Cao tốc Bắc - Nam xin chuyển sang đầu tư công: Đại biểu Quốc hội lo 'vốn ở đâu'
Sáng 9/6, Quốc hội tiếp tục với phiên họp tổ về vấn đề chuyển đổi 3/8 đoạn đường thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam từ phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công.
Theo đó, tờ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chỉ ra những khó khăn trong huy động vốn tín dụng do tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài tiềm ẩn nhiều rủi ro...
Trong bối cảnh dịch COVID-19, ngân hàng dành lượng lớn vốn tín dụng tập trung cho vay ngắn hạn, tiêu dùng thiết yếu... nên hạn mức cho vay dài hạn sẽ giảm. Dự án BOT giao thông triển khai khi các cơ chế chia sẻ rủi ro chưa được áp dụng nên việc huy động vốn tín dụng gặp rất nhiều khó khăn.
Trên cơ sở này, Chính phủ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức đầu tư công là để giải quyết triệt để khó khăn về huy động vốn tín dụng, bảo đảm tiến độ hoàn thành.
Vốn ở đâu để đầu tư công?
Bày tỏ lo ngại về hình thức chuyển đổi này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho biết, Quốc hội cần cân nhắc thật kỹ và không nên đồng ý dễ dãi quá về chủ trương này.
Đại diện Đoàn ĐBQH Hà Nội cho rằng, dự án cao tốc Bắc – Nam đã trải qua thời gian triển khai đấu thầu theo phương thức PPP khá dài. "Từ chỗ xin cơ chế xã hội hóa thì nay lại xin đầu tư công, tôi rất băn khoăn về những thay đổi này. Nếu đầu tư công, làm sao Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh vốn được. Nhất là trong giai đoạn này, sau dịch COVID-19, Nhà nước đã phải bỏ ra một số tiền lớn để ngăn chặn dịch bệnh, khôi phục kinh tế. Giờ đây, chuyển đầu tư công các dự án cao tốc Bắc – Nam, Chính phủ hăm hở làm nhưng sẽ lấy vốn ở đâu? Vì thế, Quốc hội không nên đồng ý dễ dãi quá. Nếu đầu tư công, tôi không biết chúng ta sẽ lấy vốn ở đâu, lấy vốn ở đâu", ông Trí nhấn mạnh bằng cách nhắc lại 2 lần.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, PPP – hình thức xã hội hóa để làm giao thông - là chủ trương đúng mang tính toàn cầu. Ông lấy ví dụ ở Nhật: "Khi họ làm một con đường đều có bộ phận tư vấn độc lập, thiết kế độc lập và việc thiết kế sẽ giúp đường sử dụng được khoảng 100 năm. Bộ phận tư vấn thiết kế cũng đảm nhận nhiệm vụ đánh giá ngân sách. Nếu không đủ vốn họ đứng ra mời các nguồn vốn cùng tham gia, xã hội hóa và sau đó lựa chọn các nhà đầu tư tốt nhất. Ban giám đốc cũng được thuê để làm việc.
Sau đó họ thu tiền đúng 30 năm rồi trả lại con đường đó. Và trước khi trả thì làm lại con đường đó đẹp, tốt như khi vừa mới vừa xây xong. Nhà nước của họ sẽ chỉ phải duy tu và bảo dưỡng sử dụng trong 70 năm còn lại. Từ đường, cầu, nhà của họ đều thực hiện theo cơ chế đó. Vậy vì sao Việt Nam cũng chủ trương thế mà lại không hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư? Có lẽ phải xem lại chủ trương xã hội hóa, đầu tư theo phương thức PPP này".
Chỉ ra "tính kém hấp dẫn ở các gói thầu", theo ông Trí đây là nguyên nhân khiến nhiều gói thầu PPP không được quan tâm, hoặc nhà thầu quan tâm tham gia thì lại có "năng lực yếu". "Một dự án được thực hiện theo phương thức PPP mà lại kém hấp dẫn như thế thì cần phải xem xét lại’, ông Trí nhấn mạnh.
Huy động tư nhân không thể trông vào vốn ngân hàng
Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), việc ngân hàng thắt chặt dòng tiền huy động vào các dự án tư nhân là đúng. Theo ông, việc huy động tư nhân không thể trông chờ vào nguồn vốn ngân hàng mà cần nhìn vào thực vốn của họ hoặc nguồn vốn của các nhà đầu tư tư nhân liên kết với nhau.
Nói về việc chuyển đổi hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công, theo ông Cường, nếu như chuyển sang đầu tư công thì dự án có thể phát hành trái phiếu chính phủ và huy động được rất dễ dàng chứ không phải huy động tín dụng vốn từ ngân hàng với nhiều khó khăn.
"Nếu chúng ta có một phương thức cho nhà đầu tư phát hành trái phiếu công trình một cách an toàn, tin tưởng thì chắc chắn chúng ta sẽ huy động được vốn".
Ông Cường nhấn mạnh, nếu như dự án thực sự cấp bách mà không có nhà đầu tư, có nguy cơ gián đoạn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội thì cần chuyển sang đầu tư công. "Còn dự án nào có nhà đầu tư tư nhân tham gia thì cần đánh giá toàn diện thêm, cần xem tư nhân đó thực sự không có năng lực hay không khi mà họ đã vượt qua được vòng sơ tuyển?", ông đặt câu hỏi.
Vị đại biểu này cũng cho biết, nếu chuyển 3 dự án PPP sang đầu tư công thì nguồn ngân sách chúng ta thiếu hụt đi từ 23.000 tỷ đồng so với phân bố. "Vậy thì 23.000 tỷ này có ảnh hưởng gì đến kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn sau hay không? Giai đoạn hiện nay đang có thể có dư tiền đầu tư công 700.000 tỷ đồng của kế hoạch 5 năm, chúng ta có thể điều chỉnh. Nhưng 23.000 tỷ này có thể kéo dài đến giai đoạn sau, có khả năng làm mất cân đối nguồn vốn đầu tư công sau này. Cần cân nhắc để việc phân bố cho các lĩnh vực được đồng đều, tránh tình trạng dồn quá nhiều vào lĩnh vực giao thông hoặc trong giao thông lại dồn hết vốn cho cao tốc", ông Cường chất vấn.