Cấp tập đua tăng vốn, ngân hàng cũng khóc ròng

H.Anh Thứ ba, ngày 18/05/2021 14:00 PM (GMT+7)
Bước sang năm 2021, cuộc đua tăng vốn lại bùng nổ khi hàng loạt ngân hàng trình cổ đông kế hoạch tăng thêm vốn điều lệ. Theo ước tính, sẽ có hơn 100.000 tỷ đồng vốn điều lệ dự kiến tăng thêm của các ngân hàng nội. Với nguồn vốn có được một cách dễ dãi này, nhiều ngân hàng cũng khóc ròng khi mặc kẹt ở bđs.
Bình luận 0

"Cấp tập" tăng vốn điều lệ, sắp có quán quân 75.000 tỷ

ACB là ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn lên 27.000 tỷ đồng. Theo đó, ACB sẽ thực hiện tăng vốn bằng hình thức phát hành 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 2020, tương đương tỷ lệ 25%.

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng đã nhận được Quyết định số 823/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi nội dung về vốn điều lệ lên hơn 4.564 tỷ đồng. Vốn điều lệ dự kiến muốn tăng thêm của nhà băng này là 4.100 tỷ đồng.

Mặt trái của cuộc đua tăng vốn ngân hàng - Ảnh 1.

Tổng hợp kế hoạch tăng vốn điều lệ của một số ngân hàng

Cùng trong khối ngân hàng tư nhân, MB đặt kế hoạch vốn điều lệ tăng thêm lên tới 10.700 tỷ đồng. Nếu thành công, MBBank cũng sẽ vượt qua Techcombank về quy mô vốn điều lệ, và trở thành ngân hàng ngoài quốc doanh có vốn lớn nhất vào cuối năm nay.

VIB dự kiến chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 40% và chào bán thêm tối đa gần 46,6 triệu cổ phiếu để tăng vốn với mức tăng dự kiến 4.900 tỷ đồng.

Các ngân hàng khác dự kiến tăng vốn như SeABank (tăng 4.500 tỷ đồng); HDBank (tăng 4.000 tỷ đồng) và SHB (tăng 3.800 tỷ đồng).

Dù chưa đề cập chính thức về việc tăng vốn trong năm nay, song Chủ tịch VPBank khá tự tin khi tuyên bố về kế hoạch tăng vốn điều lệ đầy tham vọng, lên tối thiểu 75.000 tỷ đồng ngay trong năm 2022 và giành ngôi vị số một về vốn điều lệ ngành ngân hàng.

Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank đứng đầu với kế hoạch tăng vốn điều lệ nhiều nhất với trên 13.000 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ vượt trên mốc 50.000 tỷ đồng.

VietinBank và BIDV cũng không ngoại lệ, 2 nhà băng này có kế hoạch tăng vốn điều lệ lần lượt 10.800 tỷ đồng và 8.300 tỷ đồng, tục nằm trong TOP các ngân hàng có quy mô vốn điều lệ cao nhất.

Mặt trái của tăng vốn

Tăng vốn – lý do được các ngân hàng đưa ra đó là nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn đối với ngân hàng, tăng nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ, thêm nguồn vốn để cải tạo, đầu tư các dự án chiến lược trong những năm tới,…

Mặt trái của cuộc đua tăng vốn ngân hàng - Ảnh 3.

Các ngân hàng đua nhau tăng vốn điều lệ

Các chuyên gia cũng không ít lần nhấn mạnh, trong bối cảnh quy mô tổng tài sản của ngân hàng ngày càng lớn, việc tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II là rất quan trọng.

Hệ số CAR nhiều ngân hàng đang ở mức an toàn, nhưng nếu không tăng vốn điều lệ, chỉ tiêu này sẽ giảm dần khi tài sản có rủi ro tăng lên trong tương lai. Khi đó, việc mở rộng hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng sẽ bị hạn chế.

VietinBank hay Agribank là những ví dụ điển hình "mắc kẹt" vì không tăng được vốn, đó là tín dụng không thể tăng trưởng được như kỳ vọng, không đáp ứng được nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Thậm chí từng có thời điểm, VietinBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm và bị tổ chức quốc tế hạ xếp hạng tín nhiệm.

Tăng vốn là cần, song trên thực tế các chính sách luôn có 2 mặt. Mặt trái của tăng vốn mạnh đó là cổ phiếu bị pha loãng, hệ quả tất yếu sẽ ảnh hưởng lên các tỷ số sinh lời và hệ số định giá của các ngân hàng. Từ đó, tạo ra áp lực đảm bảo mức lợi nhuận cũng phải tăng theo.

