Căng thẳng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chưa dịu bớt

05/01/2023 10:13 GMT+7
"Khi các cuộc kiểm tra và đánh giá rủi ro đối với mỗi ngân hàng sẽ được thực hiện gắt gao hơn, các ngân hàng có tỷ trọng cho vay BĐS và nắm giữ TPDN trong danh mục tín dụng thấp sẽ gặp ít "áp lực" hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng cho vay trong năm 2023-2024", theo bộ phận nghiên cứu tại VnDirect.

Tại báo cáo vừa phát hành về ngành ngân hàng chủ đề "thấy cơ trong nguy", bộ phận nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán VnDirect đánh giá, căng thẳng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chưa dịu bớt.

Cụ thể, kể từ quý II/2022, Chính phủ đã giám sát chặt chẽ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Nghị định 65 – nhằm thắt chặt hơn các quy định về phát hành TPDN cuối cùng đã được ban hành. Những chỉ thị này sẽ khuyến khích hơn việc phát hành ra công chúng, cải thiện chất lượng của các tổ chức phát hành và tính bền vững của thị trường non trẻ này trong dài hạn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích trong ngắn hạn, thị trường đã chứng kiến hàng loạt vụ điều tra, trong đó có nhiều trường hợp phát hành sai mục đích/sai quy định, và một số lãnh đạo cấp cao bị bắt giữ. Điều này đã làm mất lòng tin của nhà đầu tư đối với các tổ chức phát hành và dẫn đến sự "tẩy chay" trên thị trường TPDN.

Hơn nữa, các ngân hàng có liên quan nhiều đến TPDN cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực, khi rủi ro tín dụng gia tăng và thu nhập từ phí (hoạt động bảo lãnh phát hành và phân phối trái phiếu) giảm.

Căng thẳng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chưa dịu bớt - Ảnh 1.

Nguồn: VnDirect

Cũng theo các chuyên gia phân tích, mặc dù không có "quy định/văn bản chính thức" nào liên quan đến việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thắt chặt dòng tín dụng vào thị trường BĐS, nhưng việc cho vay BĐS đã chậm lại với mục đích kìm hãm đà tăng nóng của thị trường này kể từ năm 2022.

Chưa kể, theo Thông tư 08/2020, tỷ lệ tối đa lấy vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ mức 37% xuống 34% từ ngày 1/10/2022 trở đi. Do cho vay BĐS thường là các khoản vay trung và dài hạn, các ngân hàng sẽ phải chú ý nhiều hơn đến việc quản lý rủi ro thanh khoản và sẽ không để dư nợ cho vay BĐS tăng lên quá mạnh trong danh mục tín dụng của mình.

Ngoài ra, BĐS có tỷ lệ rủi ro cho vay rất cao là 200% so với các lĩnh vực khác, nên các ngân hàng hiện đang hạn chế cho vay BĐS để bảo đảm tính an toàn vốn và chất lượng tài sản của mình.

"Khi các cuộc kiểm tra và đánh giá rủi ro đối với mỗi ngân hàng sẽ được thực hiện gắt gao hơn, các ngân hàng có tỷ trọng cho vay BĐS và nắm giữ TPDN trong danh mục tín dụng thấp sẽ gặp ít "áp lực" hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng cho vay trong năm 2023-2024", bộ phận nghiên cứu tại VnDirect nhấn mạnh.

Cũng theo VnDirect, thị trường bất động sản kém khả quan năm 2023 là một trong những lý do làm chậm đà tăng của tín dụng trong năm này. Dự báo, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 12% vào năm 2023.

Theo đó, các chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng và lãi suất tăng cao làm ảnh hưởng lên nhu cầu vay mua nhà.

Ngoài lý do về thị trường bất động sản, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao cũng là lý do kéo chậm tăng trưởng tín dụng.

Về xuất khẩu, một trong những trụ cột tăng trưởng chính của Việt Nam, sẽ giảm tốc và đạt 9,5% trong năm 2023, theo ước tính của VnDirect (giảm từ mức 14% trong năm 2022).

Hơn nữa, các doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.

Ngoài ra, lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao. Mặc dù lạm phát toàn cầu đã có dấu hiệu đạt đỉnh, song lạm phát tại Việt Nam vẫn có thể duy trì mức.

Cuối cùng, căng thẳng thanh khoản cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng. Vào cuối quý III/2022, các ngân hàng đều ghi nhận chỉ số LDR tăng mạnh, một số ngân hàng đã gần chạm ngưỡng quy định (85%).

Trong Văn bản số 9064/NHNN-TD, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước một lần nữa yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như TPDN, BĐS.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản, trong đó kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp...

Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung cấp tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân; các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt...


H.Anh
Cùng chuyên mục