Cạnh tranh vận tải khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn “trạng chết chúa cũng băng hà” (Bài 2)

31/07/2023 16:53 GMT+7
Hiện sức chở của tàu khách nhỏ nhất là 139 người/lượt, nhẩm tính với lượng khách từ đất liền ra đảo Lý Sơn từ 800 – 1000 lượt/ngày, chỉ cần 7-8 lượt tàu/ngày là đủ. Tuy nhiên theo kế hoạch đã đăng ký của tháng 8/2023, số lượng chạy có thời điểm lên đến 14 lượt tàu/ngày/đầu bến (?).

Lỗ bạc mặt nhưng vẫn chấp nhận

Theo thông tin mà PV tìm hiểu và thu thập, tại thời điểm vào năm 2018, khi hàng loạt tàu khách siêu tốc vỏ hợp kim được đóng mới và đưa vào hoạt động, thời gian khởi hành hàng ngày để đón chở khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn, được giao cho các chủ tàu tự đăng ký và quyết định.

Cạnh tranh vận tải khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn “trạng chết chúa cũng băng hà” (Bài 2) - Ảnh 1.

Hành khách đang xuống tàu tại cảng Sa Kỳ để ra Lý Sơn. Ảnh: Công Hoàng.

Trừ các dịp lễ, tết và cuối tuần, những ngày bình thường (thứ 2 – 5) số lượng khách từ đất liền ra đảo không nhiều. Vì vậy để thu hút khách, các chủ tàu phải nhờ vào lực lượng "cò" là xe ôm, chủ các khách sạn, nhà nghỉ... ở tại 2 đầu bến (Lý Sơn, Sa Kỳ) bán vé giúp.

Không dám nâng cao hơn mức giá đã đăng ký với cấp thẩm quyền của tỉnh để bù lại, các chủ tàu khách đành chấp nhận bỏ tiền túi, để chi tiền hoa hồng cho số vé mà "cò" đã bán giúp.

Theo đó bất cứ chủ nhà nghỉ, khách sạn, xe ôm nào bán được vé cho khách, thì chủ tàu sẽ cho từ 20.000-30.000 đồng/vé.

Nhiều chủ tàu khách nhớ lại, tại thời điểm trên, chạy tuyến Lý Sơn – Sa Kỳ và ngược lại, có 7 tàu; số lượt chạy ít nhất là 2 chuyến/ngày/chiếc; số khách bình quân 70 người/chuyến.

Nhẩm tính ngoài tiền phí ủy thác bán vé phải trả cho BQL cảng Sa Kỳ là 4%/trên tổng giá trị của giá vé; cộng với số tiền "hoa hồng" mà các chủ tàu phải trả cho "cò vé", tính bằng con số hàng tỷ đồng/tháng.

Không những vậy các chủ tàu khách còn cho biết, nếu đăng ký giờ chạy sau thì khách sẽ càng ít hơn, vì vậy tại thời điểm này (năm 2018), các chủ tàu khách còn nhấp nhận chạy trùng giờ để cạnh tranh nhau, dẫn đến thiệt hại của của chuyến đi mỗi tàu tăng lên hơn.

Cạnh tranh vận tải khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn “trạng chết chúa cũng băng hà” (Bài 2) - Ảnh 3.

Trên đường chở khách ra đảo Lý Sơn. Ảnh: Công Hoàng.

Sự cạnh tranh theo kiểu trên không những gây thiệt hại cho chính các chủ tàu khách, mà còn gây ra sự lộn xộn và mất ANTT tại 2 đầu bến, bức xúc cho du khách và làm ảnh hưởng chung đến ngành du lịch của tỉnh.

Phải mất 1 thời gian dài sau đó, các chủ tàu khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn mới tìm được tiếng nói chung, thống nhất chia phiên, chuyến; chấm dứt cảnh lỗ bạc tỷ vì kiểu "mạnh ai nấy chạy".

Tái diễn cảnh cũ

Chiều 31/7, trao đổi với PV Etime, đại diện BQL cảng Sa Kỳ, Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi xác nhận, đã ký và ban hành tổng hợp lịch đăng ký chạy tàu tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn của tháng 8/2023, do các doanh nghiệp gửi.

Cạnh tranh vận tải khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn “trạng chết chúa cũng băng hà” (Bài 2) - Ảnh 4.

Cảng Bến Đình, huyện Lý Sơn nhìn từ ngoài biển vào. Ảnh: Công Hoàng.

Theo thông tin được cung cấp (đăng ký lượt tàu chạy tháng 8/2023), số lượt, chuyến mà các chủ tàu khách đăng ký chạy tại mỗi đầu bến ít nhất là 10 chuyến/ngày; nhiều nhất là 14 chuyến/ngày.

Điều đáng lo ngại là dù đang là thời gian cao điểm du lịch hàng năm của Lý Sơn (từ tháng 6 – 8), thế nhưng lượng khách bình quân từ đất liền (cảng Sa Kỳ) ra đảo Lý Sơn, trong tháng 7/2023, chỉ từ 800 – 1000 lượt khách/ngày.

Trong khi đó sức chở của tàu khách đang hoạt động trên tuyến này, ít nhất là 139 khách/chuyến. Nhẩm tính với số khách ra đảo như vậy (từ 800 – 1000 khách/ngày), thì số lượng tàu cần chạy từ 6-8 chuyến/ngày là đủ.

Thế nhưng với số lượt tàu đăng ký quá lớn như vậy (ít nhất 10 lượt tàu/ngày và nhiều nhất là 14 lượt tàu/ngày) và thời gian xuất phát của mỗi tàu chỉ cách nhau trung bình chưa đến 1 giờ, liệu có phù hợp.

Cạnh tranh vận tải khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn “trạng chết chúa cũng băng hà” (Bài 2) - Ảnh 6.

Hành khách ra cửa kiểm soát để xuống tàu đi Lý Sơn. Ảnh: Công Hoàng.

Đó là chưa nói đến trên thực tế, hành khách ra đảo Lý Sơn tại đầu cảng Sa Kỳ (và ngược lại), sẽ không rải đều các giờ trong ngày, nên chắc chắn nhiều mốc giờ mà tàu xuất phát tại 2 đầu cảng Sa Kỳ, Lý Sơn và ngược lại, hàng loạt tàu sẽ không đủ, thậm chí rỗng khách khi xuất bến.

Các chủ tàu khách cho biết, tiền nhiên liệu dầu và các khoản chi phí khác, cho một lần xuất bến chạy từ cảng Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại, tiêu tốn khoảng 10 triệu đồng/chuyến,lượt.

Với số lượt tàu đăng ký tần suất chạy (xuất bến) dày đặc và lượng khách Sa Kỳ - Lý Sơn (ngược lại) như vậy, chắc chắn hàng loạt tàu sẽ rơi vào cảnh lỗ tiền triệu và nhiều triệu đồng/chuyến,lượt.

Cạnh tranh vận tải khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn “trạng chết chúa cũng băng hà” (Bài 2) - Ảnh 7.

Một tàu khách đang trả khách tại cảng Bến Đình, huyện Lý Sơn.

Điều càng bất ngờ hơn, khi trao đổi với PV Etime, các chủ tàu cũng thừa nhận, chắc chắn sẽ bị lỗ nặng vì tần suất chạy như vậy (10 – 14 lượt,chuyến/ngày/đầu bến). Thế nhưng họ (các chủ tàu) vẫn chấp nhận, với câu trả lời khá giống nhau "ai chịu không được thì tự bỏ cuộc, neo tàu tại bến".

Công Hoàng
Cùng chuyên mục