Ảnh tư liệu TTXVN

Thứ hai, nhân dân tham gia vào lực lượng và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, tất cả có sự đóng góp dựa trên sức mạnh toàn dân về phương diện chính trị. Chính nhân dân tạo ra sự đồng thuận trong xã hội. Mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết xung quanh vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trở thành cơ sở quan trọng xây dựng chính quyền nhân dân vững chắc.

Nhân dân tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng, phát hiện tiêu cực. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng có sự đóng góp của nhân dân. Nhân dân thực hiện chiến lược đại đoàn kết, lấy mục tiêu dân giàu nước mạnh làm mục tiêu chung, căn bản, làm điểm tương đồng, đồng thời chú ý lợi ích riêng của từng bộ phận dân cư, vốn không trái với lợi ích chung của quốc gia dân tộc, phải đảm bảo các lợi ích riêng đó.

Nhân dân đóng góp cho đại đoàn kết dân tộc để bảo vệ Tổ quốc. Phải thực hiện tốt chiến lược quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, huy động sức mạnh nhân dân từng địa phương khu vực mới có thể bảo vệ vững chắc Tổ quốc,  bên cạnh việc xây dựng lực lượng quân đội, công an ngày càng tinh nhuệ, chính quy, hiện đại.

Cả về ngoại giao cũng thúc đẩy ngoại giao nhân dân để tạo quan hệ hợp tác hữu nghị với bên ngoài, tranh thủ tối đa xu hướng hội nhập quốc tế để thúc đẩy sức mạnh của đất nước dân tộc, từ quan hệ với ASEAN, EU đến các quốc gia lớn trên thế giới để tạo thế lực mới cho quốc gia dân tộc. Nhân dân trong sự nghiệp đổi mới là nhân tố quyết định thành công, tạo vị thế mới cho đất nước, như lời Tổng Bí thư đã nói: "Chúng ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay, đó là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự tham gia của toàn dân".

Cách mạng Tháng Tám đã thể hiện lòng tin cao nhất của người dân với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Nhưng hiện nay có quá nhiều thách thức với Đảng, từ tham nhũng, lãng phí đến suy thoái tư tưởng, hành động của một bộ phận đảng viên làm suy yếu lòng tin đó. Làm sao để có thể củng cố lòng tin của người dân với Đảng như chúng ta đã từng chứng kiến 75 năm trước?

- Một mặt, chúng ta phải không ngừng hoàn thiện cương lĩnh đường lối của Đảng, đảm bảo sự đúng đắn trong cương lĩnh, hoàn thiện pháp luật Nhà nước. Quá trình thực hiện cương lĩnh pháp luật phải hướng tới lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân, vì cuộc sống nhân dân, với phương châm mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc là chăm lo đời sống nhân dân các tầng lớp, nhất là tầng lớp yếu thế để không ai bị bỏ lại phía sau. Khi chăm lo tốt đời sống nhân dân là củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, đó là điều căn bản nhất phải thực hiện.

Cách mạng Tháng Tám đánh dấu sự ra đời của nền chính trị văn minh - Ảnh 3.

Nhân dân tiến vào chiếm Bắc Bộ phủ. Ảnh tư liệu

Việc phát triển kinh tế, văn hóa, đạo đức, chất lượng cuộc sống nhân dân, kể cả trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 mà Chính phủ đã lãnh đạo rất tốt, đó là cách để củng cố niềm tin của nhân dân. Trong đại dịch, Chính phủ đã nêu phương châm không đánh đổi phát triển kinh tế với sức khỏe của người dân, chấp nhận một số thiệt hại kinh tế để dồn sức bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, cũng như Cách mạng Tháng Tám là vì cuộc sống của nhân dân, lợi ích của nhân dân, ruộng đất của nhân dân.

Bên cạnh đó là cuộc chiến chống tham nhũng tiêu cực, những biểu hiện, hành động suy thoái của cán bộ đảng viên phải bị xử lý nghiêm. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, chúng ta đã xử lý hàng trăm cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ do Ban Bí thư quản lý, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Trong cuộc đấu tranh đó, các thế lực thù địch đã lợi dụng phá hoại, nên chúng ta phải tỉnh táo, nhất là báo chí phải định hướng cổ vũ cái đúng, cái tốt, phê phán cái sai, cái tiêu cực để tạo đồng thuận trong xã hội, đồng thuận giữa Đảng, Nhà nước và mặt trận nhân dân, đó là cách tốt nhất để phát huy truyền thống Cách mạng Tháng Tám.

Nền chính trị thực sự vì dân

Trong một bài viết của mình, ông có nhận định: "Cuộc Cách mạng Tháng Tám không chỉ thay đổi chế độ chính trị mà còn in dấu ấn sự ra đời của nền chính trị văn minh, đồng thời mang giá trị của chiều sâu văn hóa". Xin ông giải thích khái niệm nền chính trị văn minh và giá trị của chiều sâu văn hóa ở đây?

- Cách mạng Tháng Tám không phải là cuộc cách mạng bình thường lật đổ chế độ chính quyền phong kiến thuộc địa, mà là cuộc cách mạng xây dựng nền chính trị văn minh. Đó là nền chính trị vì dân, thật sự vì dân, như Bác Hồ nói: "Tất cả những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh". 

Xưa nay, bất kỳ cuộc cách mạng nào mang lại lợi ích thực sự cho dân thì chính là tạo dựng một nền chính trị văn minh. Có những cuộc cách mạng nêu khẩu hiệu vì đân mà không vì dân, mà vì lợi ích một nhóm người nào đó, sử dụng thủ đoạn chính trị, lợi dụng sức dân, lừa bịp dân. Nhưng cuộc cách mạng của chúng ta không như vậy. Cuộc cách mạng của chúng ta là đem sức ta giải phóng cho ta, như Bác Hồ đã nói. Nhưng nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì có nghĩa lý gì, đó cũng là thể hiện của nền chính trị văn minh. 

Sau Cách mạng, Bác Hồ đã phát động diệt giặc đói, cùng với giặc ngoại xâm, đó cũng là vì con người. Bác đề ra 3 chữ: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc mà đến giờ chúng ta vẫn giữ nguyên, thể chế chính trị lúc đó của ta là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa/ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, thì ngày nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam/ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Đó là mục tiêu cao cả, căn bản nhất của sự nghiệp cách mạng. Thực hiện được điều đó cho thấy Đảng ta là Đảng chân chính, Đảng ta là đạo đức, là văn minh, không bao giờ được từ bỏ mục tiêu cao cả đó.

Văn minh còn ở khía cạnh cách mạng nổ ra, song chúng ta không xử lý những người của chế độ cũ. Cách mạng Pháp chém đầu Vua Louis XVI, nhưng Cách mạng của ta, Vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị: "Thà làm dân một nước độc lập còn hơn vua một nước nô lệ". Bác Hồ đã mời Bảo Đại làm cố vấn tối cao cho chế độ mới, mời các vị của chính quyền phong kiến tham gia chính quyền mình, như cụ Bùi Bằng Đoàn - quan Thượng thư Bộ Hình nhà Nguyễn thành Chủ tịch Quốc hội, cụ Phan Kế Toại - quan Khâm sai Đại thần thành Bộ trưởng rồi Phó Chủ tịch Nước suốt mấy chục năm.

Cách mạng Tháng Tám đánh dấu sự ra đời của nền chính trị văn minh - Ảnh 4.

Tại Sài Gòn, ngày 25/8/1945, hơn một triệu quần chúng nội thành và ven đô cùng một số tỉnh lân cận tiến hành mít tinh, tuần hành vũ trang khổng lồ, lật đổ chính quyền phát xít Nhật. Ảnh tư liệu: TTXVN

Với quân Nhật, chúng ta giành chính quyền nhưng rất nhân đạo, tạo mọi điều kiện cho họ về nước an toàn. Ngay trong cuộc đảo chính của Nhật với Pháp tháng 3/1945, người Pháp bị người Nhật đàn áp, nhưng chính chúng ta còn che chở cho người Pháp.

Một điểm văn minh nữa là Bác Hồ và Trung ương Đảng đã mời các trí thức tham gia Chính phủ lâm thời. Chính phủ có 15 thành viên, trong đó 9 người không phải cộng sản, mà là trí thức, đó là hình ảnh đại đoàn kết dân tộc. Các đồng chí cộng sản của chúng ta như Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng đã tự rút khỏi Chính phủ lâm thời, nhường ghế cho trí thức nhân sĩ tham gia Chính phủ. Họ được Bác Hồ ca ngợi là không tham quyền cố vị, gạt lợi ích riêng để vì lợi ích chung của quốc gia dân tộc. Tại Đại hội lần thứ II năm 1951, Bác Hồ đã biểu dương tinh thần của họ. Cuộc cách mạng đó đã tạo dựng nền chính trị văn minh, đàng hoàng, vì dân, vì nước, không có sự bon chen lợi ích. Bác Hồ đã kết luận, Đảng ta ngoài lợi ích nhân dân, dân tộc thì không có lợi ích nào khác.

Chiều sâu văn hóa

Những giá trị của nền chính trị văn minh chính là chiều sâu của văn hiến văn hóa. Văn hiến là tổng hợp đạo đức, học thức, cái đẹp. Điều đó được thể hiện trong xây dựng bộ máy nhà nước nhân văn cao cả, vì dân, thực hiện dân chủ rộng rãi. Bầu cử Quốc hội năm 1946 là ví dụ tiêu biểu. 

Trước đó, chúng ta chưa từng có cuộc bầu cử như vậy, mọi người đều tự do ứng cử, Hà Nội có hơn 70 người ứng cử, nhưng chỉ được 6 đại biểu, thế mà dân mình bầu đủ 6 đại biểu. Bác Hồ là người có số phiếu bầu cao nhất với 98% số phiếu, người thấp nhất là 52% số phiếu. Dân mình đi bầu cử lúc đó phần lớn đã biết chữ đâu, mà chọn được người như vậy, đó là một dân tộc văn hóa văn hiến, biết chọn lựa người ưu tú xuất sắc nhất.

Các hoạt động xã hội lúc đó, việc nhường cơm sẻ áo, cứu người nghèo, tuần lễ vàng người dân góp 375kg vàng cho Chính phủ, việc gây quỹ Độc lập, dân mình đóng góp 20 triệu đồng bạc Đông Dương, mà lúc đó, đồng bạc Đông Dương còn giá trị hơn đồng dollar Mỹ, đóng góp 45 triệu cho quỹ quốc phòng. Sự đóng góp của dân cũng là hành động văn hóa, từ chiều sâu văn hóa.

Đất nước vừa giành độc lập nhưng dân mình với lãnh tụ, với Chính phủ rất gắn bó. Chính phủ lúc đó chưa có lương, Bác Hồ cũng chưa có lương, ngày chỉ được 2 bữa cơm thôi, nhưng tất cả cùng gánh vác việc chung, dân sẵn sàng đóng góp nuôi Chính phủ, ủng hộ Chính phủ, có nước nào có biểu hiện như thế?

Từ Hàng Ngang, Hàng Đào, lên chợ Đồng Xuân, bao nhiêu người đóng góp cho Chính phủ. Bác Hồ và các vị  lãnh đạo ở trong nhà dân, được dân chăm sóc nuôi dưỡng, mãi sau sang Bắc Bộ phủ cũng chỉ dựa trên đóng góp của dân mà có 2 bữa cơm, đâu có lương. Có cuộc cách mạng nào mà người lên nắm quyền không phải là người cai trị, mà là người chăm lo cho dân, được dân chăm lo như thế? Đó cũng là từ chiều sâu văn hóa.

Lúc đi Nam tiến đánh Pháp, cả Hà Nội, miền Bắc, miền Trung sôi nổi ngăn chặn quân xâm lược, đi với tất cả hào khí của mình, cơ sở vật chất của mình có chứ không phải do Chính phủ trang bị, người dân mua quần áo, vũ khí cho con đi vào Nam chặn Pháp xâm lược. Đó là tình cảm đặc biệt giữa các vùng miền đất nước, nơi nào có chuyện là huy động sức mạnh đất nước, đó chính là văn hóa. Giống như bây giờ, Đà Nẵng có dịch, cả nước hướng về Đà Nẵng, các bác sĩ lên đường vì Đà Nẵng.

Đó là một cuộc cách mạng làm nên một chế độ có chiều sâu văn hóa, cũng là truyền thống văn hiến của ông cha, đến Cách mạng Tháng Tám, được Cụ Hồ, Đảng và nhân dân phát huy ở mức cao. Bác Hồ dự Hội nghị văn hóa năm 1946 và nói chính giá trị văn hóa nâng tầm vóc dân tộc mình lên, soi đường cho quốc dân đi. Sau này, qua 2 cuộc kháng chiến thống nhất đất nước, xây dựng Chủ nghĩa xã hội, Đảng ta luôn coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, ý thức xã hội, là động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa gắn với xây dựng con người, những giá trị con người như yêu nước, nhân ái, nhân văn, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Những phẩm chất đó được Bác Hồ giáo dục từ khi Bác chuẩn bị thành lập Đảng và cũng được tiếp tục phát huy chính là con người tạo dựng nên Đổi mới hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem