Chân dung "ông trùm" điện gió Trung Nam Group

24/05/2024 06:00 GMT+7
Tính đến tháng 1/2022 vốn điều lệ của Trung Nam Group đạt gần 21.000 tỷ đồng, gấp hơn 11 năm so với năm 2015. Cuối năm 2022, tổng tài sản của Tập đoàn vượt 96.000 tỷ đồng nhưng phần lớn được hình thành từ nợ phải trả.

Chủ tịch Trung Nam Group bị tạm hoãn xuất cảnh

Cục Hải quan Khánh Hòa đã có Thông báo số 592/TBXC-HQKH về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Tâm Thịnh (SN 1973) - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group).

Ông Nguyễn Tâm Thịnh là người đại diện theo pháp luật của Trung Nam Group - doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Thời gian thực hiện từ ngày 6/5 đến khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước.

Hiện tại, Công ty Đầu tư Xây dựng Trung Nam đang nợ quá hạn hơn 21 tỷ đồng tại Chi cục Hải quan Ninh Thuận - Cục Hải quan Khánh Hòa. Do đó, cơ quan hải quan đã áp dụng biện pháp cưỡng chế, dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của công ty này.

Chân dung

Ông Nguyễn Tâm Thịnh là người đại diện theo pháp luật của Trung Nam Group

Lý do bị cưỡng chế là Trung Nam Group chấp hành không nghiêm Quyết định số 195/QĐ-HQKH ngày 12/5/2023 của Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa về việc ấn định thuế đối với hàng hóa nhập khẩu và Thông báo số 1106/TB-HQNTh ngày 11/12/2023 của Chi cục Hải quan Ninh Thuận về tiền thuế, tiền chậm nộp còn thiếu. Quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời gian 1 năm kể từ ngày 19/1/2024. Quyết định chấm dứt hiệu lực kể từ khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách nhà nước.

Trước đó vào cuối tháng 1/2024, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư, Cục Hải quan TP HCM đã ban hành quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Trung Nam Group.

Lý do bị cưỡng chế là do Trung Nam Group đã nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế hơn 27,5 tỷ đồng.

Trung Nam Group lý giải về việc nợ thuế lần này do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Đại diện công ty cho biết, nguồn tiền từ việc bán điện cho EVN bị chậm thanh toán. Thay vì nhận được tiền trong 45 ngày như thông thường, khoản thanh toán này bị kéo dài đến 3 tháng. Trong khi đó, doanh nghiệp đã ưu tiên chi trả lương thưởng cho người lao động vào dịp Tết Nguyên đán 2024, dẫn đến khó khăn trong việc cân đối dòng tiền ngắn hạn và chậm thanh toán tiền thuế.

"Núi nợ" của Trung Nam Group

Dữ liệu từ Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) thành lập tháng 11/2004, trụ sở chính đặt tại phường 14, quận 10, TP.HCM. Ngành nghề chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác.

Tại thời điểm tháng 10/2015, Trung Nam Group thực hiện điều chỉnh tăng vốn điều lệ từ 1.490 tỷ đồng lên 1.886,4 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được công bố. Sau nhiều lần tăng vốn, đến tháng 1/2022 vốn điều lệ của doanh nghiệp này đạt gần 21.000 tỷ đồng (gấp hơn 11 năm so với năm 2015). Đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty là ông Nguyễn Tâm Thịnh (SN 1973).

Chân dung

Trung Nam Group hoạt động trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, hạ tầng, bất động sản, công nghiệp,... Năm 2018, doanh nghiệp thử sức với lĩnh vực năng lượng tái tạo và trở thành trụ cột chính của Trung Nam Group sau này.

Trong lĩnh vực bất động sản, Trung Nam Group thông qua công ty con là TrungNamLand góp mặt hai dự án lớn nhất của Đà Nẵng thời bấy giờ là Khu đô thị sinh thái Golden Hills với tổng đầu tư 1,6 tỷ USD, dự án Khu công viên văn hóa và đô thị Đà Lạt - Golf Valley.

Trong lĩnh vực hạ tầng, Trung Nam Group nổi bật nhất với việc làm dự án chống ngập 10.000 tỷ tại TP HCM thời điểm giữa năm 2016. Tuy nhiên do những khó khăn, vướng mắc trong việc tái cấp vốn và phụ lục hợp đồng BT khiến tiến độ hoàn thành dự án bị lùi lại nhiều lần.

Ngoài ra, Trung Nam Group còn làm chủ đầu tư dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná (Ninh Thuận) gồm 17 bến tàu, tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Tập đoàn có 7 dự án điện mặt trời và điện gió, tổng công suất thiết kế 1,492.2 MW, sản lượng hơn 4 tỷ kWh.

Chân dung

Theo thông tin công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, quy mô tổng tài sản của tập đoàn vượt 96.000 tỷ đồng tại cuối năm 2022. Tuy nhiên, tài sản của tập đoàn này phần lớn được hình thành từ nợ phải trả, với số dư tại thời điểm cuối năm 2022 đạt 68.110,2 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu chiếm 35,6%, ở mức 24.285,2 tỷ đồng.

Để tài trợ loạt dự án năng lượng, Trung Nam Group cũng như các đơn vị thành viên cần nguồn vốn rất lớn. Xuyên suốt nhiều năm qua, hệ sinh thái Trung Nam Group đã liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu với giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tính tới cuối năm 2022, Trung Nam Group (công ty mẹ) có 4 lô trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị 4.530 tỷ đồng, lãi suất dao động từ 9,5-10%/năm.

Ngoài ra, nhiều công ty thành viên trong "hệ sinh thái" Trung Nam Group cũng có dư nợ trái phiếu lớn, bao gồm: CTCP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 với 9.798 tỷ đồng, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam với 4.943,9 tỷ đồng và CTCP Điện mặt trời Trung Nam với 2.289 tỷ đồng.

Mai Lan
Cùng chuyên mục