Con sông Than ở Ninh Thuận trơ đáy, dân một xã tối ngày chỉ lo đi "đong" nước

Đức Cường Thứ năm, ngày 25/04/2024 05:53 AM (GMT+7)
Nắng nóng kéo dài khiến con sông Than cạn kiệt, 1.445 hộ với 4.765 nhân khẩu ở xã Hòa Sơn, huyện miền núi Ninh Sơn (Ninh Thuận) thiếu nước sạch sinh hoạt. Hiện, chính quyền địa phương đã kích hoạt phương án chống hạn, đồng thời lập các tổ để khơi thông dòng chảy, đắp đập trên các sông suối để giữ nước.
Bình luận 0

Thiếu nước sinh hoạt do nắng hạn ở Ninh Thuận

Những ngày cuối tháng 4 này, người dân ở xã Hòa Sơn, huyện miền núi Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) đang phải chắt chiu từng giọt nước sạch để sinh hoạt. 

Nắng nóng kéo dài đã khiến nhiều sông suối khô kiệt, trơ đáy, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân nơi đây.

Con sông Than ở Ninh Thuận trơ đáy, dân một xã tối ngày chỉ lo đi "đong" nước- Ảnh 1.

Nước không về, người dân xã Hòa Sơn phải đến tận nhà máy nước để lấy nước về sử dụng. Ảnh: Đức Cường

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, để phục vụ ăn uống nhiều hộ dân ở xã Hòa Sơn( huyện Ninh Sơn) phải mua nước bình, riêng nước sinh hoạt phải chở về từ sông suối ở xa để sử dụng.

Vừa múc từng xô nước suối được chở về để sinh hoạt, ông Nguyễn Ngọc Lân ở thôn Tân Lập, xã Hòa Sơn (huyện Ninh Sơn) thở dài cho biết, gần 10 ngày qua nguồn nước máy sinh hoạt của gia đình không ổn định, lúc có lúc không ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của gia đình.

Để có nước sử dụng ăn uống, gia đình ông phải mua nước bình, còn tắm giặt sinh hoạt hàng ngày thì phải dùng phi nhựa chở nước từ sông suối ở rẫy về sử dụng.

"Mỗi ngày chở 1 – 2 phi nhựa loại 600 lít để phục vụ sinh hoạt của gia đình hơn 10 người, chi phí tốn kém hơn nhiều so với ngày thường…", ông Lân cho hay.

Con sông Than ở Ninh Thuận trơ đáy, dân một xã tối ngày chỉ lo đi "đong" nước- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngọc Lân ở thôn Tân Lập chắt chiu sử dụng nguồn nước trong phi nhựa được chở về từ sông, suối. Ảnh: Đức Cường

Cùng chung cảnh ngộ như ông Lân, gia đình anh Nguyễn Thế Hưng ở thôn Tân Hòa, xã Hòa Sơn cũng lâm vào tình cảnh bức bối do thiếu nước sinh hoạt.

Anh Hưng cho biết, nắng hạn kéo dài khiến đời sống của người dân xã Hòa Sơn gặp nhiều khó khăn. Nguồn nước máy của gia định bị "đứt" hơn 3 ngày mới có lại nhưng cũng không ổn định, anh phải tranh thủ từng giọt để tích trữ nước phục vụ ăn uống. Riêng nước sinh hoạt phải dùng máy cày chở từ sông suối về sử dụng.

"Nguồn nước máy thì không ổn định trong khi nước từ các sông suối cũng đang cạn dần, nếu nắng nóng kéo dài thì chưa biết lấy nước đâu để dùng…", anh Hưng thở dài.

Con sông Than ở Ninh Thuận trơ đáy, dân một xã tối ngày chỉ lo đi "đong" nước- Ảnh 3.

Anh Nguyễn Thế Hưng ở thôn Tân Hòa tranh thủ trữ nước vào bon nhựa để sử dụng ăn uống. Ảnh: Đức Cường

Đắp hồ tạm để tích nước phục vụ người dân

Theo UBND xã Hòa Sơn, do thời tiết nắng hán kéo dài dẫn đến các sông suối trên địa bàn bị khô cạn, trơ đáy. Trong đó, Sông Than là đầu mối cấp nước thô cho nhà máy nước Hòa Sơn  cũng đã khô cạn nhiều ngày nay, không đủ để cấp nước sinh hoạt cho 1.445 hộ với 4.765 nhân khẩu trên địa bàn xã.

Con sông Than ở Ninh Thuận trơ đáy, dân một xã tối ngày chỉ lo đi "đong" nước- Ảnh 4.

Người dân xã Hòa Sơn tranh thủ trữ nước khi có thể để sử dụng trong mùa khô hạn sắp tới. Ảnh: Đức Cường

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch phụ trách UBND xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) cho biết, do lượng nước không đủ để cấp về một lần nên UBND xã đang phối hợp với nhà máy nước Hòa Sơn phân chia nước luân phiên về các thôn để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Theo ông Hải, UBND xã Hòa Sơn cũng đã đắp đập tạo 2 hồ chứa nước tạm thời trên Sông Dầu và Sông Than. Đồng thời thành lập 2 tổ tiến hành khơi dòng chảy để dẫn nước về tại 2 hồ chứa này để trữ nước đảm bảo nguồn nước thô cho nhà máy nước Hòa Sơn phục vụ sinh hoạt của người dân.

Cũng theo ông Hải, việc đắp đập tạo nguồn nước như trên cũng chỉ là giải pháp tạm thời vì lượng nước còn lại chỉ đủ để sử dụng trong khoảng 7 -10 ngày. Do đó, địa phương đang triển khai việc lắp đặt máy bơm để chuyển nước từ hồ chứa nước Sông Than cách nhà máy nước gần 5km để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Con sông Than ở Ninh Thuận trơ đáy, dân một xã tối ngày chỉ lo đi "đong" nước- Ảnh 5.

Chính quyền địa phương đang ngăn đập tạm tích nước để đảm bảo nước đầu vào cho nhà máy nước Hòa Sơn nằm cạnh Sông Than. Ảnh: Đức Cường

"UBND xã cũng đã có báo cáo lên cấp trên và kiến nghị Trung tâm nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ phần kinh phí cho địa phương trong công tác chống hạn, đồng thời hỗ trợ người dân thông qua việc giảm giá thu tiền nước sinh hoạt tháng 4 và tháng 5 để chia sẻ khó khăn với người dân vùng khó khăn…", ông Hải cho hay.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, nếu trong thời gian tới tiếp tục không có mưa nhiều nhà máy nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn cung cấp nước đầu vào.

Cụ thể, nhà máy cấp nước Phước Kháng, huyện Thuận Bắc (công suất 277 m3 /ngày đêm, số hộ sử dụng nước 493 hộ với 2.104 khẩu) hiện sử dụng nguồn nước thô từ suối Lù Cu xã Phước Kháng. Tuy nhiên, nguồn nước suối Lù Cu đến tháng 3/2024 đã cạn kiệt nên hiện nay nhà máy Lợi Hải đang bơm bổ sung cấp nước cho nhà máy này.

Nhà máy cấp nước Tà Nôi, huyện Ninh Sơn (công suất nhà máy 134 m3 /ngày đêm, số hộ sử dụng nước 171 hộ với 684 khẩu), sử dụng nguồn nước suối Tà Nôi (hiện tại nguồn nước còn sử dụng). Dự kiến đến hết tháng 4/2024, thời tiết không có mưa thì nguồn nước suối Tà Nôi cạn kiệt.

Nhà máy cấp nước Phước Thành, huyện Bác Ái (công suất nhà máy 366 m3 /ngày đêm, số hộ sử dụng nước 736 hộ với 3.858 nhân khẩu), sử dụng nguồn nước đập Suối Lạnh.

Nhà máy cấp nước Phước Trung, huyện Bác Ái (công suất nhà máy 354 m3 /ngày đêm, số hộ sử dụng nước 693 hộ với 2.635 nhân khẩu), sử dụng nguồn nước đập Ô Căm. Hiện tại nguồn nước cấp cho 2 nhà máy đủ cấp nhưng nếu không có mưa đến tháng 6/2024, nguy cơ nguồn nước đập Suối Lạnh và đập Ô Căm sẽ hết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem