Cầu Long Biên xuống cấp, gặp khó khăn về kinh phí để bảo trì

04/05/2021 10:37 GMT+7
Đánh giá cầu Long Biên (Hà Nội) đang bị xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ mất an toàn giao thông, Bộ GTVT đang tìm nguồn kinh phí lớn để duy tu sửa chữa các hạng mục bị xuống cấp.

Cụ thể, cầu Long Biên có kết cầu mặt cầu dành cho phương tiên xe môtô, xe gắn máy trên cầu Long Biên khá đặc biệt khi trên giàn mặt thép của cầu là những tấm đan bêtông, sau đó mới là lớp bêtông nhựa polymer trên mặt.

Do mật độ phương tiện lưu thông quá lớn trên mặt cầu Long Biên, tác động từ độ rung của tàu chạy và phương tiện di chuyển trên mặt cầu đã làm cho độ liên kết giữa tấm đan bêtông trên giàn thép và mặt cầu ngày càng giảm, dẫn đến rạn nứt và hỏng lớp mặt.

Cầu Long Biên xuống cấp khó khăn về kinh phí để bảo trì - Ảnh 1.

Cầu Long Biên, TP Hà Nội. (Ảnh: IT)

Hiện nay, tải trọng cầu Long Biên hiện cũng rất yếu nên quá trình thi công thảm bêtông mặt cầu cũng rất khó khăn khi không thảm được dày và không được dùng lu chuyên dụng. Các công nhân phải thi công thủ công mặt cầu, dẫn đến độ bền của thảm mặt cầu giảm. Đơn vị thi công phải thảm bù, thảm dặm liên tục nhưng cũng không thể đáp ứng hết vì thiếu kinh phí.

Cầu Long Biên đã hơn 100 năm tuổi do Pháp xây dựng, họ đã có công văn gửi Chính phủ Việt Nam thông báo cầu Long Biên đã hết niên hạn sử dụng. Tuy nhiên, do chưa xây dựng được cầu mới nên hiện nay, vẫn khai thác cầu Long Biên phục vụ việc chạy tàu và đi lại của người dân.

Về việc thiếu kinh phí duy tu nâng cấp cầu Long Biên, ông Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, đơn vị đã cho kiểm tra thực trạng cây cầu Long Biên.

Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông ghi nhận đơn vị quản lý vận hành bảo trì cầu Long Biên vẫn đảm bảo việc an toàn chạy tàu và đi lại của người dân trong bối cảnh khó khăn về kinh phí. Tuy nhiên, Vụ đã yêu cầu các đơn vị quản lý thực hiện ngay việc gia cố lan can cầu, bảo trì, vá ổ gà làm thêm hoặc có những cảnh báo để người dân biết được thực trạng của cầu.

Cầu Long Biên xuống cấp khó khăn về kinh phí để bảo trì - Ảnh 2.

Cầu Long Biên bị xuống cấp.

Về nguồn kinh phí bảo trì, duy tu năm nay chưa được cấp cho đơn vị quản lý cầu Long Biên, ông Lê Hoàng Minh cho hay sẽ ưu tiên cấp kinh phí cho cầu Long Biên ngay sau khi việc giao dự toán giữa Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được tháo gỡ.

"Để đảm bảo khai thác an toàn, hằng năm, Nhà nước vẫn cấp kinh phí duy tu, bảo dưỡng ở mức tối đa trong khả năng nguồn kinh phí được cấp để đảm bảo an toàn chạy tàu, an toàn giao thông," ông Lê Hoàng Minh chia sẻ.

Ông Lê Hoàng Minh cho rằng để sửa chữa, trùng tu cầu Long Biên một cách tổng thể, toàn diện, cần nguồn kinh phí lớn. Ví dụ chỉ việc sơn lại toàn bộ cầu Long Biên cũng cần kinh phí lên tới 70 tỷ đồng. Hiện nay, việc duy tu, bảo trì cầu Long Biên vẫn đang sử dụng nguồn tiền kinh tế sự nghiệp đường sắt với kinh phí nhỏ giọt nên không thể cải thiện hình ảnh cầu Long Biên.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, Công ty CP đường sắt Hà Hải (là đơn vị quản lý duy tu, bảo trì cầu Long Biên), do là cây cầu yếu nên nhiều năm qua, cơ quan chức năng đã phải lắp biển báo, hạn chế phương tiện tại đường dẫn lên cầu.

Tuy nhiên, hằng ngày vào giờ cao điểm, cầu Long Biên vẫn phải "cõng" hàng chục nghìn lượt phương tiện. Qua gần 120 năm khai thác, do ảnh hưởng của chiến tranh và tốc độ đô thị hóa, hiện cầu đã xuống cấp nghiêm trọng.

Trong những năm qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã được Bộ Giao thông Vận tải giao triển khai các dự án khôi phục, gia cố sửa chữa, gần đây nhất là dự án "Khôi phục cầu Long Biên giai đoạn 1: Gia cố đảm bảo an toàn cầu phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2025".



Thế Anh
Cùng chuyên mục