Thực tế, tại đại hội thường niên của MB vừa qua, ông Lưu Trung Thái chia sẻ, cổ đông ngân hàng đã thông qua con số 35% của tỷ lệ chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu.

"Nhưng với cá nhân tôi, chỉ xin đề xuất chia cổ tức tỷ lệ 20%, vì chia cổ tức bằng cổ phiếu nhiều thì sức ép lên ban điều hành càng lớn, phải nỗ lực hết mình mới có thể giữ được tỷ suất sinh lời và đảm bảo an toàn ngân hàng", ông Thái nói.

Và con đường "truyền thống" nhất của các ngân hàng là tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá do lợi nhuận các ngân hàng tại Việt Nam vẫn chủ yếu đến từ hoạt động cho vay. Điều này rất dễ khiến chất lượng tài sản suy giảm.

Nhìn lại quá khứ, giai đoạn 2005-2007 chứng kiến hàng loạt ngân hàng lên sàn chứng khoán trong bối cảnh thuận lợi, vốn của các ngân hàng này cũng tăng nhanh nhờ các thương vụ phát hành thêm cổ phiếu với số lượng lớn và bán vốn cho đối tác nước ngoài.

Với lượng tiền có được nhờ vốn tăng quá nhanh, các ngân hàng đua nhau tăng trưởng nóng qua hoạt động cho vay dễ dãi và đầu tư góp vốn, mua cổ phần ở nhiều lĩnh vực khác.

Trong đó, một lượng vốn khổng lồ đã chảy vào và mắc kẹt lại ở thị trường bất động sản. Hệ quả sau đó khi nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, thị trường nhà đất đóng băng, nợ xấu của nhiều ngân hàng tăng vọt và cho đến nay vẫn chưa thể xử lý hết.

Trong văn bản mới đây của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này một lần nữa lên tiếng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản. Bởi tín dụng đối với lĩnh vực này vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng, trong khi chất lượng tín dụng suy giảm mạnh so với năm 2019.

Mặt trái của cuộc đua tăng vốn ngân hàng - Ảnh 5.

Vốn tăng nhanh rất dễ đến dòng vốn chảy vào các lĩnh vực rủi ro như Bất động sản

Một mặt trái khác, đó là vốn tăng nhanh cũng có thể làm tăng mức độ thừa vốn và buộc các ngân hàng phải tìm kiếm, mở rộng cơ hội kinh doanh ở các mảng mới hoặc góp vốn đầu tư vào các lĩnh vực khác.

"Trước đây, VPBank chưa có nhiều vốn nên chưa dám mở rộng, nhưng sau khi tăng vốn có thể mở rộng sang lĩnh vực khác. Ngân hàng có thể mở rộng kinh doanh ở các mảng như Investment Banking, Wealth Management,…những mảng mà 5 năm trước VPBank tạm thời đặt sang một bên để tập trung vào chiến lược bán lẻ", CEO VPBank Nguyễn Đức Vinh chia sẻ tại ĐHĐCĐ ngân hàng vào cuối tháng 4.

Tương tự, CEO Techcombank Jens Lottner cho biết, bên cạnh các thế mạnh ở mảng trái phiếu, bancassurance, bất động sản…, có một số lĩnh vực mà Techcombank chưa thâm nhập sâu, chẳng hạn cho vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, việc mở rộng lĩnh vực, ngành nghề nào cũng tồn tại những rủi ro – theo ông Jens Lottner

Nếu như 10 năm trước, vốn điều lệ của ngân hàng cao nhất so với ngân hàng thấp nhất chỉ gấp khoảng 7 lần, thì nay đã lên tới gần 17 lần. Kéo theo đó, là về năng lực cạnh tranh giữa ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ ngày càng nới rộng.

Đó cũng là một mặt tiêu cực từ việc tăng vốn nhanh. Bởi thực tế này khiến cho các ngân hàng nhỏ luôn phải neo lãi suất huy động cao để thu hút và giữ chân khách hàng, đồng thời chấp nhận cho vay các lĩnh vực, khách hàng rủi ro hơn để duy trì được biên độ sinh lãi.

Chưa kể, hiện có nhiều ngân hàng dự kiến tăng vốn qua phát hành riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu. Không loại trừ khả năng, cổ đông "lách luật" để đảm bảo tỷ lệ vốn góp của mình, tránh pha loãng bằng hình thức này hay hình thức khác. Hệ lụy là, sở hữu chéo, đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế lớn, số liệu ảo về luân chuyển dòng vốn lòng vòng để tăng đủ vốn,...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem