Cảnh quan đẹp ở xã Đại Thắng-đất anh hùng của Quảng Nam, nơi đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Trần Hậu Thứ bảy, ngày 24/02/2024 19:08 PM (GMT+7)
Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã anh hùng Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam tiếp tục nỗ lực củng cố, nâng chuẩn các tiêu chí, hướng tới mục tiêu hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao năm 2023, nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Bình luận 0

Xã anh hùng "thay" áo mới

Xã Đại Thắng vinh dự là địa phương đầu tiên của huyện Đại Lộc đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1978. Trên tinh thần phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Thắng ra sức xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và nâng cao mức sống nhân dân, diện mạo làng quê ngày càng khởi sắc. Nhờ đó, Đại Thắng đã đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2017.

Cảnh quan đẹp ở xã Đại Thắng-đất anh hùng của Quảng Nam, nơi đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu- Ảnh 1.

Nhờ thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã giúp cho xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đổi thay từng ngày. Ảnh: T.H.

Ông Trần Công Phụng – Chủ tịch UBND xã Đại Thắng cho biết: "Qua công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đã nhận thức rõ hơn về mục đích, nội dung và cách thức vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, tích cực đóng góp kinh phí, hiến đất, tham gia ngày công xây dựng các công trình dân sinh. Hiện nay, xã đã hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân".

Đến nay, 100% hệ thống đường trục xã, liên xã, liên thôn… bảo đảm kiên cố, khang trang; 78,51% tuyến đường trục chính giao thông nội đồng được cứng hóa, thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.

Xã có 3/3 trường đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đạt tỷ lệ 100%. Cơ sở vật chất các trường được đầu tư khang trang, sạch đẹp, có đầy đủ các thiết bị cần thiết và đồng bộ, phục vụ tốt nhu cầu dạy và học.

Bên cạnh đó, Trạm y tế xã cũng được xây dựng hiện đại, đúng tiêu chuẩn. Các nhà văn hóa thôn, trung tâm văn hóa thể thao xã được nâng cấp, xây dựng sạch đẹp, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của toàn dân.

Cảnh quan đẹp ở xã Đại Thắng-đất anh hùng của Quảng Nam, nơi đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu- Ảnh 2.

Xã Đại Thắng hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025. Ảnh: T.H.

Theo ông Phụng, điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới ở Đại Thắng là xã có chợ Phú Thuận nằm trong quy hoạch mạng lưới phát triển chợ của tỉnh Quảng Nam, được đầu tư xây mới vào năm 2019.

Các hạng mục đều rất khang trang, rộng rãi, đáp ứng đa dạng các nhu cầu kinh doanh buôn bán, phát triển thương mại trên địa bàn xã. Đồng thời, vị trí chợ thuận lợi giao thương buôn bán với các vùng lân cận, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Kinh tế tăng trưởng khá

Hiện nay, cơ cấu kinh tế của xã Đại Thắng chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng trong các ngành tiểu thủ công nghiệp – thương mại dịch vụ, nông nghiệp chuyển dần theo hướng sản xuất hàng hoá có giá trị cao, góp phần tăng hộ khá, hộ giàu, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Ông Phụng cho biết, để nâng cao thu nhập cho người dân, xã thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các hình thức sản xuất, liên doanh, liên kết, tích tụ ruộng đất; vận động nông dân thực hiện đúng cơ cấu giống cây trồng, lịch thời vụ; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tiêm phòng gia súc, gia cầm....

Hàng năm, nông dân địa phương liên kết sản xuất hơn 170ha lúa giống, hơn 15ha ngô lai, đậu phụng sạch, mè sạch cho năng suất và sản lượng cao, mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân.

Cảnh quan đẹp ở xã Đại Thắng-đất anh hùng của Quảng Nam, nơi đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu- Ảnh 3.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ là dấu ấn khi về với xã Đại Thắng hôm nay. Ảnh: T.H.

Nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi được duy trì, cho hiệu quả năng suất cao như: mô hình trồng nấm rơm ở thôn Phú Bình, nuôi dê ở thôn Thuận Hoà, trồng hoa cúc ở thôn Phú An....

Những năm qua, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề nông thôn ở địa phương được duy trì và phát triển khá, góp phần tăng thu nhập cho người dân như: đan mây tre, đan lưới nuôi trai, cơ khí, mộc dân dụng, nước uống đóng chai, sản xuất bánh tráng. Các loại hình dịch vụ ngày càng phát triển như: tiệc cưới, vận tải hàng hóa, hành khách, dịch vụ du lịch.

Từ những cách làm đồng bộ, đến nay, đời sống nhân dân xã Đại Thắng từng bước được cải thiện và nâng lên đáng kể. Tính đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 56,9 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 25 hộ (tỷ lệ 1,26%, các hộ này thuộc diện bảo trợ xã hội, không có khả năng thoát nghèo). Phong trào thi đua xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu ở các thôn tiếp tục được quan tâm thực hiện đạt kế hoạch đề ra.

"Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó, cần phát huy những kết quả đạt được để tiếp tục xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững, đi vào chiều sâu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn so với giai đoạn trước...", ông Trần Công Phụng – Chủ tịch UBND xã Đại Thắng cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem