“Canh bạc lớn” của gia tộc tỉ phú Ấn Độ trong cuộc chạy đua sản xuất vắc-xin Covid-19
Điều đáng nói là SII quyết định sản xuất vắc-xin Covid-19 dù quá trình thử nghiệm nó vẫn chưa hoàn tất để chứng minh tính hiệu quả hoàn hảo trong phòng ngừa virus SARS-CoV-2. Đó là một canh bạc lớn mà nếu thành công, sẽ giúp SII vươn lên dẫn đầu trong cuộc chạy đua sản xuất vắc-xin Covid-19. Song SII có thể mất trắng hàng trăm triệu đô la nếu kết quả thử nghiệm sau đó cho thấy vắc-xin Covid-19 mà họ đang sản xuất không có hiệu quả.
Được thế giới săn đón
Vào một ngày đầu tháng 5, một hộp inox được niêm phong cực kỳ cẩn thận được đưa đến phòng lạnh của SII ở TP. Pune, Ấn Độ.
Bên trong chiếc hộp là một lọ thủy tinh nhỏ có dung tích 1 ml được bao bọc bởi một lớp đá khô, vừa được chuyển đến từ Đại học Oxford (Anh). Chiếc lọ này chứa vật liệu tế bào dùng để sản xuất một trong những vắc-xin Covid-19 có triển vọng nhất thế giới hiện nay.
Các nhà khoa học, trong trang phục áo choàng trắng của phòng thí nghiệm, mang lọ thủy tinh này đến một tòa nhà khác, rồi cận thận rót dung dịch bên trong lọ này vào một bình thí nghiệm, rồi tiếp tục cho thêm một dung môi gồm vitamin và đường vào để bắt đầu tiến trình nhân lên hàng tỉ tế bào.
Công đoạn đó khởi đầu cho một trong những canh bạc lớn nhất cho đến nay trong cuộc chạy đua tìm ra vắc-xin giúp chấm dứt cơn ác mộng Covid-19 đang bao trùm khắp thế giới.
SII đang làm điều mà một số ít công trên thế giới đang làm: sản xuất đồng loạt hàng trăm triệu liều vắc-xin Covid-19, dù vắc-xin đó chưa hoàn tất tiến trình thử nghiệm và có thể không đạt hiệu quả như mong muốn.
Loại vắc-xin Covid-19 mà SII đang sản xuất, có tên gọi AZD1222 do Đại học Oxford hợp tác phát triển với hãng dược AstraZeneca (Anh) phát triển, chỉ là một trong ‘ứng viên’ vắc-xin Covid-19 có triển vọng nhất và sẽ sớm được sản xuất hàng loạt ở các nhà máy khác nhau trên khắp thế giới, ngay trước khi chúng được chứng minh tính hiệu quả.
Nhưng nếu vắc-xin AZD1222 chứng minh được tính hiệu quả, Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành SII, con trai của người sáng lập SII, sẽ trở thành một trong những nhân vật được ‘săn đón’ nhất thế giới.
Các dây chuyển sản xuất vắc-xin nhanh nhất của SII đã sẵn sàng cho ‘ra lò’ 500 liều vắc-xin AZD1222 mỗi phút. Và trong những ngày này, điện thoại của Poonawalla đổ chuông liên tục.
Poonawalla cho hay bộ trưởng y tế, thủ tướng và các nguyên thủ khác ở nhiều nước và những người bạn mà ông không nghe tin tức trong nhiều năm đã gọi điện cho ông để xin đặt mua những lô vắc-xin Covid-19 đầu tiên. “Tôi đã phải giải thích với họ rằng tôi không thể cung cấp vắc-xin cho họ theo cách như thế”, Poonawalla nói.
Khi mà đại dịch Covid-19 đang khiến thế giới rối tung và tất cả mọi hy vọng đều dồn vào vắc-xin phòng chống dịch bệnh này, SII nhận thấy rằng công ty này đang rơi vào một cuộc ‘chèo kéo’ quyết liệt. Để sản xuất vắc-xin càng sớm càng tốt, các công ty phát triển vắc-xin cho biết họ cần hệ thống dây chuyền sản xuất khổng lồ của SII, có công suất sản xuất khoảng 1,5 tỉ liều của các loại vắc-xin khác nhau mỗi năm, phần lớn để cung cấp cho các nước nghèo.
50% trẻ em thế giới được tiêm chủng mỗi năm với các sản phẩm của SII. Quy mô sản xuất là lợi thế đặc biệt của SII. Gần dây, Poonawalla đã nhận được lô hàng 600 triệu lọ thủy tinh đựng vắc-xin.
Bán vắc-xin không lợi nhuận cho các nước nghèo
Nhiều công ty phát triển vắc-xin Covid-19 đang tiến hành song song hai quy trình trên, tức vừa tiếp tục thử nghiệm lâm sàng ở người và vừa bắt tay sản xuất vắc-xin. Mục đích là để ngay khi các cuộc thử nghiệm kết thúc, có thể trong vòng sáu tháng tới, các liều vắcxin đã có mặt và sẵn sàng cung cấp cho thế giới.
Theo thỏa thuận cấp phép ban đầu của AstraZeneca, SII được quyền sản xuất 1 tỉ liều vắc-xin AZD1222 để bán ở thị trường Ấn Độ và các nước thu nhập thấp và trung bình trong thời kỳ dịch bệnh với giá không cao hơn chi phí sản xuất, tức không có lợi nhuận.
Nhưng hiện nay, SII vẫn không chắc chắn có bao nhiêu liều vắc-xin AZD1222 do SII sản xuất sẽ được giữ lại để phục vụ nhu cầu trong nước hoặc ai sẽ tài trợ vốn cho chi phí sản xuất vắc-xin.
Với số ca nhiễm đứng thứ ba thế giới, hơn 1,7 triệu, Ấn Độ đang bị đại dịch Covid-19 ‘tấn công’ nặng nề. Và với dân số hơn 1,3 tỉ người, nước này cũng đang rất cần các liều vắc-xin Covid-19.
Poonawalla cho biết ông sẽ chia hàng trăm liều vắc-xin AZD1222 ra hai phần bằng nhau, trong đó, 50% dành cho Ấn Độ và 50% dành cho phần còn lại của thế giới. Và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không phản đối đề xuất này. Nhưng Poonawalla cũng lưu ý chính phủ Ấn Độ vẫn có thể viện dẫn các quy định khẩn cấp để buộc SII phải ưu tiên hơn cho nhu cầu trong nước nếu cần thiết.
Vắc-xin không chỉ mất thời gian để chứng minh tính hoàn hảo thông qua quy trình thử nghiệm theo tiêu chuẩn. Các virus sống (dùng để sản xuất vắc-xin sau khi giảm độc lực) cần nhiều tuần để phát triển bên trong các lò phản ứng sinh học. Và mỗi lọ thủy tinh đựng vắc-xin cần phải được khử trùng, nạp vaccine vào, rồi đóng nút, niêm phong và đóng gói.
Nhiều công ty phát triển vắc-xin Covid-19 đang tiến hành song song hai quy trình trên, tức vừa tiếp tục thử nghiệm lâm sàng ở người và vừa bắt tay sản xuất vắc-xin. Mục đích là để ngay khi các cuộc thử nghiệm kết thúc, có thể trong vòng sáu tháng tới, các liều vắcxin đã có mặt và sẵn sàng cung cấp cho thế giới.
Chính phủ Mỹ và các nước châu Âu đã ký nhiều thỏa thuận cung cấp hàng tỉ đô la cho các hãng dược khổng lồ như Johnson & Johnson, Pfizer, Sanofi và AstraZeneca để giúp thúc đẩy nhanh tiến hành phát triển và sản xuất một số ‘ứng viên’ vắc-xin xuất sắc. Đổi lại, họ sẽ được nhận được các lô vắc-xin đầu tiên lên đến hàng trăm triệu liều từ các hãng dược này.
Hãng dược AstraZeneca, đối tác của Đại học Oxford, cũng đã ký một loạt hợp đồng với tổng trị giá nhiều tỉ đô la với các chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận để sản xuất vắc-xin AZD1222 cho châu Âu, Mỹ và các thị trường khác. Điểm khác trong thỏa thuận hợp tác giữa SII và AstraZenecavà là SII phải tự gánh chi phí sản xuất.
Chấp nhận rủi ro
SII có một nét khác biệt quan trọng so với tất cả các nhà sàn xuất vắc-xin lớn khác trên thế giới. SII là một công ty gia đình, có thể ra quyết định nhanh chóng và chấp nhận rủi ro lớn. Sản xuất vắc-xin AZD1222 khiến SII phải tiêu tốn hàng trăm triệu đô la Mỹ dù vắc-xin này chưa hoàn tất giai đoạn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở người, bước cuối cùng trong quy trình phát triển vắc-xin để xác định nó có an toàn và hiệu quả cao hay không.
Tuy nhiên, Poonawalla, tự tin rằng có đến 70-80% xác suất vắc-xin AZD1222 sẽ có hiệu quả. Không bị lệ thuộc vào các cổ đông khác, SII đang được chèo lái bởi chỉ hai người: Poonawalla và cha của mình, ông Cyrus Poonawalla, một tỉ phú xuất thân từ nghề nuôi ngựa.
‘Chủ nghĩa dân tộc vắc-xin’.
Các cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên của vắc-xin AZD1222 cho thấy nó giúp tạo hàm lượng kháng thể trung hòa virus SARS-CoV-2 ở những người tình nguyện tương đương với hàm lượng kháng thể được ghi nhận ở những bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục. Hiện vắc-xin này đang bước vào cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
SII đã sản xuất hàng triệu liều vắc-xin AZD1222 để phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển. Cho đến thời điểm các cuộc thử nghiệm vắc-xin AZD1222 hoàn tất, dự kiến vào tháng 11 tới, SII đặt mục tiêu tích trữ sẵn 300 triệu liều vắc-xin thương mại.
Poonawalla kỳ vọng sau khi đại dịch qua đi, ông sẽ có thể bán vắc-xin AZD1222 với giá có lợi nhuận nếu nó vượt qua đợt thử nghiệm cuối cùng với kết quả tốt. Mối lo lắng lớn nhất hiện nay của ông là nguồn chi phí để sản xuất đồng loạt vắc-xin AZD1222 dự kiến lên đến 450 triệu đô la. Nhiều chi phí mà ông có lẽ không bao giờ thu hồi được bao gồm chi phí các lọ thủy tinh đựng vắc-xin và các hóa chất được sử dụng trong quy trình sản xuất vắc-xin. Lần đầu tiên, gia tộc Poonawalla cho biết họ đang cân nhắc huy động sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư quốc gia hoặc quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân.
Trong cuộc chạy đua tích trữ hàng trăm triệu liều vắc-xin Covid-19 cho người dân nước mình, các chính phủ châu Âu và Mỹ đã đồng ý cung cấp các khoản đầu tư lớn cho các hãng dược giúp họ tránh được rủi ro chi phí nếu vắc-xin Covid-19 của họ thất bại và bị gạt bỏ.
Olivier Wouters, Giáo sư chính sách y tế ở Trường Kinh tế London, nhận xét đây chính là ‘chủ nghĩa dân tộc vắc-xin’.
Ông nói: “Các nước giàu đang xếp hàng ở các vị trí đầu tiên và các nước nghèo có nguy cơ bị gạt lại phía sau trong cuộc chạy đua tích trữ vắc-xin Covid-19”.
Adar Poonawalla nói dù thế nào, ông cũng cảm thấy mình có nghĩa vụ chấp nhận rủi ro trong trường hợp văc-xin AZD1222 không đạt hiệu quả cao như mong muốn. Ông thừa nhận tại Ấn Độ, gia tộc ông nổi tiếng nhờ sở hữu những siêu xe hay máy bay riêng hơn là sản xuất vắc-xin cứu người.
Ông nói các cảm nhận như vậy sắp thay đổi. Ông tự tin rằng những liều vắc-xin AZD1222 đang sản xuất từ những cổ máy sáng loáng bằng thép không gỉ của công ty ông sẽ là liều vắc-xin Covid-19 hiệu quả nhất. Nếu kết quả thử nghiệm chứng minh đúng như vậy, ông sẵn sàng xắn tay áo lên để nhận một trong những liều tiêm đầu tiên.
“Sẽ là điều ngớ ngẩn nếu bản thân tôi không nhận liều tiêu vắc-xin này sau khi tôi đã tiêu tất cả tiền và cam kết mọi thứ”, Poonawalla nói.
Cách đây hơn 50 năm, SII được thành lập và khởi đầu chỉ là một xưởng làm việc nhỏ nằm trong một trang trại nuôi ngựa giống khổng lồ của gia tộc Poonawalla ở Pune, Ấn Độ.
Hồi đó, ông Cyrus Poonawalla hiến tặng những con ngựa già cho một phòng thí nghiệm vắc-xin ở địa phương cần huyết tương ngựa.
Một trong những cách để sản suất vắc-xin là tiêm vào ngựa một lượng độc tố rồi chiết xuất huyết thanh giàu kháng thể từ chúng. Sau đó, ông Cyrus nhận thấy rằng ông có thể tự xử lý huyết thanh của ngựa và sản xuất vắc-xin.
Ông bắt đầu sản xuất văc-xin uốn ván rồi sau đó là huyết thanh kháng nọc rắn, vắc-xin bệnh lao, viêm gan, bại liệt và bệnh cúm.
Tận dụng nhân công giá rẻ và công nghệ tân tiến, SII đã giành được các hợp đồng của Quỹ Nhi đồng đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế toàn châu Mỹ (PAHO) và hàng loạt nước để cung cấp các liều vắc-xin giá rẻ.
Gia tộc Poonawalla giờ đây là một trong những gia tộc giàu có nhất Ấn Độ với tổng tài sản trị giá hơn 5 tỉ đô la Mỹ.
Theo TBKTSG