Lô nhôm Trung Quốc "đội lốt" Việt đi Mỹ: Nếu tái phạm cần truy tố trách nhiệm hình sự

11/11/2019 12:26 GMT+7
Liên quan đến lô nhôm Trung Quốc giá trị 4,3 triệu USD "đội lốt" Việt đi Mỹ, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, cần điều tra rõ ràng xem lịch sử xuất nhập khẩu của của doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam. Trong trường hợp đã tái phạm cần phải truy tố trách nhiệm hình sự để đưa ra cảnh báo, bài học cho các doanh nghiệp khác.

Hiện lô nhôm 4,3 tỷ USD Trung Quốc "đội lốt" Việt Nam đi Mỹ vẫn đang chờ hướng xử lý từ các cơ quan chức năng. Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, vụ việc này rất nghiêm trọng nếu không xử lý mạnh tay sẽ để lại hậu quả khó lường.

Xung quanh vấn đề này, PV Etime đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.

Lô nhôm 4,3 tỷ USD "đội lốt" Việt đi Mỹ: Nếu tái phạm cần truy tố trách nhiệm hình sự - Ảnh 1.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, cần phải xử phạt thật nặng và cho tái xuất lô nhôm 4,3 triệu USD này.

Thưa ông, dư luận những ngày qua đặc biệt quan tâm đến lô nhôm 1,8 triệu tấn của Trung Quốc gắn mác Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu đi Mỹ. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nếu lô nhôm này xuất khẩu thành công thì hậu quả gì có thể xảy ra với kinh tế Việt Nam?

Hậu quả sẽ rất khó lường. Nếu có nghi ngờ về xuất xứ, Mỹ sẽ mở một cuộc điều tra. Trong trường hợp bị phát hiện, Mỹ có thể sẽ đánh giá Việt Nam lợi dụng thương mại để trục lợi. Trong khi đó, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn leo thang. Mỹ vẫn chưa rút lệnh trừng phạt, áp thuế cao lên hàng hóa của Trung Quốc, vì thế nước ta có thể bị coi là đang tiếp tay cho Trung Quốc để hưởng lợi từ việc trốn thuế.

Nếu chúng ta không siết chặt, trong tương lai sẽ có những vụ việc tương tự xảy ra. Theo đó, hàng hóa Việt Nam có thể bị Mỹ hoặc nhiều nước khác dè chừng. Thậm chí, xấu nhất có thể bị áp thuế trừng phạt.

Tôi lấy ví dụ về hậu quả của việc này, đó là gần đây, Mỹ cáo buộc nước ta có việc lẩn tránh thuế đối với sản phẩm tôn mạ và thép cán nguội. Các mặt hàng này xuất khẩu từ Việt Nam nhưng lại sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc.

Với kết luận cáo buộc này, Hải quan Hoa Kỳ đã thu tiền đặt cọc đối với hai sản phẩm nói trên của Việt Nam, đồng thời áp dụng mức tiền cọc tương đương với mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Đài Loan - vốn đã bị Mỹ áp thuế từ năm 2016. Theo đó, Cục Hải quan và biên phòng Mỹ đã thu khoản thuế lên tới 456,23% giá trị với hai sản phẩm trên.

Đây được xem là mức thuế chống lẩn tránh thuế cao nhất từ trước đến nay Mỹ dành cho sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam trong 4 năm gần đây.

Mới đây, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Bộ công thương cho rằng, cơ quan hải quan Hoa Kỳ không đặt vấn đề điều tra gian lận hay giả mạo xuất xứ mà tiếp cận theo một hướng khác, cụ thể là "chống lẩn tránh". Ông nghĩ sao về việc này?

Thời gian gần đây, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc đang tăng rất mạnh. Trong mối tương quan và tình hình chính trị, thương mại căng thẳng giữa Mỹ - Trung Quốc đang làm gia tăng, chúng ta rất bị rơi vào tình trạng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc mượn Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ, rồi tái xuất đi Mỹ để né thuế.

Như ví dụ tôi đã nêu ở trên về Mỹ đã áp thuế cao với hai sản phẩm của Việt Nam khi xuất khẩu sang nước này. Vụ việc nhôm này có thể rơi vào tình trạng tương tự nếu bị điều tra theo hướng "chống lẩn tránh". Cụ thể là Việt Nam có thể sử dụng nhôm đùn từ nhiều nguồn để sản xuất sản phẩm nhôm, khi bán vào Hoa Kỳ sẽ được coi là hàng Việt Nam và được hưởng thuế 15%.

Tuy nhiên, nếu sử dụng nhôm đùn có nguồn gốc Trung Quốc hoặc Đài Loan - những nước đang bị Mỹ trừng phạt thuế thì dù quy trình sản xuất là giống hệt, vẫn bị coi là "lẩn tránh" và sẽ bị đánh thuế cao như hàng Trung Quốc.

Hiện Mỹ đang dần trở nên khắt khe hơn với Việt Nam kể từ khi giới chuyên gia nhận định Việt Nam là một trong những nền kinh tế hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Theo đó, chúng ta rất dễ bị các nước khác lợi dụng để lẩn tránh xuất xứ, né thuế. Nếu không xử lý nghiêm, Việt Nam có thể bị trừng phạt trên diện rộng.

Có ý kiến cho rằng, có thể xử lý lô nhôm này bằng cách tiêu thụ trong thị trường nội địa. Ông nghĩ sao?

Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành nhôm vì thị trường này ở nước ta tương đối nhỏ, tiêu thụ hết cũng khó. Quan trọng hơn, việc làm này sẽ là tiền lệ xấu, nước ta có thể bị các nước khác lợi dụng.

Vậy theo ông, hướng xử lý với lô nhôm trị giá 4,3 triệu USD này thế nào là tốt nhất?

Việc này phải theo quy định ngoại thương của nước ta và những thỏa ước giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo tôi, có thể đưa ra mức xử phạt hành chính nặng và cho tái xuất lô nhôm này.

Đặc biệt, chúng ta cần điều tra rõ ràng xem lịch sử xuất nhập khẩu của của doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam. Nếu phát hiện gian lận thương mại để trục lợi, cần phải xử phạt thật nặng. Hoặc trường hợp đã tái phạm nhiều lần cần phải truy tố trách nhiệm hình sự để đưa ra cảnh báo, bài học cho các doanh nghiệp khác.

Xin cảm ơn ông!

Ong Lý
Cùng chuyên mục