Càng gần bầu cử Tổng thống Mỹ, căng thẳng Mỹ Trung càng diễn biến tồi tệ
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới từng bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại kéo dài gần 2 năm trước khi ký thành công thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi tháng 1/2020. Nhưng ngay sau đó, đại dịch Covid-19 bùng nổ và lan rộng ra toàn thế giới tiếp tục đẩy căng thẳng lên cao trào.
Suốt nhiều tuần qua, kể từ khi Mỹ trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới với 1,55 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 92.000 ca tử vong tính đến hôm 20/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tiếp buông lời chỉ trích Bắc Kinh thiếu minh bạch về mức độ nghiêm trọng của vụ dịch. Ông Trump cho rằng chính “sai lầm nghiêm trọng” và “sự bất tài” của Bắc Kinh là nguyên nhân gây ra “cuộc thảm sát” trên toàn cầu do đại dịch. Ước tính đã có hơn 5 triệu người trên thế giới nhiễm Covid-19 với ít nhất 327.000 trường hợp tử vong.
Đại dịch Covid-19 không gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe trầm trọng tại Mỹ, mà còn tàn phá nặng nề kinh tế Mỹ. Bộ Lao động Mỹ báo cáo 36,5 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 2 tháng qua, trong khi GDP quý I của Mỹ chứng kiến mức giảm tốc 4,8%. Nhiều chuyên gia thậm chí nhận định kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái.
Một cú sốc lớn với nền kinh tế Mỹ ngay trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới chắc chắn là điều không dễ chịu với Trump - người sẽ tái tranh cử Tổng thống trong cuộc đua diễn ra vào tháng 11 này. Nhiều chuyên gia nhận định cuộc chiến ngôn luận với Bắc Kinh và sự cáo buộc trách nhiệm của Trung Quốc trong vụ dịch Covid-19 có lẽ còn nhằm mục đích lu mờ đi phản ứng chậm trễ của Washington vào giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát. Stephen Roach, chuyên gia quan sát từ Đại học Yale nhận định: “Mục đích của chính quyền Trump hiện tại rất rõ ràng: chiến thắng cuộc bầu cử sắp tới”.
Mới đây nhất, Trump đăng tweet chỉ trích “sự bất tài của Trung Quốc” là nguyên nhân gây ra “cuộc thảm sát” trên toàn cầu do đại dịch Covid-19. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 20/5 cũng mạnh mẽ khẳng định khoản tiền 2 tỷ USD mà Bắc Kinh cam kết chi cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên toàn cầu là không thấm vào đâu so với thiệt hại hàng nghìn tỷ USD của nền kinh tế và hàng trăm ngàn người thiệt mạng sau vụ dịch. Còn trước đó, các quan chức chính quyền Trump không ngừng tuyên bố sẽ buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm cho đại dịch chết người này. Phía Washington cũng nhiều lần bác bỏ tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh đã minh bạch thông tin về vụ dịch.
Eswar Prasad, giáo sư tại Đại học Cornell dự báo càng gần kỳ bầu cử, chính quyền Trump càng có xu hướng gia tăng các động thái gây căng thẳng với Trung Quốc hơn. “Những chính khách cứng rắn của chính quyền Trump đang xem đại dịch là cơ hội để gây khó dễ cho Trung Quốc hơn cả tình huống trước đó (tức hồi thương chiến bùng nổ)”.
Hôm 15/5, Mỹ đã ban hành Bộ quy tắc sản phẩm sản xuất tại nước ngoài, qua đó chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của Huawei, buộc các công ty chip hợp đồng trên thế giới bao gồm TSMC ngừng làm ăn với Huawei. Tổng thống Trump cũng đe dọa có thể áp thuế trừng phạt với Trung Quốc sau những gì nước Mỹ phải gánh chịu.
Tất nhiên, Trung Quốc không ngồi yên.
Các chính khách Trung Quốc cũng tham gia sôi nổi vào cuộc chiến ngôn luận với Washington trong vụ bùng phát dịch bệnh. Hôm 19/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cáo buộc Mỹ đang cố gắng bôi nhọ Trung Quốc, và rằng chính phản ứng sai lầm của Mỹ trong vụ bùng phát dịch bệnh đã gây nên những hậu quả nặng nề. Đây là sự đáp trả của Trung Quốc sau khi Tổng thống Trump đe dọa cắt nguồn viện trợ vĩnh viễn và rút Mỹ khỏi tư cách thành viên WHO do tổ chức này bị Trung Quốc chi phối, “không phục vụ lợi ích của Mỹ”. Trước đó, nhiều nguồn tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc còn đặt giả thuyết virus SARS-CoV-2 thực chất bắt nguồn từ Mỹ gây xôn xao dư luận.
Rõ ràng, Trung Quốc sẽ không đứng yên chịu sự chỉ trích của Mỹ trong vụ bùng phát dịch Covid-19 lần này.
Và khi chính quyền Trump tiếp tục gia tăng áp lực với Bắc Kinh, căng thẳng thương mại leo thang là điều không khó dự báo.