Cuộc đua tăng vốn ngành ngân hàng vẫn chưa có hồi kết

07/03/2021 08:55 GMT+7
Từ đầu năm đến nay hàng loạt ngân hàng công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ. Ngoài phương án tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu, một số nhà băng triển khai kế hoạch thu hút thêm vốn ngoại.

Đua tăng vốn, vốn điều lệ ngân hàng "phình" thêm hơn 30.000 tỷ

Thống kê tại gần 30 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2020 thể hiện, tổng cộng đã có hơn 30.000 tỷ đồng vốn điều lệ đã được bổ sung trong năm 2020. Tổng số vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng đã vượt mốc 450.000 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2020, đã có 18 ngân hàng ghi nhận vốn điều lệ đạt trên 10.000 tỷ đồng. Ngược lại, vẫn có những ngân hàng nhỏ đang chật vật tăng vốn, hiện có gần 10 ngân hàng vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng.

Trong đó, HDBank là ngân hàng tăng vốn mạnh nhất trong năm 2020, tăng hơn 6.200 tỷ (tương đương gần 64%) lên 16.088 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng với tổng tỷ lệ 65%.

Cuộc đua tăng vốn vẫn chưa có hồi kết - Ảnh 1.

Tổng số vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng đã vượt mốc 450.000 tỷ đồng.

Vị trí thứ 2 là SHB, nhà băng này tăng mạnh vốn điều lệ thêm hơn 5.500 tỷ đồng trong năm qua nhờ chào bán thành công 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành hơn 251 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2017-2018. Tại ngày 31/12/2020, vốn điều lệ của SHB đạt 17.558 tỷ đồng.

Tiếp đến là ACB, với vốn điều lệ tăng gần 5.000 tỷ đồng lên 21.615 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 30%.

Một số ngân hàng khác cũng tăng mạnh vốn điều lệ trong năm 2020 có thể kể đến MB tăng thêm gần 4.300 tỷ lên gần 28.000 tỷ; OCB tăng 3.060 tỷ lên gần 11.000 tỷ; SeABank tăng khoảng 2.718 tỷ lên hơn 12.000 tỷ; TPBank tăng hơn 2.100 tỷ lên 10.717 tỷ đồng,…

Đứng vị trí "chót" bảng với vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đến cuối năm 2020 có thể kể đến như VietBank (4.190 tỷ đồng); SaigonBank (3.080 tỷ đồng); KienlongBank (3.237 tỷ đồng); NCB (4.102 tỷ đồng); PG Bank (3.000 tỷ đồng);…

Cuộc đua tăng vốn chưa hết "nóng"

Cuộc đua tăng vốn không chỉ sôi động trong nửa cuối năm 2020 mà đến nay vẫn chưa có hồi kết khi hàng loạt các ngân hàng tiếp tục công bố kế hoạch mở rộng quy mô vốn điều lệ.

Đơn cử như tại ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank) của bà Nguyễn Thanh Phượng, nhà băng này công bố thông tin về việc phát hành 15 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), tương ứng tỷ lệ phát hành là 0,0473%. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của VietCapital Bank dự kiến sẽ tăng lên 3.321 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã chấp thuận việc SCB tăng vốn điều lệ tối đa thêm 5.000 tỷ đồng từ mức vốn điều lệ 15.231 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Như vậy, sau khi tăng vốn, vốn điều lệ của SCB sẽ đạt hơn 20.230 tỷ đồng.

Cuộc đua tăng vốn vẫn chưa có hồi kết - Ảnh 3.

Cuộc đua tăng vốn điều lệ vẫn sôi động tại các ngân hàng

Tại Hội nghị chiến lược kinh doanh 2021 mới đây, NCB cũng quyết định tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên, cổ đông hiện hữu.

Kế hoạch bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài cũng được nhiều ngân hàng vạch ra trong năm 2021 này.

Ví dụ, năm nay, NamABank triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng, trong đó, ngân hàng sẽ chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài tỷ lệ quy định.

Mới đây, OCB cho biết, kế hoạch ngân hàng sẽ bán tiếp 10% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi hoàn tất thương vụ bán 15% cổ phần cho Aozora Bank - một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất tại Nhật Bản trong tháng 6/2020.

Tại LienVietPostBank, ngân hàng chuẩn bị bán 4,99% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Hiện tại có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn mua, tuy nhiên, ban lãnh đạo đang tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp. Dự kiến, thương vụ này sẽ hoàn tất trong năm 2021, thời gian đàm phán tối thiểu 6 tháng.

Trước đó, SCB cũng cho hay, ngân hàng đang trong quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài để bán một phần vốn, nhằm nâng cao tiềm lực tài chính sau khi hoàn tất tái cơ cấu và tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán.

Đánh giá về xu hướng tăng vốn của ngân hàng, lãnh đạo của một ngân hàng TMCP cho biết: "Các nhà đầu tư rất quan tâm đến sự phục hồi của nền kinh tế khi đầu tư tài chính, thứ 2 là bản thân mỗi ngân hàng phải xây dựng nội lực quản trị mạnh vì vốn khi ngân hàng mời nhà đầu tư, họ sẽ lựa chọn ngân hàng nào có nền quản trị tốt, có khả năng cạnh tranh trên thị trường".

Ngoài ra, những quy định an toàn vốn theo Basel 2 buộc các ngân hàng phải có đủ năng lực tài chính để dự phòng rủi ro tín dụng trong tương lai. Hạn mức tín dụng được xác định trên vốn tự có. Do dó, không tăng được vốn, đồng nghĩa là cánh cửa cho vay sẽ khép lại. Hay nói cách khác, nguồn vốn này được ví như "vốn đệm", giúp ngân hàng trụ vững trước khủng hoảng, đồng thời mở rộng hoạt động kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chuyên gia phân tích, SSI, nhận định: "Chúng tôi đánh giá triển vọng ngành ngân hàng 2021 là khả quan và việc tăng vốn sẽ thuận lợi hơn 2020, thị trường chứng khoán tích cực sẽ hỗ trợ tăng vốn, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2021".

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc tăng vốn thời gian qua đối với khối ngân hàng hàng thương mại cổ phần nhà nước mới chỉ là giải pháp tình thế, chưa đảm bảo yếu tố bền vững. "Cần phải cho phép hàng thương mại cổ phần dùng các hình thức tăng vốn điều lệ khác nhau, và phải đồng bộ, thì mới đảm bảo nhu cầu tăng vốn điều lệ từ nay về sau", một chuyên gia khuyến cáo.

H.Anh
Cùng chuyên mục