CEO VinaCapital Don Lam: Nâng hạng thị trường mới nổi, chứng khoán Việt Nam có thể hút 10 tỷ USD
Nâng hạng thị trường, quan trọng là thanh khoán
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, các chuyên gia cho rằng chứng khoán đi xuống là ngắn hạn và nêu nhiều giải pháp củng cố thị trường vốn nói chung.
Chia sẻ tại phiên thảo luận, ông Don Lam - Đồng Sáng lập và Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital cho biết, VinaCapital tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) tổng vốn 4 tỷ USD.
Bàn luận về thị trường thời gian gần đây, ông Don Lam cho rằng, toàn cầu đang không ổn định, trong đó vấn đề lạm phát, chiến sự tại Ukraine, và lãi suất tăng ở thị trường Mỹ đã ảnh hưởng tới TTCK.
Hiện thị trường Việt Nam cũng đang giảm mạnh. Theo đó, Vị Tổng Giám đốc này cho rằng, trong ngắn hạn, nhà đầu tư cần bình tĩnh, cần niềm tin.
"Vừa qua có nhiều lùm xùm làm mất niềm tin nhà đầu tư đơn lẻ, về lâu dài sẽ ổn định, nhiều nhà đầu tư đơn lẻ sẽ chuyển qua các quỹ đầu tư lớn chuyển nghiệp thì thị trường mới ổn định hơn.
Tôi vừa đi nước ngoài, tôi thấy nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm TTCK Việt Nam, từ Mỹ, EU, Hàn Quốc… Một trong những lý do lớn nhất là định giá P/E năm 2022 là 13 lần, cho năm 2023 là 10 lần - mức rất hấp dẫn so với trong quá khứ cũng như so với các thị trường Đông Nam", ông Don Lam nói.
Vị Tổng Giám Đốc VinaCapital cho biết, hiện Vina có 20.000 nhà đầu tư trong và ngoài nước và con số này tăng lên hằng ngày.
Ông Don Lam cho rằng, muốn kêu gọi đầu tư thì quan trọng nhất là nâng hạng thị trường mới nổi. Cần 5 điều kiện, trong đó quan trọng nhất là thanh khoản. Năm 2019, thanh khoản chỉ mấy trăm triệu USD nhưng tới 2021 đã lên cả tỷ USD/ngày. Nếu thanh khoản lên 2-3 tỷ USD/ngày, nhà đầu tư nước ngoài lớn sẽ vào. Theo đó, cần cải thiện thanh khoản hơn, trong đó cần nhiều sản phẩm hơn, thêm các DN niêm yết trên sàn hơn (như cổ phần hoá, IPO...).
Bên cạnh đó, cần cải thiện khả năng thanh toán, quản trị và quản lý; thông tin minh bạch và tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Giới hạn sở hữu nước ngoài đang kìm hãm sự phát triển thị trường Việt Nam
Cũng theo ông Don Lam, giới hạn sở hữu nước ngoài đang kìm hãm sự phát triển của Việt Nam, thu hẹp số lượng cổ phiếu mà người nước ngoài có thể đầu tư vào, khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài phải trả các khoản phí đắt đỏ nếu muốn đầu tư thêm.
Ông Don Lam lấy ví dụ trong lĩnh vực ngân hàng, thường đại diện cho ngành lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất trên thị trường (thanh khoản cao sẽ giúp vốn hoá tăng lên rất nhiều), bị giới hạn ở mức 30% vốn nước ngoài sở hữu. Khi tính thanh khoản thấp, các ngân hàng sẽ bị định giá thấp hơn so với tiềm năng và lợi nhuận của mình.
Thị trường có thể hút nguồn vốn 10 tỷ USD?
Điều phối phiên thảo thuận, TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, cơ quan quản lý đang xem xét vấn đề nới room với một số ngân hàng thương mại, và theo cam kết của EVFTA thì Việt Nam sẽ xem xét cho 2 tổ chức tín dụng châu Âu được phép sở hữu tới 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng Việt Nam. Câu hỏi được đặt ra cho ông Don Lam, nếu nâng hạng được, thị trường chứng khoán sẽ hút được dòng vốn như thế nào?
Bàn luận về vấn đề này, ông Don Lam khẳng định, nếu nâng hạng được, có thể hút nguồn vốn mới hoàn toàn vào thị trường Việt Nam khoảng 10 tỷ USD, và như lời khẳng định với nhà đầu tư nước ngoài là thị trường Việt Nam minh bạch và đang phát triển.
Dĩ nhiên, Việt Nam cần thực hiện một số việc nhỏ khác, là cần thêm hàng hóa như thông qua thúc đẩy quá trình cổ phần hoá, tư nhân hoá. Tạo khuôn khổ pháp lý/thuê cho các quỹ hưu trí độc lập – chìa khoá để chuyển dịch sang đầu tư dài hạn. Khuyến khích chuyển đổi từ đầu tư đơn lẻ sang các quỹ quản lý chuyên nghiệp và có thể gỉảm thiểu biến động trong dài hạn.
Tăng cường các quy định pháp luật về chứng khoán để đẩy mạnh tính minh bạch và trách nhiệm gỉai trình - điều này rất quan trọng trong việc giữ vững lòng tin của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Ông Don Lam chia sẻ, hai quỹ lớn của VinaCapital là VESAF và VEOF tăng trưởng lần lượt 67% và 56,5%, trong khi Vnindex tăng trưởng 35,7%. Năm nay thị trường có xuống 15-20% thì hai quỹ của VinaCapital vẫn không thua lỗ.
Đánh giá tổng thể thị trường vốn Việt Nam, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính), cho rằng thị trường vốn đã hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh.
Quy mô của thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5% mỗi năm giai đoạn 2016-2021. Quy mô thị trường vốn đã đạt 134,5% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015. Trong đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8%GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 39,7% GDP.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, sự tăng trưởng nhanh của chứng khoán, thị trường trái phiếu gần đây cũng phát sinh những rủi ro tiềm ẩn. Trong đó, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá và ngày càng tinh vi; nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh.
Nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh tiếp tục phát sinh rủi ro do có các nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.