Cao tốc Bắc - Nam mở ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế xã hội
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch cấp quốc gia khác, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ rất quan trọng, cụ thể hóa và triển khai tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; mở ra cơ hội phát triển, định hình các giá trị mới cho quốc gia, cho từng vùng và địa phương.
Theo đó, quan điểm xuyên suốt của việc lập quy hoạch là phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính nhằm nâng cao sức cạnh tranh, huy động và sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực vì lợi ích quốc gia.
Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường đầu tháng 1/2023.
Đối với 6 quy hoạch vùng, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt và các quy hoạch còn lại đang trong quá trình hoàn thiện.
Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long với nguyên tắc thuận thiên và tư duy phát triển mở được đánh giá là bước ngoặt để kích hoạt kinh tế - xã hội, đánh thức tiềm năng của khu vực.
"Việc lập quy hoạch tích hợp là vấn đề mới, khó, khối lượng công việc rất nhiều. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nỗ lực, tích cực phối hợp, tham gia cùng các bộ, ngành, địa phương trong suốt quá trình lập quy hoạch", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh xây dựng quy hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên dành mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng. Các công trình khi hoàn thành sẽ mở rộng không gian phát triển, tạo động lực mang tính đột phá phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tiếp theo.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới, kinh tế sẽ phát triển vượt bậc, cả công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, văn hóa, tăng cường an ninh quốc phòng và 60% dân số được hưởng lợi.
"Tuyến đường ven biển vừa giúp ứng phó biến đổi khí hậu, vừa mở rộng không gian phát triển kinh tế; tạo quỹ đất phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối cảng biển, sân bay...", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; quản trị xã hội trên nền tảng xã hội số hoàn chỉnh.
Nền kinh tế vận hành theo phương thức của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng chủ yếu.
Việt Nam thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á; là một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái giá trị cao thuộc nhóm hàng đầu thế giới.
Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, một trung tâm kinh tế biển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tham gia chủ động, có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.
Giai đoạn 2031 - 2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 6,5 - 7,5%/năm. Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD, tỷ lệ đô thị hóa đạt 70 - 75%, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt từ 0,8 trở lên, đời sống của người dân hạnh phúc, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.
Tỷ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%, khu vực công nghiệp - xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt trên 50%...