Chân dung công ty nghi chuyển giá hàng nghìn tỷ đồng

25/07/2020 11:08 GMT+7
Theo Kiểm toán Nhà nước, Công ty Nhôm Toàn Cầu nâng 5-7 lần giá thuê kho bãi và chuyển hàng trăm tỷ đồng ra nước ngoài.

Chuyển giá hàng nghìn tỷ?

Kiểm toán Nhà nước vừa có văn bản số 794 đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03), Bộ Công an điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi có dấu hiệu trốn thuế thu nhập cá nhân của ông Nguyễn Tài, giám đốc Công ty dịch vụ kho vận PTL và hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp và chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài của Công ty nhôm Toàn Cầu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Những dấu hiệu vi phạm trên được KTNN phát hiện qua kiểm toán công tác quản lý thu NSNN tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (trong cuộc kiểm toán ngân sách địa phương năm 2019 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ tháng 3 đến tháng 6/2020).

Chân dung công ty nghi chuyển giá hàng nghìn tỷ đồng  - Ảnh 1.

Khu vực chứa kho nhôm của Công ty Toàn Cầu. Ảnh: WSJ

Theo Kiểm toán Nhà nước, Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu đã ký hợp đồng thuê kho bãi để chứa nhôm nguyên liệu với Công ty PTL trong 5 năm, với giá thuê bình quân 7,2 USD mỗi m2 một tháng. Mức này cao gấp 5-7 lần so với giá mà Công ty PTL thuê của các đơn vị khác (dao động 1-1,53 USD mỗi m2 một tháng).

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, thông qua việc nâng giá thuê kho bãi bất hợp lý, Công ty Nhôm Toàn Cầu đã chuyển giá sang Công ty PTL số tiền 2.680 tỷ đồng, tương đương hơn 78,7% tổng số tiền thuê kho bãi giai đoạn 2015-2019.

"Số tiền chuyển giá này về nguyên tắc sẽ làm tăng chi phí, giảm thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty Nhôm Toàn Cầu hoặc làm tăng số chuyển lỗ để bù đắp thu nhập chịu thuế các năm sau của công ty này", Kiểm toán Nhà nước nhận định. Hành vi này của Nhôm Toàn Cầu vi phạm quy định Luật Quản lý thuế, Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, theo Kiểm toán Nhà nước, Công ty Nhôm Toàn Cầu và PTL còn có mối quan hệ khác ngoài việc là những đối tác ký hợp đồng thuê kho bãi thông thường. Thông qua việc chuyển nhượng cổ phần tại PTL, Nhôm Toàn Cầu đã chuyển gần 388 tỷ đồng ra nước ngoài.

Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Công ty PTL có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, trong đó phần vốn góp của Công ty TNHH Praise Trend là 120 tỷ (80% vốn) và giá trị phần vốn góp của ông Nguyễn Tài là 20%, tương đương 30 tỷ đồng.

Tháng 1/2017, ông Nguyễn Tài và Công ty TNHH Praise Trend ký hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp, trong đó ông Tài nhượng lại 15% vốn điều lệ tại PTL, khoảng 22,5 tỷ đồng cho Công ty TNHH Praise Trend. Với việc chuyển nhượng vốn này, Công ty Praise Trend sở hữu 95% vốn tại Công ty PTL, tương ứng giá trị 142,5 tỷ đồng. Số liệu này được thể hiện trong lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 2 của Công ty PTL vào tháng 3/2017.

Sau chuyển nhượng, ngày 20/1/2017, ông Tài và Công ty TNHH Praise Trend ký phụ lục hợp đồng phân chia lợi nhuận năm 2015 và 2016 theo tỷ lệ ông Tài hưởng 5%, Công ty TNHH Praise Trend hưởng 95%, tổng cộng gần 338 tỷ đồng. Số lợi nhuận được chia này sau đó được Công ty Praise Trend chuyển ra nước ngoài.

Người đại diện vốn của Công ty Praise Trend - ông Jakky Cheung cũng chính là Giám đốc Công ty Nhôm Toàn Cầu.

Kiểm toán Nhà nước nhận định, hành vi chuyển giá của Công ty Nhôm Toàn Cầu sang Công ty PTL và việc Công ty TNHH Praise Trend nhận chuyển nhượng 75% vốn góp từ ông Nguyễn Tài, từ đó được chia lợi nhuận trong 2 năm (2015-2016) gần 338 tỷ đồng và công ty đã chuyển số lợi nhuận được chia này ra nước ngoài có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Mục đích cuối cùng là chuyển tiền bất hợp pháp từ Công ty Nhôm Toàn Cầu ra nước ngoài.

Đơn vị sở hữu kho nhôm 4,3 tỷ USD ồn ào năm 2019

Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu là đơn vị sở hữu kho nhôm trị giá 4,3 tỷ USD. Năm ngoái, cơ quan chức năng Việt Nam và Mỹ phát hiện lô hàng này và nghi ngờ dấu hiệu gian lận xuất xứ Việt Nam để sang Mỹ và các nước. Sau quá trình điều tra, cơ quan hải quan gần đây cho biết không đủ căn cứ để nói doanh nghiệp này vi phạm.

Theo giấy phép đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp này đầu tư nhà máy sản xuất nhôm định hình quy mô xuất khẩu 200.000 tấn một năm. Dự án đầu tư nhà máy sản xuất của Công ty Nhôm Toàn Cầu do Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp, thời hạn hoạt động 37 năm, từ năm 2011 với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD.

Về số thuế thu nhập cá nhân của Giám đốc PTL Nguyễn Tài phải nộp trong việc chuyển nhượng vốn tại PTL, Kiểm toán Nhà nước cũng xác định, số thuế thực nộp cao hơn nhiều so với kê khai. Theo đó, với số tiền kê khai giá chuyển nhượng là 22,5 tỷ đồng, số thuế thu nhập cá nhân ông Tài phải nộp là 0 đồng. Quá trình kiểm tra tại Công ty PTL sau đó của Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cơ quan này xác định lại số thuế thu nhập cá nhân mà ông Tài phải nộp là 400 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính năm 2016 của Công ty PTL đã được Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra và điều chỉnh lại, tổng giá trị thực tế phần vốn chủ sở hữu tại 31/12/2016 là hơn 561 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước nhận thấy, khi chuyển nhượng 75% vốn góp (22,5 tỷ đồng), ông Nguyễn Tài có dấu hiệu chuyển nhượng vốn với giá thấp gần 20 lần so với giá trị thực tế của tài sản chuyển nhượng, gần 421 tỷ đồng.

Vì thế, số thuế thu nhập cá nhân mà ông Tài phải nộp sau chuyển nhượng cổ phần tại PTL là gần 80 tỷ đồng (thuế suất 20%). Sau khi trừ số thuế thu nhập cá nhân đã được Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu xác định và truy thu 400 triệu đồng, số thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng vốn cần phải truy thu thêm từ ông Nguyễn Tài là hơn 79,2 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của Etime, Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam được thành lập vào ngày 8/8/2011, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Conac, Xã Mỹ Xuân, Huyện Tân Thành, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tính tới cuối tháng 1/2018, quy mô vốn điều lệ của công ty tăng mạnh từ mức 1.025 tỷ đồng lên mức 4.978,27 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông được giữ ổn định với sự tham gia góp vốn của 2 cổ đông cá nhân có cùng quốc tịch Úc, cùng địa chỉ đăng ký thường trú, là Jacky Cheung và Wang Tong với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 10% và 90% vốn điều lệ.

Trong đó, ông Jacky Cheung (sinh năm 1981) nhiều năm liền đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam.

Theo thay đổi đăng ký kinh doanh gần nhất, cập nhật ngày 7/10/2019, ông Wang Tong đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang nắm giữ cho một pháp nhân là Công ty Triple Wins Globals. Công ty này đăng ký địa chỉ tại "thiên đường thuế" British Virgin Islands.

Bộ đôi cổ đông của Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam - Jacky Cheung và Wang Tong - mang quốc tịch Úc nhưng là những người gốc Hoa.

Công ty này từng bị Bộ An ninh nội địa Mỹ điều tra về hành vi giả mạo xuất xứ nhằm xuất khẩu hàng triệu tấn nhôm vào thị trường Mỹ. Theo đó, công ty đã nhập lượng nhôm kỷ lục từ Trung Quốc về Việt Nam để hòng sau đó xuất sang Mỹ.


A.Vũ
Cùng chuyên mục