Cảnh báo thuốc BVTV chứa fipronil gây ung thư, tổn thương nội tạng

Hữu Quang Thứ bảy, ngày 08/09/2018 07:17 AM (GMT+7)
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), fipronil là một hóa chất diệt côn trùng có thể gây nguy hiểm tới các bộ phận nội tạng như thận, gan và tuyến giáp
Bình luận 0

Độc tính cao, tiềm ẩn rủi ro sức khỏe

Fipronil là thuốc trừ sâu phổ rộng thuộc gốc hóa học phenylpyrazol, được phát hiện bởi Rhône-Poulenc vào khoảng năm 1985 - 1987. Fipronil là hoạt chất thuốc BVTV thuộc nhóm độc II dùng để trừ côn trùng trong nông nghiệp, thú y, vệ sinh công cộng.

Ở Việt Nam, hoạt chất này thường được sử dụng để trừ kiến, bọ cánh cứng, gián, bọ chét, ve, mối, dế, bọ trĩ... Vì đặc tính này nên nông dân thường gọi hoạt chất này là thuốc diệt kiến. Từ năm 1987 - 1996, fipronil được sử dụng để phòng trừ 250 dịch hại trên 60 cây trồng trên toàn thế giới.

img

Rệp sáp trên cây cà phê, một đối tượng phòng trừ của hoạt chất fipronil. Ảnh: IT

Cơ chế tác động của hoạt chất fipronil là khi xâm nhập vào cơ thể côn trùng sẽ phá vỡ hệ thống thần kinh trung ương thông qua việc gắn kết và can thiệp vào kênh liên kết chloride bằng axit gamma-aminobutyric (GABA), ngăn cản sự hấp thu ion chloride, kích thích thần kinh côn trùng, gây tê liệt và chết.

Chất này phân hủy chậm trong cây trồng, di chuyển chậm trong nước và gần như không di động trong đất. Thời gian bán hủy trong đất tơi xốp là 122 - 128 ngày, trong đất giàu chất hữu cơ chuyển đổi thành fipronil sulfone (thời gian bán phân hủy 34 ngày); gây tích lũy sinh học trong chuỗi thức ăn tự nhiên, đặc biệt trong cá và động vật thủy sinh, dẫn đến gây ngộ độc mãn tính cho các loài động vật bậc cao hơn.

img

Hiện có rất nhiều sản phẩm thương mại có hoạt chất fipronil để diệt sâu khoang. Ảnh: IT

Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (US.EPA) đã xếp fipronil vào nhóm có nguy cơ gây ung thư. Cũng theo cơ quan này, việc tiêu thụ trong thời gian dài hoặc quá mức sản phẩm có chứa fipronil gây nên khả năng gia tăng tế bào khối u tuyến giáp, gan và ảnh hưởng đến thận.

Những sự cố đã xảy ra với fipronil

Khoảng giữa năm 2015, một sự kiện gây chấn động đối với ngành chè Việt Nam là sự cố hàng chục tấn chè của các công ty sản xuất, kinh doanh chè tại Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã không thể xuất khẩu hoặc bị khách hàng Đài Loan trả về do dư lượng fipronil vượt ngưỡng quy định của Đài Loan.

Ngay sau đó, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Công ty Cổ phần Chè Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị bàn các biện pháp giảm thiểu dư lượng thuốc BVTV trên cây chè. Cuối cùng là đi đến cam kết sẽ “tẩy chay” hoạt chất fipronil trên cây chè.

img

Chè là một loại nông sản có giới hạn cho phép fipronil rất thấp, gần như không được phép tồn tại. Ảnh: IT

Chi Cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo không sử dụng fipronil trong sản xuất rau an toàn, sản xuất chè, đặc biệt đối với sản phẩm chè xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản vì mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) của fipronil trên chè tại các thị trường này rất thấp (MRL = 0.002 ppm). Đối với các diện tích chè trồng xen với cà phê, không sử dụng fipronil để phòng trừ kiến, mối trên cà phê tránh để lại dư lượng fipronil trong sản phẩm chè. 

