Chênh lệch huy động vốn - tín dụng bị âm, dự báo "nóng" về lãi suất tiết kiệm và cho vay
Đó là nhận định của các chuyên gia tại Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) đề cập trong báo cáo thị trường tiền tệ tuần 1/8-5/8.
Chênh lệch huy động vốn – tín dụng đã xuống mức âm trong tháng 7
Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, hoạt động thị trường mở đã dần trở nên ổn định hơn và thanh khoản trên hệ thống cũng đã phần nào được cải thiện trong tuần vừa qua. Khối lượng giao dịch hợp đồng mua kỳ hạn đã giảm dần về còn gần 2 nghìn tỷ đồng vào phiên giao dịch cuối tuần trước, từ mức đỉnh là 15 nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì phương thức đầu thầu lãi suất, với mức sàn lãi suất là 3,5% nhằm tạo một mức nền lãi suất liên ngân hàng ổn định hơn trong thời gian tới. Lãi suất trúng thầu giảm xuống còn 3,8% trong phiên đầu tuần, trước khi tăng lên 4,5%.
"Chúng tôi cho rằng mức lãi suất này là ngắn hạn và sẽ giảm nhiệt khi thanh khoản trong hệ thống được hỗ trợ. Trên thực tế, phiên giao dịch ngày thứ 5 khá bất ngờ khi NHNN quay trở lại phát hành tín phiếu 12 nghìn tỷ đồng – tuy nhiên chỉ có 1 thành viên tham gia đấu thầu, cho thấy trạng thái thừa thanh khoản này nhiều khả năng chỉ mang tính cục bộ", các chuyên gia SSI cho hay.
Tính chung cả tuần, NHNN đã rút ròng nhẹ khoảng 8,4 nghìn tỷ đồng, chủ yếu đến từ lượng OMO đáo hạn.
Cũng theo các chuyên gia, yếu tố hỗ trợ thanh khoản trong tuần này đến từ lượng tín phiếu đáo hạn ở mức cao (ước tính bơm ròng 46,9 nghìn tỷ đồng) trong khi lượng OMO đáo hạn thấp (tương đương hút ròng 11 nghìn tỷ đồng).
Số liệu từ NHNN cho thấy dư nợ tín dụng tính đến hết tháng 7 tăng 9,42% so với đầu năm (tương đương mức tăng 16,3% so với cùng kỳ), Như vậy, tăng trưởng tín dụng đang có xu hướng hạ nhiệt sau khi đạt đỉnh vào cuối tháng 5 (tăng gần 17% so với cùng kỳ), do việc giải ngân chậm lại khi nhiều ngân hàng đã chạm trần tăng trưởng tín dụng hàng năm.
Bên cạnh đó, tăng trưởng huy động vốn cũng chậm lại trong tháng 7 (tăng 4,2% so với cuối năm 2021 hoặc 9,9% theo so với cùng kỳ, giảm từ mức 10% trong tháng 6).
Điều này đã khiến cho chênh lệch huy động vốn – tín dụng tiếp tục giảm mạnh và đã xuống mức âm trong tháng 7 – tạo áp lực lớn lên mặt bằng lãi suất huy động.
Trên thực tế, một số ngân hàng bao gồm cả khối ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước như Vietcombank hay như các ngân hàng thương mại cổ phần lớn như MBBank, Techcombank hay ACB đều đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, với mức tăng 20 – 40 điểm cơ bản cho kỳ hạn 12 tháng.
Lãi suất tiết kiệm có thể tăng 1-1,5 % trong cả năm 2022?
Liên quan đến động thái tăng lãi suất tiết kiệm, một số chuyên gia cũng cho rằng mức độ biến động của mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào độ dồi dào của dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng.
Nhiều dự báo cho rằng, lãi suất tiết kiệm có thể tăng 1-1,5 % trong cả năm 2022. Lãi suất cho vay cũng sẽ tăng, song có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất tiết kiệm và có sự phân hóa mức tăng, thời điểm tăng giữa các ngành nghề.
Ngoài ra, định hướng xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước vẫn là giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Mặc dù vậy, với tăng trưởng tín dụng có thể cao hơn so với cùng kỳ, lãi suất tiết kiệm chịu áp lực tăng, lãi suất cho vay khó có thể tránh khỏi những áp lực nhất định.
Tuy nhiên, trong cuộc họp với ngành ngân hàng diễn ra mới đây, nhấn mạnh quan điểm "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, thời gian tới những khó khăn, thách thức là rất lớn do áp lực lạm phát, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thu hẹp thị trường…
Trước bối cảnh đó, người đứng đầu Chính phủ kêu gọi các ngân hàng thương mại nỗ lực tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất, chi phí cho vay, chia sẻ khó khăn, rủi ro, hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng và nền kinh tế trong bối cảnh rất khó khăn, thách thức hiện nay.
Hơn nữa, Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách để các ngân hàng tự nguyện, tự giác tham gia, thực hiện những đề nghị và kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, trên tinh thần phát huy đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và tình cảm với quê hương, đất nước, nhân dân, bảo đảm thực hiện một cách bài bản, thống nhất, hiệu quả, người dân, doanh nghiệp và đất nước được thụ hưởng, không ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô, lan tỏa tinh thần nhân văn cao cả tới toàn xã hội.