Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Các ngân hàng phải nhận diện đầy đủ để tăng trưởng tín dụng sát thực tế

Huyền Anh Thứ ba, ngày 20/02/2024 09:04 AM (GMT+7)
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, năm nay các tổ chức tín dụng phải có những đánh giá, nhận diện đầy đủ để tăng trưởng tín dụng bám sát thực tế. Cùng với đó, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, để từ đó giảm lãi suất cho vay đối với người dân, doanh nghiệp.
Bình luận 0
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Các ngân hàng phải nhận diện đầy đủ để tăng trưởng tín dụng sát thực tế- Ảnh 1.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: LT)

Sáng 20/02/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024.

Chỉ đạo đầu năm của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng về tín dụng

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: Năm 2023 là năm vô cùng khó khăn và thách thức, nhưng toàn ngành Ngân hàng đã có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cơ bản đạt được những thành tựu quan trọng được Đảng, Chính phủ, cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã dự Hội nghị tổng kết hoạt động ngành Ngân hàng năm 2023. Tại đây, người đứng đầu Chính phủ cũng đã đánh giá ngành Ngân hàng đã đạt kết quả toàn diện mọi mặt.

Cụ thể, ngành Ngân hàng đã đạt được kết quả toàn diện trên các mặt, điều hành chính sách tiền tệ giúp ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Đặc biệt, với vai trò quản lý nhà nước, ngành Ngân hàng đã ngăn ngừa được nguy cơ đổ vỡ từ sự kiện SCB, tiên phong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong cung ứng dịch vụ,… ; đồng thời, chỉ trong thời gian ngắn ngành Ngân hàng đã hoàn thiện, tham mưu trình Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Về hoạt động ngoại giao cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Các ngân hàng phải nhận diện đầy đủ để tăng trưởng tín dụng sát thực tế- Ảnh 2.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng.

Trong năm 2024, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tình hình kinh tế toàn cầu tiếp tục dự báo mức tăng trưởng thấp hơn 2023, bối cảnh thị trường tài chính tiền tệ thế giới sẽ tiếp tục có những khó khăn, phức tạp.

Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng. Vì vậy, với tâm thế chủ động ứng phó trong mọi tình huống, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh toàn hệ thống ngân hàng phải nêu cao trách nhiệm trong hoạt động để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Trong đó, công tác tín dụng sẽ tiếp tục là hoạt động trọng tâm trong năm 2024. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã chủ động thông báo mức tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, dựa trên xếp loại theo Thông tư 52. Do đó, các tổ chức tín dụng đã có thể đề ra chủ động kế hoạch kinh doanh, điều hành.

Tư lệnh ngành Ngân hàng lưu ý, năm nay các tổ chức tín dụng phải có những đánh giá, nhận diện đầy đủ để tăng trưởng tín dụng bám sát thực tế. Cùng với đó, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, để từ đó giảm lãi suất cho vay đối với người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, các tổ chức tín dụng phải cân đối nguồn vốn huy động, nguồn vốn cho vay để đảm bảo kiểm soát các rủi ro như về tín dụng, thanh khoản,…

Định hướng điều hành hoạt động tín dụng năm 2024

Về định hướng, giải pháp điều hành hoạt động tín dụng năm 2024, Vụ trưởng Vụ tín dụng Các ngành kinh tế Hà Thu Giang cũng đã nhấn mạnh, năm 2024, kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khó khăn dưới tác động của điều kiện tài chính thắt chặt, xung đột địa chính trị, rủi ro tài chính gia tăng, lạm phát toàn cầu dự kiến tiếp tục xu hướng chậm lại, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu tại nhiều nước trong bối cảnh rủi ro các cuộc khủng hoảng năng lượng, lương thực, thực phẩm do tác động của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn…; tăng trưởng kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với các thách thức khi cầu thế giới dự kiến vẫn tăng thấp, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 được nhiều tổ chức quốc tế dự báo thấp hơn 2023, tác động đến hoạt động thương mại, đầu tư và các ngành sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo…

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Các ngân hàng phải nhận diện đầy đủ để tăng trưởng tín dụng sát thực tế- Ảnh 3.

Vụ trưởng Vụ tín dụng Các ngành kinh tế Hà Thu Giang.

Trong bối cảnh đó, NHNN tiếp tục xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm điều hành tín dụng năm 2024.

Thứ nhất, điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; nghiên cứu đổi mới công tác điều hành tăng trưởng tín dụng. Thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Hai là, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Ba là, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; Rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; Mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế "tín dụng đen".

Bốn là, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phối hợp với các Bộ, ngành kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Năm là, thường xuyên tổ chức các Hội nghị kết nối doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp bằng hình thức phù hợp theo vùng và tại tất cả các tỉnh, thành phố. Chỉ đạo các NHTM đồng thời chủ động tổ chức Hội nghị khách hàng để tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Cuối cùng, tiếp tục triển khai các Kế hoạch, Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2030, tầm nhìn 2045; về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng 06 vùng kinh tế.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem