Vì sao chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng đã lãnh đạo toàn dân làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại?

Ngọc Lương Thứ tư, ngày 19/08/2020 06:30 AM (GMT+7)
Trong Cách mạng Tháng Tám (1945), Đảng Cộng sản Việt Nam tuy chỉ có vỏn vẹn khoảng 5.000 đảng viên nhưng đã lãnh đạo khoảng 20 triệu dân làm nên thắng lợi vĩ đại. Vì sao một Đảng khi đó mới chỉ 15 tuổi đời, số lượng đảng viên còn ít nhưng đã lãnh đạo cách mạng thành công?
Bình luận 0

Vì sao năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam mới 15 tuổi đời, chưa có nhiều kinh nghiệm, chỉ với khoảng 5.000 đảng viên nhưng đã lãnh đạo nhân dân cả nước, đưa cuộc khởi nghĩa đến thành công, giành chính quyền về tay nhân dân?

Vì sao chỉ 5 nghìn đảng viên, Đảng đã lãnh đạo làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại? - Ảnh 1.

PGS-TS Nguyễn Minh Tuấn. (Ảnh: PV)

Trả lời câu hỏi này, PGS –TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, có 3 lý do chính.

Thứ nhất và quan trọng nhất là đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã phản ánh được lợi ích của nhân dân và khát vọng giải phóng dân tộc. Khi đường lối lãnh đạo đúng thì tất cả các giai tầng trong xã hội đều đi theo chứ không riêng gì giai cấp công nhân, nông dân.

Thứ hai, mô hình và thể chế chính trị mới đã đem lại niềm tin rất lớn cho những người đã chán ghét chế độ thực dân, phong kiến.

Thứ ba, những người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đều là những người toàn tâm, toàn ý phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, họ không có động cơ vụ lợi. Có rất nhiều đảng viên trong quá trình hoạt động đã anh dũng hy sinh. Những điều đó đã tạo nên được niềm tin của nhân dân với Đảng rất cao.

Vì sao chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng đã lãnh đạo làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại? - Ảnh 2.

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu/TTXVN

Còn theo PGS –TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia HCM), khi Đảng ra đời (3/2/1930) đã có đường lối, cương lĩnh đúng đắn. Đường lối, cương lĩnh đó phù hợp với xu thế của thời đại, đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Đường lối đó được điều chỉnh, sửa đổi một cách phù hợp từ trong thực tiễn đấu tranh cách mạng.

"Từ khi Đảng ra đời và lãnh đạo cách mạng đã có rất nhiều hy sinh tổn thất, người dân đã nhận ra Đảng Cộng sản Việt Nam chính là tổ chức chính trị tuy số lượng còn ít nhưng đã lo cho dân, cho nước, lãnh đạo toàn dân chống lại thực dân, phát xít, giải phóng dân tộc", PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà phân tích.

Vì sao chỉ 5 nghìn đảng viên, Đảng đã lãnh đạo làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại? - Ảnh 3.

PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà. (Ảnh: trithucvn.net)

Vẫn theo PGS –TS Nguyễn Mạnh Hà, để lãnh đạo cách mạng thành công, Đảng đã có sự chuẩn bị kỹ, chuẩn bị lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, chuẩn bị căn cứ địa kháng chiến (khu Việt Bắc), đó là chuẩn bị những điều kiện từ nội lực.

"Khi điều kiện khách quan đến, đó là chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, còn thực dân Pháp đã bị Nhật đảo chính trước đó. Ở vào thời điểm đó Chính phủ của ông Trần Trọng Kim do phát xít Nhật dựng lên không có thực lực, triều đình phong kiến của vua Bảo Đại cũng suy tàn. Trong điều kiện đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát động nhân dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân", PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà khẳng định.

Vì sao chỉ 5 nghìn đảng viên, Đảng đã lãnh đạo làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại? - Ảnh 4.

Người dân Thủ đô chiếm Bắc Bộ phủ. (ảnh tư liệu)

Thời điểm đó đất nước ta còn có những tổ chức chính trị khác chứ không riêng Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam lại chớp được thời cơ để lãnh đạo nhân dân tổng khởi nghĩa? 

"Vì Đảng Cộng sản Việt Nam có sự chuẩn bị từ trước, có chủ trương, đường lối đáp ứng được nguyện vọng của toàn dân nên nhân dân tin tưởng và đi theo", PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.

Chỉ với số lượng đảng viên ít như vậy nhưng Đảng đã lãnh đạo cách mạng thành công, đây là bài học quý giá và mang tính thời sự đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Theo PGS –TS Nguyễn Minh Tuấn, bài học thứ nhất, đó là phát triển Đảng phải hết sức coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng đơn thuần. Bài học thứ hai, mỗi đảng viên, nhất là những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo phải là tấm gương rất mẫu mực để toàn dân tin, theo. Thứ ba, từ sàng lọc đảng viên, những ai vi phạm vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thói vô cảm, xa dân bị loại bỏ, từ đó có thể số lượng đảng viên bị giảm nhưng chúng ta đã sàng lọc được những người không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Theo PGS –TS Nguyễn Mạnh Hà, bài học lớn nhất trong xây dựng Đảng là phải dựa vào dân, đường lối, chủ trương phải phục vụ nhân dân, vì nhân dân.

"Các đảng viên của Đảng phải có trách nhiệm nêu gương, còn nếu nhân dân thấy các đảng viên bị thoái hóa, biến chất, tham nhũng thì dân sẽ mất niềm tin. Thời gian qua, việc đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhằm mục tiêu ngăn chặn sự suy thoái của Đảng, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, khôi phục lòng tin của nhân dân với Đảng", PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem