Châu Âu và Trung Quốc đang bỏ xa Mỹ trong bài toán bảo vệ thị trường lao động giữa đại dịch

31/03/2020 15:59 GMT+7
Các nhà kinh tế nhận định Châu Âu và Trung Quốc đang làm tốt hơn Mỹ rất nhiều trong việc bảo vệ thị trường lao động khỏi ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Châu Âu và Trung Quốc đang bỏ xa Mỹ trong bài toán bảo vệ thị trường lao động giữa đại dịch - Ảnh 1.

Lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ trong trung tuần tháng 3 tăng vọt lên 3,28 triệu

Những số liệu được công bố hồi tuần trước cho thấy lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ đã lên tới 3,28 triệu trong trung tuần tháng 3, khi mức độ ảnh hưởng từ biện pháp đóng cửa doanh nghiệp trên toàn quốc trở nên rõ ràng hơn. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hiện tại thậm chí cao gấp 4 lần so với mức 695.000 đơn cao nhất mọi thời đại trước đó.

Trong khi đó, tại Châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp được cho là sẽ tăng ít hơn do hàng loạt khoản trợ cấp lao động từ chính phủ, khuyến khích doanh nghiệp tránh sa thải người lao động trong khủng hoảng đại dịch. 

Nhà kinh tế trưởng Holger Schmieding, nhà kinh tế học cao cấp Kallum Pickering và nhà kinh tế châu Âu Florian Hense đồng thời nhất trí rằng một trong những bài học sâu sắc rút ra từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, giảm tối đa tỷ lệ thất nghiệp ngay cả trong trường hợp suy thoái kinh tế mạnh mẽ.

Trong cuộc đại suy thoái 2008-2009, Đức đã tăng trợ cấp giảm giờ làm, khiến chỉ khoảng 1% người lao động mất việc trong khi GDP giảm 7%. Nhưng tại Mỹ khi đó, tăng trưởng GDP chỉ giảm 4% nhưng tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh 5,4%.

Đến cuộc khủng hoảng đại dịch hiện tại, Châu Âu cũng làm tốt hơn trong việc triển khai trợ cấp việc làm. Ví dụ tại Anh, các công ty sẽ nhận được khoản hỗ trợ 80% lương nhân viên từ Chính phủ. Trong khi đó, tại Mỹ, Chính phủ đang khuyến khích doanh nghiệp giữ chân người lao động qua những chính sách “ít hào phóng” hơn như giảm thuế doanh nghiệp…

Berenberg dự kiến các biện pháp tích cực ở Châu Âu sẽ kiềm chế tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực đồng EUR tăng từ 7,4% lên cao nhất 10% trong quý III, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể tăng vọt hơn 3 lần từ 3,5% trong tháng 2 lên 11,6% trong quý II trước khi hồi phục dần dần trở lại.

“Bằng cách khuyến khích các công ty giữ chân người lao động trong khi các nhà chức trách nỗ lực giải quyết tình trạng dịch bệnh Covid-19, Châu Âu đang tự tăng cường khả năng phục hồi kinh tế nhanh hơn khi các biện pháp hạn chế phong tỏa kiểm dịch được dỡ bỏ”. Berenberg cho rằng hành động như vậy cũng giúp hạn chế nguy cơ suy thoái kéo dài do tỷ lệ thất nghiệp cao.

Tại Trung Quốc, công tác tuyển dụng đã bắt đầu tăng trưởng trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát trong phạm vi quốc gia, trái ngược với tình hình dịch bệnh căng thẳng ở các quốc gia khác. 

“Công tác tuyển dụng đã bắt đầu phục hồi khi hoạt động kiểm soát dịch bệnh có tác dụng, nhưng tỷ lệ hợp đồng tuyển dụng vẫn ở mức giảm 24% so với trung bình cùng kỳ hàng năm” - nhận định của Mariano Mamertino, Chuyên gia kinh tế cấp cao của LinkedIn.

Hôm 30/3, Bộ Công nghiệp Trung Quốc công bố số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ các doanh nghiệp lớn khôi phục hoạt động lên tới 98,6% trên cả nước, tính đến 28/3. Số công nhân trở lại các nhà máy cũng tăng mạnh lên 89,9%, một con số đầy lạc quan thể hiện khả năng phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới. 

Chính phủ Trung Quốc cũng đang cho thấy những động thái tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng, bao gồm nới lỏng chính sách tiền tệ, bơm tiền vào nền kinh tế để các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi. Mới đây nhất, Ngân hàng Trung Ương PBOC đã cắt giảm lãi suất hợp đồng repo đảo ngược kỳ hạn 7 ngày xuống 2,2%; đồng thời bơm thêm 50 tỷ CNY (7,1 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng nhằm giữ thanh khoản ổn định trong nền kinh tế thực. 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục