Tác động thuế quan đối với lạm phát: Fed chia rẽ, bức tranh FDI khu vực châu Á sẽ chịu tác động?
Fed chia rẽ về ảnh hưởng của thuế quan đối với lạm phát
Thời gian qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần yêu cầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất sâu và ngay lập tức, đồng thời kêu gọi Chủ tịch Fed Jerome Powell từ chức.
Tuy nhiên, biên bản công bố tuần này cho thấy mức độ ủng hộ đối với một đợt giảm lãi suất trong số 19 quan chức Fed khá hạn chế, một số cho rằng không cần thiết phải cắt giảm lãi suất vào thời điểm này.
Nguồn tin từ Reuters, biên bản cho biết, phần lớn thành viên Fed kỳ vọng việc hạ lãi suất sẽ phù hợp hơn vào cuối năm nay, với cú sốc giá từ thuế quan được đánh giá là “tạm thời hoặc ở mức khiêm tốn”.
Đồng thời, không có dấu hiệu nào cho thấy bất kỳ quan chức nào ủng hộ mức cắt giảm sâu như đề xuất của ông Trump, trong khi lãi suất điều hành hiện đang dao động trong biên độ 4,25-4,50%.

Một số quan chức Fed cho rằng lãi suất hiện tại “có thể không cao hơn nhiều” so với mức trung tính - mức mà tại đó chính sách tiền tệ không thúc đẩy cũng không kìm hãm hoạt động kinh tế. Các dự báo chính sách được công bố trước đó cho thấy ngay cả những quan điểm ôn hòa nhất trong Fed cũng chỉ kỳ vọng mức giảm chưa đầy 1 điểm phần trăm trong năm nay, và không quá một điểm phần trăm nữa vào năm 2026.
Ngay sau khi biên bản được công bố, thị trường đã giảm bớt kỳ vọng, vốn đã rất thấp, về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp ngày 29-30/7 tới, với hợp đồng tương lai lãi suất hiện chỉ phản ánh mức cắt giảm 50 điểm cơ bản từ nay đến cuối năm, phù hợp với dự báo trung bình của các nhà hoạch định chính sách Fed.
“Các thành viên nhất trí rằng, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động vẫn vững và chính sách tiền tệ hiện tại có tính thắt chặt ở mức vừa phải, Fed có đủ dư địa để chờ thêm tín hiệu rõ ràng hơn về triển vọng lạm phát và tăng trưởng”, biên bản nêu rõ.
Việt Nam sẽ hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư trong xu hướng “+1”
Bàn luận về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên cao cấp trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright – Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, từ nay đến cuối năm, còn 4 lần họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC).
Thị trường hiện đang đánh giá cao khả năng Fed vẫn chưa hạ lãi suất trong tháng 7 vì hai yếu tố chưa rõ ràng, đó là thuế quan ở mức nào và thị trường lao động Mỹ vẫn rất tốt.
Hiện nay, chính sách tiền tệ của Mỹ đang thắt chặt, lãi suất cao nhưng tài khóa lại đang được nới lỏng, đặc biệt sau khi luật ngân sách được thông qua, giúp cắt giảm mạnh thuế thu nhập. Đây được kỳ vọng là cú hích lớn cho cả doanh nghiệp và người dân Mỹ.
Theo vị chuyên gia, với các biến số trên, khả năng cao Fed vẫn không cần hạ lãi suất trong tháng 7. Tháng 9, tháng 10 và tháng 12, thị trường đang đặt cược có hai hoặc 3 lần hạ lãi suất.
"Chắc chắn sẽ có cắt giảm lãi suất trong quý IV, bởi nền kinh tế Mỹ sẽ có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Đây sẽ là cú hích cho thị trường", ông Thành nhấn mạnh.
Nhận định về nền kinh tế trong năm 2026, ông Thành cho rằng, không chỉ Mỹ mà các nước thu nhập cao sẽ không còn lợi thế trong các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến chế tạo, đặc biệt ngành thâm dụng lao động. Ngay cả một chính sách dùng thuế quan bảo hộ, trợ giá nội địa cũng không thể thành công.
"Trước đây, người ta thường hay nói đến chính sách Trung Quốc + 1. Nhưng hiện nay, sẽ là Trung Quốc + 2, +3 hoặc nhiều hơn nữa", ông nói.
Bằng chứng là bất chấp căng thẳng địa chính trị, các tập đoàn đa quốc gia vẫn duy trì sự hiện diện tại Trung Quốc, vốn là cơ sở sản xuất chính và thị trường tiêu thụ trọng điểm, dù trước đây xu hướng là tìm kiếm địa điểm sản xuất thay thế ("Trung Quốc + 1").
Nhưng hiện tại, thay vì chỉ chọn một hoặc hai cứ điểm như trước, các doanh nghiệp phải phân tán hoạt động sản xuất ra nhiều nơi. Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận hiệu quả thấp hơn và chi phí đầu tư dàn trải để ứng phó với căng thẳng địa chính trị.
Mỗi khu vực lớn đều cần một trung tâm sản xuất riêng. Chẳng hạn, Việt Nam có thể là cứ điểm cho Đông Nam Á, Ấn Độ cho Nam Á, và các khu vực như Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Tây Âu, Đông Âu cũng cần có sự hiện diện sản xuất.
Trong bối cảnh trên, Việt Nam sẽ được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư theo xu hướng "Trung Quốc + 1", đặc biệt là trong các ngành công nghiệp sản xuất. Đáng chú ý, Việt Nam cũng đang dần chuyển mình từ lắp ráp, gia công sang sản xuất linh kiện, phụ kiện.
Trong khi Ấn Độ và Philippines có thể hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu, Việt Nam lại có tiềm năng khác. Đơn cử như không chỉ dừng lại ở việc sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng thấp sang Mỹ hay châu Âu, mà Việt Nam có thể tập trung sản xuất linh phụ kiện có giá trị gia tăng cao để cung ứng cho thị trường châu Á.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, chưa nên quá mừng về việc thuế quan Việt Nam sẽ là thấp nhất trong khu vực. Nhiều khả năng Philippines sẽ nhận mức thuế thấp nhất khu vực. Nguyên nhân do thuế đối ứng ngày 2/4 là 17%, nên ngay cả không được giảm, Philippines vẫn là thấp nhất. Ấn Độ cũng có khả năng hưởng mức thuế thấp. Ngoài ra, Malaysia và Indonesia cũng có thể được giảm thuế.
Về bức tranh FDI, ông Thành cho rằng, cả khu vực châu Á và Đông Nam Á vẫn sẽ duy trì sức hút. Tuy nhiên, vai trò của Singapore sẽ rất lớn, đặc biệt trong chuyển tải hàng hóa. Thời gian tới, Singapore sẽ là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam nhưng vốn sẽ không phải của Singapore, mà từ Trung Quốc để tránh cáo buộc từ Mỹ.
"Việt Nam có lợi thế nhờ quan hệ ngoại giao kinh tế đa phương với Mỹ, Trung Quốc, ASEAN và Singapore… Từ đó, Việt Nam có thể quản lý rủi ro địa chính trị và đạt được vị thế rất tốt", ông Thành nói.