Cảng Cát Lái chiếm hơn 67% thị phần hàng container khu vực TP.HCM
Những ngày qua, Cảng Cát Lái đang bị ùn tắc hàng hoá do TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội. Nguyên nhân chính là do các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất tạm dừng đóng cửa ngừng hoạt động dẫn tới hàng hoá không được các doanh nghiệp nhập về kho.
Theo ông Lê Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2021, hàng container thông qua cảng biển các khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai tăng hơn 120% so với cùng kỳ năm trước. Riêng Tân Cảng Cát Lái chiếm hơn 67% thị phần với gần 2,9 triệu TEUs.
Với quy mô và cường độ khai thác lớn như Cảng Cát Lái, hàng chục nghìn lượt xe container (khoảng 17.000-18.000 xe/ngày trong mùa dịch, hoạt động vận chuyển, giao nhận container phải được làm đồng bộ theo ca kíp và lịch trình thống nhất.
Vai trò của Cảng Cát Lái rất quan trọng trong việc xuất nhập hàng hoá vào TP.HCM để cung ứng cho nguyên vật liệu sản xuất của các nhà máy, doanh nghiệp. Do đó, việc chậm trễ giải phóng việc ùn tắc hàng hoá tại Cảng Cát Lái sẽ làm ảnh hưởng tới các hoạt động giao thương của các tàu biển giữa Việt Nam và thị trường quốc tế sẽ gây ra hậu quả khó lường.
Để kịp thời giải quyết các khó khăn, ùn tắc tại Cảng Cát Lái Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản đề nghị Tổng cục Hải quan và UBND TP.HCM xem xét các giải pháp tháo gỡ cho Cảng Cát Lái. Đồng thời, Cục cũng đã thống nhất với doanh nghiệp thực hiện 3 nhóm giải pháp để giải tỏa áp lực hàng hóa tại Cát Lái.
Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã kiến nghị GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tổng cục Hải quan có cơ chế cho phép Tân Cảng Sài Gòn vận chuyển container hàng nhập khẩu nói chung (trong đó có container tồn đọng trên 90 ngày) về lưu giữ, thông quan, giao cho khách hàng tại cảng Tân Cảng Hiệp Phước, các ICD: Tân Cảng Nhơn Trạch, Tân Cảng Long Bình (Đồng Nai), Tân Cảng Sóng Thần (Bình Dương).
Thông tin về nguyên nhân dẫn tới ùn tắc tại Cảng Cát Lái, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, sau 3 tuần TP.HCM và các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đã làm cho các hoạt động sản xuất kinh doanh tại các nhà máy bị ngừng trệ, việc xuất nhập hàng hoá tại Cảng Cát Lái cũng giảm dẫn tới ùn tắc một số loại conatiner tại Cảng này.
Cụ thể, tại Cảng Cát Lái sản lượng container xuất nhập tàu (giảm lần lượt là 0,2%, 18,03% và 5,4%); sản lượng giao conatiner nhận bãi (giảm lần lượt là 4,78%, 10,48% và 18,13%), lượt xe ra/vào cảng (giảm lần lượt 3,14%, 10,05% và 15,59%).
Do việc giao nhận hàng hoá giảm khiến dung lượng tồn bãi Cát Lái luôn chạm mức hết công suất, đặc biệt dung lượng dành cho hàng nhập luôn chạm ngưỡng trên 100% công suất. Hiện nay, lượng hàng nhập tồn đang tăng nhanh do nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động 14, 21 ngày do phong tỏa hoặc do không đảm bảo điều kiện "3 tại chỗ", "2 địa điểm, 1 cung đường".
Vì vậy, với đặc thù hoạt động của cảng Cát Lái từ trước đến nay phải thường xuyên hoạt động gần tối đa công suất nên nguy cơ cảng Cát Lái phải tạm thời ngưng tiếp nhận tàu, chờ giải phóng bớt hàng trên bãi. Điều này dẫn đến nguy cơ phải gián đoạn hoạt động là hoàn toàn có thể xảy ra như đã xảy ra tại các cảng của Mỹ, châu Âu, Trung Quốc trong các đợt dịch vừa qua.
3 nhóm giải pháp tháo gỡ hàng tồn đọng tại cảng Cái Lái.
Thứ nhất, Cục Hàng hải Việt Nam giao Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP.HCM phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn rà soát và làm việc cụ thể với từng chủ hàng có hàng tồn tại cảng để thống nhất cùng chủ hàng tháo gỡ các khó khăn vướng mắc sớm nhận hàng.
Thứ hai, sớm tăng năng lực khai thác của bãi cảng, Cục Hàng hải giao cho Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chủ động điều chỉnh chất xếp container giữa các khu vực bãi container hàng nhập, container hàng xuất, container rỗng cho phù hợp để tăng khả năng tiếp nhận cho container hàng nhập.
Thứ ba, yêu cầu Tân Cảng Sài Gòn tạm thời ngưng chuyển container hàng nhập từ các cảng khu vực Cái Mép, cảng Tân Cảng Hiệp Phước về cảng Tân Cảng Cát Lái (chủ hàng nhận trực tiếp ở khu vực Cái Mép hoặc cảng Tân cảng Hiệp Phước, các ICD, các cảng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nơi gần nhà máy, doanh nghiệp của mình), trừ các trường hợp đặc biệt, căn cứ vào năng lực tiếp nhận của cảng Tân Cảng Cát Lái giao cho Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chủ động giải quyết.