“Cần câu” trao đúng người, đôi vợ chồng ở Quảng Nam đổi đời với mô hình sản xuất bánh tráng

Trần Hậu
22/05/2025 10:34 GMT +7
Những năm qua, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hộ dân trên địa bàn thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã có thêm điều kiện để mở rộng sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, từng bước thoát nghèo và vươn lên ổn định cuộc sống. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết công ăn việc làm, giúp người dân làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Tiếp sức cho người dân thoát nghèo

Ông Võ Tấn Lũy – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Điện Bàn cho biết: Từ khi thành lập đến nay, đơn vị luôn bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thị xã Điện Bàn để tiếp vốn cho người dân nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đặc biệt là xây dựng các mô hình kinh tế mới. Giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Có vốn NHCSXH tiếp sức, vợ chồng anh Trương Xuân Ngọc ở khối phố Đông Khương 2, phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng được cơ sở sản xuất bảnh tráng chó hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.H.

Để đồng vốn đến đúng đối tượng và tiết kiệm thời gian, chi phí thấp nhất cho người thụ hưởng, Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Điện Bàn đã phối hợp thực hiện ủy thác với các tổ chức hội, đoàn thể ủy nhiệm qua các tổ tiết kiệm và vay vốn. Các tổ tiết kiệm và vay vốn phân bổ đều khắp ở hầu hết các khối phố, thôn, xóm trên địa bàn thị xã đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi.

Được biết, trong những năm qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng cùng với thị xã Điện Bàn thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, là nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp thị xã Điện Bàn xóa được hộ nghèo.

Cơ sở sản xuất bánh tráng của anh Ngọc giải quyết cho hơn 10 lao động ở địa phương. Ảnh: T.H.

Ông Lũy chia sẻ, phòng giao dịch thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, điều hành, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, đảm bảo thực hiện đúng quy định, có hiệu quả.

Từ đầu năm đến nay, đơn vị luôn tích cực bám sát Nghị quyết Hội đồng quản trị, Ban đại diện các cấp và chỉ đạo của Tổng Giám đốc và của Giám đốc Chi nhánh, đơn vị đã chủ động triển khai giải ngân cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng, giúp họ đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh; trọng tâm là các chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm, cho vay học sinh – sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay nhà ở xã hội....

Ông Lũy cho biết: Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi tiếp sức, nhiều hộ dân ở thị xã Điện Bàn đã mạnh dạn đầu tư mở rộng các mô hình kinh tế. Nguồn vốn này đã góp phần thay đổi cuộc sống của hàng nghìn hộ gia đình, nhiều hộ đã trở thành điển hình làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Có vốn ưu đãi, người dân thị xã Điện Bàn mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế để nâng cao thu nhập. Ảnh: T.H.

Trong đó, tiêu biểu là mô hình sản xuất bánh tráng truyền thống của hộ anh Trương Xuân Ngọc (SN 1984) ở khối phố Đông Khương 2, phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

"Cần câu" trao đúng người

Đến thăm mô hình sản xuất bánh tráng của vợ chồng anh Trương Xuân Ngọc, được anh Ngọc cho biết: Ngày trước hai vợ chồng anh bán cafe, nhưng lãi không cao, nên anh đã quyết định nghỉ kinh doanh cafe để theo nghề làm bánh tráng truyền thống.

Năm 2022, từ nguồn vốn tích góp được và vay thêm 100 triệu đồng của NHCSXH thị xã Điện Bàn, anh Ngọc đã đầu tư mở lò tráng bánh. Nhận thấy mô hình sản xuất bánh tráng cho hiệu quả kinh tế cao, anh đã tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

Với mô hình sản xuất bảnh tráng truyền thống, mỗi tháng vợ chồng anh Ngọc thu nhập hơn 30 triệu đồng. Ảnh: T.H.

Hiện nay, cơ sở sản xuất bánh tráng của anh Ngọc có diện tích hơn 200m2, được trang bị nhiều máy móc hiện đại như: máy tráng bánh tự động, máy xay bột, lò sấy bánh bằng điện và nhà kho với tổng chi phí đầu tư gần 500 triệu đồng.

"Trong thời gian đầu khởi nghiệp, hai vợ chồng tôi gặp khó khăn về nguồn vốn, nhưng rất may mắn khi được NHCSXH thị xã Điện Bàn tạo điều kiện, tiếp vốn kịp thời để gia đình mở rộng sản xuất. Nguồn vốn tín dụng chính sách là “cần câu” tạo động lực cho chúng tôi làm ăn, phát triển kinh tế......", anh Ngọc hồ hởi nói.

Mỗi ngày cơ sở sản xuất bánh tráng của anh Ngọc cung cấp ra thị trường khoảng 5.000 chiếc.

Tuy đã có máy móc thay thế cho nhiều công đoạn, nhưng vợ chồng anh Ngọc vẫn lao động cần cù, chịu khó. Từ 3 giờ sáng, anh dậy xay gạo, khi trời vừa sáng thì bắt đầu tráng bánh để phơi cho kịp nắng, đến chiều thì nghỉ.

Vào những ngày mưa, cơ sở phải sấy bánh bằng lò điện. Tuy chi phí sản xuất tăng cao, nhưng giúp cơ sở đảm bảo cung ứng kịp các đơn hàng trong và ngoài địa phương, nhất là vào cao điểm mùa Tết.

Đặc biệt, anh Ngọc dùng loại gạo xiệc đặc trưng chỉ có ở vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng để xay bột làm bánh. Nhờ vậy mà miếng bánh tráng vừa trắng trong, vừa dẻo dai mà không bị gãy hay nát khi cuốn, thơm đậm mùi gạo.

Hiện nay, mỗi ngày cơ sở sản xuất bánh tráng của anh Ngọc cung cấp ra thị trường khoảng 5.000 chiếc, hàng tháng sau khi trừ chi phí vợ chồng anh thu lãi hơn 30 triệu đồng. Đặc biệt, cơ sở sản xuất bánh tráng của anh Ngọc giải quyết công ăn việc làm cho 10 lao động ở địa phương, với thu nhập từ 7-10 triệu đồng/người/tháng.

Tín dụng chính sách góp phần giúp cho người dân thị xã Điện Bàn xóa nghèo. Ảnh: T.H.

Thị trường chủ yếu của anh Ngọc là cung cấp bánh tráng cho các cửa hàng tạp hóa, chợ, nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn và các địa phương lân cận.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn khối phố Đông Khương 2, phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn cho biết: Với ưu điểm là nguồn vốn vay ưu đãi có lãi suất thấp, thời gian cho vay dài là cơ hội cho các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay nhanh chóng, thuận tiện để phát triển kinh tế gia đình.

Ở khối phố Đông Khương 2 không chỉ có hộ anh Trương Xuân Ngọc mà còn hàng chục hộ dân khác nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đã có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến nay, tiết kiệm và vay vốn khối phố Đông Khương 2 quản lý 33 hộ vay, với dư nợ hơn 1,4 tỷ đồng, chủ yếu cho cho vay giải quyết việc làm, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất bánh tráng, cửa hàng tạp hóa, bán mỳ quảng....

Đến 30/4/2025, tổng dư nợ tại Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Điện Bàn là 594.775 triệu đồng, tăng 21.287 triệu đồng, tỷ lệ tăng 4 % so với đầu năm, riêng tại phường Điện Phương có 19 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 506 hộ vay, ủy thác qua 4 Hội đoàn thể, tổng dư nợ là 21.603 triệu đồng, là địa bàn không có nợ quá hạn.