"Cây tiền tỷ" ra loại quả ngon cơm vàng hạt lép ở Khánh Hòa vẫn giữ được thương hiệu sau gần 11 năm

Thứ sáu, ngày 23/12/2022 14:56 PM (GMT+7)
Với sự hỗ trợ tích cực của Sở Khoa học và Công nghệ (Sở KH-CN), UBND huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) đã xây dựng thương hiệu, lập hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp Giấy đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sầu riêng Khánh Sơn cơm vàng hạt lép từ năm 2012.
Bình luận 0

Quy chế quản lý, cấp quyền sử dụng nhãn hiệu sầu riêng Khánh Sơn được phổ biến rộng rãi, liên tục tại địa phương để phát triển việc sử dụng nhãn hiệu, góp phần giữ gìn uy tín, đưa thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn vươn xa.

"Cây tiền tỷ" ra loại quả ngon cơm vàng hạt lép ở Khánh Hòa vẫn giữ được thương hiệu sau gần 11 năm - Ảnh 1.

Sầu riêng Khánh Sơn được chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh Khánh Hòa.

Khẳng định thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn

Thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất Khánh Sơn điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để cho quả sầu riêng cơm vàng hạt lép ngon đặc biệt. 

Để có tiếng thơm của sầu riêng Khánh Sơn như bây giờ là kết quả của sự nỗ lực từ người trồng đến cơ quan nhà nước trong quá trình xây dựng thương hiệu và được cấp nhãn hiệu chứng nhận cho loại “quả vàng” này. 

Xuất phát từ nhu cầu của các hộ trồng và kinh doanh sầu riêng tại Khánh Sơn, UBND huyện đã đề xuất Sở KH-CN hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn. 

Ông Đỗ Nhi Huy - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn chia sẻ: Sầu riêng Khánh Sơn cơm vàng hạt lép là nông sản đầu tiên của tỉnh được cấp nhãn hiệu chứng nhận. Từ năm 2009, Sở KH-CN đã chủ trì, hỗ trợ huyện Khánh Sơn xây dựng, đăng ký bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm này dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận. 

Nhờ sự hỗ trợ tích cực của Sở KH-CN, đến năm 2012, nhãn hiệu chứng nhận sầu riêng Khánh Sơn cơm vàng hạt lép đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ - chủ sở hữu là UBND huyện Khánh Sơn. 

Qua gần 11 năm, đến nay, thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn cơm vàng hạt lép vẫn được gìn giữ, phát huy vai trò của tài sản trí tuệ - mang lại nhiều lợi ích cho nông dân và địa phương. Càng tự hào hơn khi quả sầu riêng Khánh Sơn được bình chọn là “Thương hiệu Vàng nông sản Việt Nam ”.

"Cây tiền tỷ" ra loại quả ngon cơm vàng hạt lép ở Khánh Hòa vẫn giữ được thương hiệu sau gần 11 năm - Ảnh 3.

Hình ảnh Nhãn hiệu chứng nhận sầu riêng Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) đang được sử dụng dán trên cuống quả sầu riêng cơm vàng, hạt lép.

Những năm qua, Phòng Quản lý Chuyên ngành, Sở KH-CN đã triển khai nhiều nội dung hướng dẫn, hỗ trợ địa phương triển khai mô hình quản lý và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sầu riêng Khánh Sơn. Cụ thể như: Hỗ trợ nhiều đợt in nhãn hiệu để cấp cho các hộ trồng để phổ biến rộng rãi hình ảnh nhận diện thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn; các lớp tập huấn phổ biến Quy chế quản lý, cấp quyền sử dụng nhãn hiệu được tổ chức liên tục hàng năm, tại huyện Khánh Sơn…

Các hộ trồng và kinh doanh sầu riêng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Sầu riêng Khánh Sơn” được cấp nhãn để dán lên những quả sầu riêng đạt tiêu chuẩn chất lượng. 

Để gìn giữ uy tín cho thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn, các tổ chức, cá nhân được cấp sử dụng nhãn hiệu đã cam kết, thực hiện đúng các quy định tại Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sầu riêng Khánh Sơn; Nhiều kiến thức quy trình công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật được triển khai áp dụng nhằm cung cấp cho thị trường những quả sầu riêng có chất lượng ổn định, đảm bảo chỉ sử dụng nhãn hiệu cho các quả sầu riêng đạt chuẩn. 

Hiện tại, địa phương có trên 7 sản phẩm sầu riêng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh có sử dụng nhãn hiệu chứng nhận được dán trên nhãn mác sản phẩm. Đây là cơ hội để quả sầu riêng Khánh Sơn được mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn cơm vàng hạt lép luôn được các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại. 

Ý nghĩa, lợi ích mang lại từ việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sầu riêng Khánh Sơn và quản lý hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận, giữ gìn uy tín sản phẩm luôn được Sở KH-CN quan tâm, hỗ trợ địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức. 

UBND huyện Khánh Sơn rất quan tâm đến công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, với việc tổ chức thành công 2 lần lễ hội trái cây đã góp phần quảng bá thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Tiếp tục quảng bá, kết nối tiêu thụ sầu riêng đặc sản Khánh Sơn

Việc xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận sầu riêng Khánh Sơn cơm vàng hạt lép đã tạo được giá trị gia tăng cho sản phẩm quả sầu riêng được trồng ở huyện Khánh Sơn, mang lại thu nhập cao cho người trồng, trở thành “chìa khóa” để xóa nghèo cho người dân địa phương. 

Đến nay, toàn huyện Khánh Sơn đã phát triển 1.908ha sầu riêng, với sản lượng thu hoạch năm 2022 đạt khoảng 9.000 tấn. Sầu riêng được các nhà vườn phát triển nông nghiệp sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ và từng bước hình thành chuỗi liên kết nông sản an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ. 

Mới đây nhất, ngay sau khi những người trồng sầu riêng đầu tiên ở Khánh Sơn được cấp 3 mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, UBND huyện Khánh Sơn đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kết nối nhà vườn với doanh nghiệp nhằm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng Khánh Sơn, góp phần ổn định đầu ra, nâng cao giá trị loại nông sản này.

Theo ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Khánh Sơn, những năm qua, nông nghiệp Khánh Sơn với thế mạnh là các loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao, trong đó nổi bật là cây sầu riêng đã góp phần rất lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Để tiếp tục phát huy thế mạnh, thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp nói chung, huyện đã xây dựng đề án chuyển đổi, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng: Chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, nhất là cây sầu riêng theo chuỗi giá trị, phù hợp với yêu cầu của thị trường; chuyển từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang chuỗi liên kết giá trị ngành hàng. 

Cây sầu riêng và các loại cây ăn quả khác sẽ phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sinh thái, bền vững và gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch canh nông để tăng thêm thu nhập cho nhà vườn…

Trong định hướng phát triển, huyện Khánh Sơn xác định cây sầu riêng là chủ lực trong xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương. Địa phương phấn đấu đến năm 2025 có 1 sản phẩm, đến năm 2030 có từ 3 sản phẩm sầu riêng tươi và sản phẩm chế biến từ sầu riêng đạt chứng nhận sản phẩm quốc gia; đến năm 2025 có 30 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt chứng nhận 3 sao trở lên, đến năm 2030 có 50 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt chứng nhận 3 sao trở lên. 

Cùng với đó, địa phương còn đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn trên cơ sở duy trì tổ chức Lễ hội trái cây Khánh Sơn 2 năm/lần và Hội chợ nông sản Khánh Sơn 2 năm/lần; hỗ trợ hộ cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp tham gia các hội chợ hàng nông sản tổ chức trong và ngoài tỉnh; quảng bá các sản phẩm nông sản của huyện trên các kênh truyền thông, trang thông tin điện tử, các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong năm 2023, Sở KH-CN sẽ tiếp tục hỗ trợ huyện Khánh Sơn xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm bưởi da xanh Khánh Sơn, mía tím Khánh Sơn. 

Danh mục đặt hàng nhiệm vụ KH-CN: “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu cho sản phẩm bưởi da xanh Khánh Sơn, mía tím Khánh Sơn và tổ chức mô hình quản lý các sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện Khánh Sơn” thuộc Chương trình đã được UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt, Sở KH-CN thực hiện các bước tiếp theo để triển khai nhiệm vụ này trong năm 2023.

Hải Lăng (Báo Khánh Hòa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem