Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình giải thích xét xử trực tuyến khác hội nghị và học trực tuyến như thế nào?

PVCT (tổng hợp) Thứ sáu, ngày 27/08/2021 10:34 AM (GMT+7)
Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, xét xử trực tuyến khác với các hội nghị trực tuyến, học trực tuyến.
Bình luận 0

Xét xử trực tuyến bản chất là xét xử trực tiếp

Tại phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương (họp 26/8), khi nói về Dự thảo Quy chế tổ chức xét xử trực tuyến,  ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao cho biết việc xét xử trực tuyến khác với các hội nghị trực tuyến, học trực tuyến.

Vẫn theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, xét xử trực tuyến bản chất là xét xử trực tiếp, diễn ra ở phòng xét xử theo quy định hiện hành, nhưng một số chủ thể do điều kiện khách quan không đến dự được phiên tòa, có thể tham gia từ các điểm cầu phụ, đảm bảo yêu cầu quy định. Trong bối cảnh dịch Covid-19, áp dụng mô hình này có lợi hơn cho việc xét xử.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình giải thích xét xử trực tuyến khác hội nghị và học trực tuyến như thế nào? - Ảnh 1.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội.

"Phiên tòa vẫn phải đảm bảo trực tiếp, công khai, minh bạch, có sự giám sát, theo dõi của các bên. Còn các đầu cầu, ví dụ người làm chứng, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đang bị cấp cứu hoặc đang bị mắc Covid-19 không thể đến tòa được nhưng lời khai của họ rất quan trọng để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Họ cho phép từ trong bệnh viện được khai báo trực tuyến đến phiên tòa và hội đồng xét xử xem đấy là lời nói trực tiếp.

Hay trường hợp bị cáo đang bị mắc F0 trong trại tạm giam thì không thể đưa họ đến tòa để xét xử được. Trong trại tạm giam tổ chức một phòng xét xử có đầy đủ hình ảnh của hội đồng xét xử tại phòng xử, có sự giám sát của Viện kiểm sát để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật, còn bị cáo từ trong trại tạm giam có thể khai báo làm rõ sự thật của vụ án", Chánh án TAND Tối cao cho biết.

Đề cập về vấn đề này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là xu thế tất yếu, cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 diễn ra vũ bão trên toàn cầu và sự đe dọa của dịch Covid-19; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xét xử trực tuyến chỉ là biểu hiện cụ thể của xét xử trực tiếp với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và đảm bảo yêu cầu tuân theo pháp luật của phiên tòa.

Chủ tịch nước lưu ý, đây là vấn đề mới cần những bước đi thận trọng, chặt chẽ, tránh xảy ra sơ suất. Do đó, trước hết nên áp dụng trong xét xử các vụ án dân sự, tranh chấp thương mại, hành chính là chủ yếu và một số vụ án hình sự cần thiết, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình giải thích xét xử trực tuyến khác hội nghị và học trực tuyến như thế nào? - Ảnh 3.

Phiên tòa xét xử trực tuyến án hình chính được thí điểm tại Hải Phòng. Ảnh Báo Công lý

Phiên xử trực tuyến thí điểm ở Hải Phòng

Vào đầu tháng 8/2021, TAND TP. Hải Phòng đã tổ chức thí điểm phiên tòa xét xử trực tuyến án hành chính. Phiên tòa có hai điểm tại TAND thành phố và Trung tâm Hội nghị thành phố, được kết nối trực tuyến với nhau.

Phiên tòa xét xử trực tuyến thử nghiệm do Thẩm phán Đặng Minh Hạnh chủ tọa, hội đồng xét xử và các bên đương sự là thư ký, cán bộ thuộc TAND thành phố cùng phối hợp thực hiện. Nội dung phiên tòa xét xử trực tuyến dựa trên vụ án hành chính liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng trên địa bàn đã được TAND thành phố thụ lý, giải quyết.

Theo Chánh án TAND TP. Hải Phòng Phạm Đức Tuyên, phiên tòa xét xử trực tuyến án hành chính này là phiên tòa trực tuyến thí điểm đầu tiên, đã diễn ra theo đúng kế hoạch và đạt kết quả rất tốt. Phiên tòa xét xử trực tuyến là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong lộ trình xây dựng Tòa án điện tử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Tòa án điện tử sẽ trợ giúp rất nhiều những người tham gia tố tụng và các đương sự, thúc đẩy quá trình giải quyết công việc của Tòa án.

Bản chất của Tòa án điện tử là chuyển đổi số các hoạt động của Tòa án. Trong đó, cốt lõi là chuyển đổi số hoạt động tố tụng để hình thành lên một phương thức tố tụng mới trên nền tảng công nghệ số.

Về mô hình tổng thể, Tòa án điện tử gồm các thành phần: Hệ thống tố tụng điện tử; hệ thống hỗ trợ cho Thẩm phán; kênh giao tiếp điện tử; hệ thống quản lý điều hành; phân hệ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Trong đó, hệ thống tố tụng điện tử là hệ thống chính của Tòa án điện tử, phát triển trên nền tảng của phần mềm quản lý án và liên kết, tích hợp nhiều hệ thống công nghệ thông tin nghiệp vụ như: Nộp đơn trực tuyến; phân công án tự động; lên lịch xét xử; tống đạt, ủy thác tư pháp trực tuyến; mở phiên tòa công khai tài liệu, chứng cứ, hòa giải và xét xử trực tuyến; kho hồ sơ điện tử; robot trợ giúp người dân (hướng dẫn giải quyết các công việc tại Tòa án, thủ tục hành chính, nhận đơn, …); …

Phiên tòa xét xử trực tuyến là một phương thức tố tụng mới được áp dụng trên nền tảng công nghệ số, trợ giúp rất nhiều cho những người tham gia tố tụng và các đương sự có liên quan vụ án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem