Chân dung người thay ông Lê Hồng Minh ngồi "ghế nóng" Chủ tịch VNG

An Vũ Thứ năm, ngày 12/01/2023 07:30 AM (GMT+7)
Sau khi lên UPCoM khoảng 1 tuần, VNG thông báo thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị từ ông Lê Hồng Minh sang ông Võ Sỹ Nhân.
Bình luận 0

Ông Lê Hồng Minh không còn là Chủ tịch HĐQT VNG 

Công ty CP VNG (VNG - UPCoM: VNZ) vừa công bố thông tin về việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) đối với ông Lê Hồng Minh - đồng sáng lập VNG - kể từ ngày 1/1/2023. Như vậy, ông Minh chỉ còn giữ chức Tổng Giám đốc VNG thay vì kiêm nhiệm như trước.

Ông Lê Hồng Minh (SN 1977) là nhà sáng lập, giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VNG từ năm 2004. Ông cũng là một trong những cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này, với sở hữu cá nhân gần 10% và đại diện gần 8% cổ phần.

Ngồi "ghế nóng" là ông Võ Sỹ Nhân. Ông Nhân đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT VNG nhiệm kỳ 2022-2025 kể từ ngày 1/1. 

Hoạt động này có thể là nhằm phù hợp với quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ, cụ thể là việc Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc (Giám đốc) của công ty đại chúng.

Chân dung tân Chủ tịch VNG Võ Sỹ Nhân

Ông Nhân là 1 trong 4 thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2022-2025 vừa mới được VNG bầu bổ sung ngày 10/12/2022, cùng với bà Christina Gaw, ông Edphawin Jetjirawat, và ông Nguyễn Lê Quốc Anh.

Năm 1999, ông Võ Sỹ Nhân tốt nghiệp cử nhân thương mại chuyên ngành kinh tế và Marketing tại đại học Deakin (Úc). Từ năm 2004, ông tham gia lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, lĩnh vực quản lý chiến lược ở trường quản lý Maastricht (Hà Lan).

Chân dung người thay Lê Hồng Minh ngồi "ghế nóng" VNG - Ảnh 1.

Ông Nhân là 1 trong 4 thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2022-2025 vừa mới được VNG bầu bổ sung ngày 10/12/2022

Ông là Giám đốc điều hành Empire City, Phó Chủ tịch Công ty Tiến Phước, đồng thời là đồng sáng lập quỹ GAW NP Capital. Trong đó, quỹ Gaw NP Capital là một liên doanh giữa Gaw Capital Partners và NP Capital Partners.

Ông Võ Sỹ Nhân được biết là một người phát triển chuyên môn, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo và quản lý quỹ bất động sản tại Việt Nam. Ông đã từng làm việc cho sở kế hoạch và đầu tư TP. HCM ở vị trí công chức trong 8 năm, trước khi gia nhập vào “đường đua” kinh tế tư nhân. Ông được đề bạt làm trưởng nhóm xúc tiến và đầu tư kiêm trưởng nhóm quản lý dự án O.D.A.

Sau 8 năm làm việc tại sở, ông Nhân đã trở về đầu quân cho công cuộc kinh tế tư nhân và thực hiện nhiều thương vụ bất động sản có chất lượng thuộc hàng quốc tế. Một số dự án nổi tiếng phải kể đến như: The Estella, Le Meridien Saigon Complex, trung tâm Nam Rạch Chiếc, OneHub Saigon. Trong danh sách các dự án nổi bật này còn có Empire City, tọa lạc tại Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM.

Ông Võ Sỹ Nhân đã mua lại được dự án Indochina Land, bao gồm: Hyatt Regency Danang Resort & Spa, Indochina Plaza Hanoi và 2 dự án phát triển khác ở Đà Nẵng, TP. HCM.

Tại liên doanh Naked Hub Việt Nam, ông Võ Sỹ Nhân đảm nhận vị trí chủ tịch, là người đồng sáng lập nên chuỗi liên doanh này. Naked Hub Việt Nam sau đó đã được WeWork mua lại về mặt chiến lược.

Tại Gaw NP Industrial, ông Nhân là người đồng sáng lập và là giám đốc điều hành của đơn vị này, với vốn đầu tư lên đến 200 triệu đô la Mỹ.

Ngoài ra, ông Nhân còn đầu tư, quản lý những khu công nghiệp, kho bãi.

VNG thông qua bán toàn bộ 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho BigV

Bên cạnh thông báo thay đổi nhân sự cấp cao, Hội đồng quản trị VNG cũng đã thông qua về phương án bán toàn bộ hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho Công ty cổ phần Công nghệ BigV, với mức giá gần 178.000 đồng mỗi cổ phần, VNG dự kiến huy động được 1.264,4 tỷ đồng từ thương vụ này.

VNG cho biết, số tiền này sẽ được dùng để mua bản quyền phần mềm trò chơi (764,4 tỷ đồng) và tiếp thị (500 tỷ đồng) trong hai năm 2023 và 2024.

Trong đó, các trò chơi mà VNG mua bản quyền gồm PUBG Mobile (400 tỷ đồng); JX1M (152,8 tỷ đồng); Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile (138,9 tỷ đồng) và Gunny Origin - VN (72,7 tỷ đồng).

Chi phí tiếp thị gồm: Tiếp thị kỹ thuật số trực tuyến (500 tỷ đồng); Thuê các KOLs (78 tỷ đồng) và tổ chức sự kiện (38 tỷ đồng).

Trước giao dịch, BigV là cổ đông sở hữu 4,6% vốn của VNG. Nếu mua lại toàn bộ lượng cổ phiếu quỹ, công ty sẽ trở thành cổ đông lớn thứ hai với sở hữu 24,4%.

Cổ phiếu của VNG bắt đầu giao dịch trên UPCoM từ 5/1/2023, với mức giá tham chiếu phiên đầu tiên là 240.000 đồng, tương ứng định giá hơn 360 triệu USD. Tuy nhiên, sau 5 phiên giao dịch, cổ phiếu này vẫn chưa có lệnh nào được khớp do không có người bán ra.

Trong quý III/2022, VNG đạt gần 2.100 tỷ đồng doanh thu, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021,kết quả, VNG báo lỗ sau thuế quý 254,5 tỷ đồng trong quý III, cùng kỳ lãi 31,8 tỷ đồng, lỗ công ty mẹ 138 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 150 tỷ đồng. Với kết quả này, đây là quý thứ 4 liên tiếp ghi nhận lỗ đậm.

Lũy kế 9 tháng, VNG ghi nhận doanh thu 5.763 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế âm 764 tỷ đồng, trong khi 9 tháng năm ngoái lãi 196 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh này, VNG mới hoàn thành khoảng 56% kế hoạch doanh thu năm 2022, còn lợi nhuận sau thuế âm theo kế hoạch là khoảng 993 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem