Ấn Độ đóng cửa vì Covid-19, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần lưu ý

31/03/2020 15:30 GMT+7
Những năm gần đây, mối quan hệ giao thương Việt Nam - Ấn Độ đã có nhiều bước tiến mới. Hàng hóa xuất nhập khẩu cũng ngày càng đa dạng, thường xuyên. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Ấn Độ đã có chính sách "bế quan tỏa cảng", các doanh nghiệp cần lưu ý để không bị tồn kho hàng hóa.

Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (Bộ Công Thương) vừa cho biết, nhằm hạn chế những rủi ro do COVID-19 gây ra, Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện toàn dân “cách li xã hội”; đóng cửa mọi hoạt động trong 21 ngày.

Ấn Độ đóng cửa vì Covid-19. doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần lưu ý - Ảnh 1.

Do vậy, hoạt động thông quan hàng hóa sẽ bị gián đoạn. Để không gặp rủi ro, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khi có nhu cầu xuất khẩu hàng hóa sang Ấn Độ tạm thời không chấp nhận các điều khoản thanh toán bất lợi như D/A; D/P trả chậm, hoặc cho khách hàng nợ tiền hàng, ưu tiên áp dụng L/C trả trước, không hủy ngay. 
Tạm thời không làm thủ tục xuất khẩu đối với hàng hóa có thể đến cảng của Ấn Độ trước ngày 15/4/2020. Hiện các ngân hàng ở Ấn Độ đã cắt giảm thời gian làm việc xuống còn 2 giờ/ngày, do vậy thời gian thanh toán cũng chậm hơn thường lệ. 
Theo đó, cần rà soát lại các hợp đồng mua bán đã kí kết, trong trường hợp thấy bất lợi cần yêu cầu thay đổi điều khoản hợp đồng, bổ sung thêm các điều khoản về bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh. 
Đối với doanh nghiệp nhập khẩu tạm thời không đặt cọc, trả trước cho người bán do các nhà máy không sản xuất đồ thiết yếu cũng phải tạm thời đóng cửa, hiện Ấn Độ đã cấm xuất khẩu một số sản phẩm thuốc, biệt dược có thể điều trị cảm cúm, sốt rét. 
Đồng thời kiểm tra kĩ hồ sơ, giấy tờ trước khi thanh toán, tránh trường hợp doanh nghiệp giả mạo giấy tờ, chữ kí để hoàn thiện thủ tục thanh toán, thường xuyên liên hệ với người mua để cập nhật thông tin về tình trạng sản xuất, khả năng cung cấp hàng hóa, rà soát lại các hợp đồng mua bán và thông báo cho các khách hàng, các công trình về nguồn hàng, khả năng cung cấp, thời hạn giao hàng…


Ấn Độ và Việt Nam hiện đều là những nền kinh tế năng động, phát triển nhanh ở châu Á. Mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Ấn Độ có sự cải thiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong những năm qua. Việt Nam là thị trường tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với môi trường chính trị, kinh tế ổn định; chính sách đầu tư hấp dẫn, chi phí lao động cạnh tranh, nguồn nguyên liệu thô sẵn có và khả năng tiếp cận thị trường rộng mở do các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết gần đây như CPTPP, EVFTA. Về phía Ấn Độ, mức tăng trưởng cao của nền kinh tế cho thấy có nhiều cơ hội phát triển song phương giữa hai nước trong các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, chăm sóc sức khỏe, du lịch và hàng không.
Mai Trang (t/h)
Cùng chuyên mục