Tháng 8.2017, trên thế giới cũng xảy ra 1 vụ scandal gây hoang mang người tiêu dùng ở nhiều nước châu Âu. Đó là việc phát hiện hàng triệu quả trứng gà của các trang trại gà ở Hà Lan nhiễm độc chất fipronil nhập khẩu vào các nước châu Âu. Hóa chất này đã bị đưa vào các trang trại gia cầm ở Hà Lan nhằm tiêu diệt bọ đỏ ký sinh trên gà. Hàm lượng fipronil cho phép chỉ là 0,005 mg/kg.

Trong khi đó, kết quả kiểm nghiệm trứng tại các trang trại ở Hà Lan cho thấy, hàm lượng fipronil ở một số nơi lên tới 0,30 mg/kg, gấp 60 lần mức cho phép. Hãng tin AFP sau đó cho biết, cơ quan thực phẩm Hà Lan đã yêu cầu 138 trang trại chăn nuôi gia cầm phải đóng cửa sau khi trứng gia cầm của 59 trang trại bị phát hiện có chứa chất fipronil.

Loại bỏ vì lợi ích cộng đồng

Như Dân Việt đã đưa tin, vào cuối tháng 8, Cục BVTV đã có buổi làm việc với Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV (VIPA) và Croplife Việt Nam, trong đó có nội dung công khai lấy ý kiến rộng rãi các báo cáo kỹ thuật đề xuất loại bỏ thuốc BVTV ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam năm 2018. Cục BVTV đã gửi tới VIPA dự thảo báo cáo kỹ thuật đối với 3 hoạt chất để lấy ý kiến dự thảo, làm cơ sở để xem xét loại bỏ, trong số đó có fipronil.

img

Thời gian tới sẽ tiếp tục có những hoạt chât độc hại khác tiếp tục bị xem xét loại bỏ

Trước động thái trên, trao đổi với PV Dân Việt, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên lâu năm trong ngành nông nghiệp bày tỏ: “Việc loại bỏ các sản phẩm có hoạt chất fipronil ra khỏi danh mục các loại thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam đáng ra phải làm từ lâu rồi. Chúng ta không nên cho lưu hành những sản phẩm độc tính cao như vậy, nguy cơ tồn dư trong nông sản rất cao, việc loại bỏ này là vì lợi ích của cộng đồng và xã hội thì nên làm, tôi hoàn toàn ủng hộ”.

Tuy nhiên, theo TS Nghĩa, việc cơ quan chức năng xem xét gạch tên loại hoạt chất này thì song song đó cũng phải tìm kiếm, nghiên cứu các sản phẩm khác an toàn hơn để thay thế, tránh tình trạng người dân hỏi ngược lại "cấm cái này thì dùng cái gì?".

GS.TS Nguyễn Thơ, giảng dạy BVTV tại Đại học Cần Thơ cho biết, việc xem xét để loại bỏ hoạt chất fipronil là việc làm rất tốt của Bộ NNPTNT. "Thực tế là đã có tình trạng tồn dư chất này trong nông sản, do đó việc loại bỏ là cần thiêt, nên làm. Nhưng cũng cần có lộ trình để có sản phẩm thay thế", ông nói.

Một cán bộ công tác tại Chi cục BVTV Đồng Nai cũng cho biết, không riêng gì 3 hoạt chất đang bị đề xuất xem xét xóa tên lần này, trước đó Bộ NNPTNT cũng đã loại bỏ đến 6 hoạt chất có độc tính cao, không an toàn. "Theo quan điểm của chúng tôi thì nên rà soát kỹ, loại bỏ hết các sản phẩm quá độc, chỉ nên giữ lại các sản phẩm an toàn, thà ít mà chất lượng”, ông này phát biểu.     

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem