Chân dung tân Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành với hành trình đưa Vietcombank trở thành ngân hàng lợi nhuận tỷ USD

Huyền Anh Thứ bảy, ngày 03/07/2021 11:30 AM (GMT+7)
Dưới sự chèo lái của Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành, người vừa được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, Vietcombank đã trở thành ngân hàng lợi nhuận tỷ USD đầu tiên của Việt Nam dù chưa phải là ngân hàng có tổng tài sản và vốn điều lệ dẫn đầu hệ thống.
Bình luận 0

Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Như Dân Việt đã đưa tin, sáng 3/7 tại Tỉnh ủy Hậu Giang, ông Nghiêm Xuân Thành, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietcombank được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2020-2025.

Ông Nghiêm Xuân Thành sinh ngày 2/11/1969, quê quán tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông tốt nghiệp Đại học Ngân hàng và có bằng tiến sỹ kinh tế.

Được biết, ông Nghiêm Xuân Thành là con trai của ông Nghiêm Xuân Bút, cựu Bí thư Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Chủ tịch Vietcombank được chỉ định làm bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang - Ảnh 1.

Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Vietcombank được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang. (Ảnh: VCB)

Gắn bó với ngành hơn 30 năm, nhưng ông Nghiêm Xuân Thành chỉ chính thức "đặt chân" vào Vietcombank với cương vị Tổng giám đốc và sau đó là Chủ tịch HĐQT kể từ tháng 11/2014.

Tại thời điểm đó, ông Nghiêm Xuân Thành cũng trở thành một trong những Chủ tịch trẻ tuổi nhất trong hệ thống các ngân hàng tại Việt Nam.

Tại cuộc họp ngày 27/04/2018, ông Nghiêm Xuân Thành tiếp tục được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023 kể từ ngày 27/4/2018. Đây là nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp ông Nghiêm Xuân Thành được bầu vào vị trí này.

Tháng 1/2021, ông Nghiêm Xuân Thành trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII với tỷ lệ phiếu bầu cao.

Sau nhiều năm công tác trong ngành ngân hàng, ông Nghiêm Xuân Thành đã đạt được nhiều danh hiệu như: Chiến sỹ thi đua cấp ngành năm 2003; năm 2006; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2005; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2007.

Nhiệm kỳ "nhảy vọt" của Vietcombank dưới sự chèo lái của ông Nghiêm Xuân Thành

Đứng đầu HĐQT từ cuối năm 2014 đến nay, ông Nghiêm Xuân Thành đã giúp nhà băng này gặt hái được những thành tựu đáng nể trong ngành lịch sử ngân hàng Việt Nam.

Chủ tịch Vietcombank được chỉ định làm bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang - Ảnh 2.

Tổng hợp báo cáo tài chính của Vietcombank dưới thời Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành. (Ảnh: LT)

Xét về sự tăng trưởng quy mô vốn điều lệ và tổng tài sản, theo đó vốn điều lệ của ngân hàng chỉ tăng bình quân 6,5% trong 6 năm (2014 - 2020) kể từ khi ông Nghiêm Xuân Thành được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch Vietcombank, song quy mô tổng tài sản tăng bình quân 21,6%.

Hết quý I/2021, tổng tài sản của Vietcombank đạt gần 1,28 triệu tỷ đồng, đứng thứ 4 trong hệ thống. Vietcombank dự kiến tăng vốn điều lệ từ 37.089 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng và tổng tài sản tăng 5%, ước đạt trên 1,392 triệu tỷ đồng trong năm 2021 này.

Chủ tịch Vietcombank được chỉ định làm bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang - Ảnh 3.

Quy mô vốn chủ sở hữu của Vietcombank. (Ảnh: VCB)

Vốn chủ sở hữu cũng tăng gần gấp đôi sau 5 năm, từ mức 48.102 tỷ đồng (năm 2016) lên 94.095 tỷ đồng (năm 2020).

Chủ tịch Vietcombank được chỉ định làm bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang - Ảnh 3.

Tổng hợp báo cáo tài chính Vietcombank. (Ảnh: LT)

Cùng với sự phình to của quy mô tài sản, cho vay khách hàng và tiền gửi khách hàng của Vietcombank kể từ năm 2014 trở lại đây đều duy trì mức tăng trưởng từ 11% - 27%/năm.

Đáng chú ý, đến cuối năm 2020, dư nợ tín dụng của Vietcombank đạt 845.128 tỷ đồng, tăng 14% so với 2019, hoàn thành 103,6% kế hoạch năm.

Với kết quả này, Vietcombank chính thức được ghi nhận là ngân hàng có quy mô tín dụng tăng trưởng lớn nhất ngành và cũng là nhà băng được cấp tín dụng đợt 1 năm 2021 cao nhất hệ thống.

Chủ tịch Vietcombank được chỉ định làm bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang - Ảnh 4.

Vietcombank trở thành "người khổng lồ" về lợi nhuận của hệ thống ngân hàng Việt Nam. (Ảnh: LT)

Không phải là ngân hàng có quy mô vốn và tài sản lớn nhất hệ thống, song dưới sự chèo lái của Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành Vietcombank đã "chinh phục" thành công tỷ USD lợi nhuận trước thuế và cũng là duy nhất của hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm hiện tại.

Cụ thể, năm 2019 Vietcombank đã lập những kỷ lục ấn tượng mà một trong số đó là việc đạt quy mô lợi nhuận 23.123 tỷ đồng, trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam được ghi danh vào top 200 tập đoàn tài chính ngân hàng có quy mô lợi nhuận lớn nhất toàn cầu.

Đến cuối năm 2018, tỷ trọng tín dụng bán lẻ đã chiếm tới 46% là nguyên nhân quan trọng giúp Vietcombank có được mức lợi nhuận tăng vọt bởi NIM (biên lãi ròng) cao, bền vững với nhóm khách hàng đa dạng và rủi ro thấp. Thậm chí đến cuối năm 2020, tỷ lệ này đã lên mức 54%.

Chính nhờ việc chuyển hướng sang bán lẻ, Vietcombank tạo ra dòng lợi nhuận tăng nhanh, mạnh dù quy mô đầu tư và cho vay không tăng nhiều. "Quy mô chỉ tăng khoảng 2 lần nhưng lợi nhuận của chúng tôi tăng tới 4 lần", ông Thành tiết lộ.

Bước sang năm 2020, diễn biến bất thường và hết sức phức tạp của đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới tình hình kinh tế thế giới cũng như với Việt Nam. Trong bối cảnh đó, hoạt động của Vietcombank cũng chịu những ảnh hưởng.

Tuy nhiên, với bản lĩnh dẫn dắt của Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành, hiệu quả hoạt động của Vietcombank tiếp tục là điểm sáng trong ngành ngân hàng. Kết thúc năm 2020, Vietcombank báo lãi trước thuế 23.050 tỷ đồng, dẫn đầu hệ thống.

Đặc biệt trong năm 2020, Vietcombank đã thực hiện chia sẻ, hỗ trợ khó khăn với các khách hàng doanh nghiệp, cá nhân thông qua 5 lần giảm lãi suất,.. với tổng số tiền chia sẻ lợi nhuận thông qua cắt giảm lãi suất lên tới hơn 3.700 tỷ đồng, mức lớn nhất từ trước đến nay.

Năm 2021 này, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất tăng trưởng 11%, đạt khoảng 23.580 tỷ đồng và lợi nhuận 2 tỷ USD trong 4 năm tới - theo chia sẻ của Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành.

Chủ tịch Vietcombank được chỉ định làm bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang - Ảnh 5.

Tổng hợp báo cáo tài chính Vietcombank. (Ảnh: LT)

Tỷ lệ nợ xấu thấp trong nhiều năm qua, chất lượng tài sản tốt nhất trong số các tổ chức tín dụng tại Việt Nam cũng là một trong những kết quả đáng nể của Vietcombank dưới thời Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành. Từ mức trên 2,3% ghi nhận vào năm 2014 đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank chỉ còn ở mức 0,62% - mức thấp nhất hệ thống.

Tỷ lệ nợ xấu thấp, nhưng tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao nhất trong các tổ chức tín dụng với tỷ lệ gần 380%, tức là với 100 đồng nợ xấu thì Vietcombank đã trích lập dự phòng được 380 đồng.

Chủ tịch Vietcombank được chỉ định làm bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang - Ảnh 8.

Tầm nhìn của Vietcombank đến năm 2030. (Nguồn: VCB)

Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành từng chia sẻ, ngân hàng rất thận trọng trong dự phòng, trích lập đầy đủ.

Chẳng hạn theo quy định thì với các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản sẽ được loại trừ 35% và chỉ phải trích 65% nhưng ngân hàng chỉ đưa tỷ lệ loại trừ về 1-2% coi như vẫn trích lập đủ 100%.

"Hay cả những khoản được cơ cấu theo chương trình, chính sách của Nhà nước, ví dụ một số khoản tín dụng cấp cho Vinafood1 hay Vietnam Airlines sẽ không phải trích lập dự phòng, nhưng ngân hàng vẫn dự phòng.

Quy định chỉ yêu cầu trích lập tối thiểu chứ không yêu cầu tối đa, "cơm không ăn gạo còn đó", lại an toàn cho ngân hàng, đúng thông lệ quốc tế. Riêng trong quý I/2021, Vietcombank trích lập dự phòng thêm 2.000 tỷ đồng", ông Thành thông tin.

Giai đoạn 5 năm qua, Vietcombank cũng đã để lại trên thị trường nhiều dấu ấn với những thương vụ giao dịch thành công lớn: là ngân hàng tiếp nhận và chuyển đổi hơn 5 tỷ USD để nhà đầu tư nước ngoài nộp tiền mua cổ phần trong thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn – Sabeco; là ngân hàng thương mại Nhà nước đầu tiên phát hành thành công cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài (GIC) với tổng giá trị bán đạt 6.180 tỷ đồng; là ngân hàng có thương vụ ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm với FWD với giá trị thỏa thuận "khủng" trong lịch sử lĩnh vực bảo hiểm tại Việt Nam… Uy tín, hình ảnh thương hiệu Vietcombank ngày càng được nâng cao, khẳng định vị thế trên thương trường.

Với hiệu quả kinh doanh vượt trội, vốn hóa của ngân hàng này lên tới 18,9 tỷ USD, giá trị cổ phiếu vượt 100.000 đồng - cao nhất hệ thống. Vietcombank cũng doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán tính đến thời điểm hiện tại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem