Thông điệp "rắn" của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng về thanh tra, giám sát và tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng

09/01/2024 07:01 GMT+7
Trong năm 2024 ngành Ngân hàng phải tập trung cao độ vào công tác thanh tra, giám sát, tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu. Trong đó, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra giám sát, tiếp tục triển khai tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và hoàn tất tái cơ cấu của ngân hàng 0 đồng ngân hàng.

Đó là phát biểu của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại Hội nghị về công tác hoàn thiện thể chế, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối, tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, thanh tra giám sát.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng biểu dương toàn hệ thống cố gắng nỗ lực thể hiện bản lĩnh, đồng thuận vượt qua một năm đầy vất vả, khó khăn với những kết quả tích cực.

Đi vào từng nhóm nhiệm vụ cụ thể, đối với công tác thể chế, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, nhiệm kỳ vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rất vất vả, dành nhiều thời gian, công sức để hoàn thiện công tác thể chế. Hiện tại, NHNN đang thực hiện việc xây dựng, hoàn thiện, chỉnh lý dự án Luật TCTD sửa đổi để trình Chính phủ, trình Quốc hội. Sắp tới, NHNN cũng thực hiện tổng kết tham mưu, đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi để đảm bảo đồng bộ giữa các Luật.

Nhấn mạnh đây là giai đoạn rất quan trọng, Thống đốc đề nghị các đơn vị NHNN tập trung hoàn thiện với trách nhiệm cao nhất để làm sao đảm bảo khi Luật được ban hành, toàn hệ thống sẵn sàng thực hiện với nội dung các Nghị định, Thông tư hướng dẫn chất lượng cao.

Thông điệp "rắn" của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng về thanh tra, giám sát và tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng- Ảnh 1.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị về công tác hoàn thiện thể chế, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối, tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, thanh tra giám sát. (Ảnh: TBNH)

Đối với những văn bản Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân… các đơn vị liên quan tập trung để làm sao có đầy đủ các hành lang pháp lý và có căn cứ để thực hiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Quá trình xây dựng phải thực hiện theo đúng quy định và trình tự ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, công khai và tiếp thu, giải trình một cách thuyết phục. Đồng thời phải xây dựng kế hoạch, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu đúng.

Về chính sách điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ trụ cột, trọng tâm của NHNN với vai trò là thực hiện chức năng điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Trong bối cảnh 2024 còn nhiều thách thức, điều hành chính sách tiền tệ được giao rất nhiều nhiệm vụ, việc làm sao để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát, giữa lãi suất và tỷ giá… là bài toán vô cùng khó khăn trong bối cảnh hiện nay.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, đối với các đơn vị Vụ, cục chức năng NHNN, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị phải theo dõi sát diễn biến và phải thường xuyên cập nhật những thông báo kinh tế tiền tệ để chủ động, tham mưu các giải pháp điều hành, phải đảm bảo kịp thời, đúng thời điểm.

Đối với các chi nhánh NHNN là cánh tay nối dài của Thống đốc tại các tỉnh, thành phố cần theo dõi sát hoạt động trên địa bàn, phối hợp với các Sở, Ban ngành của địa phương để nắm bắt ngay những vướng mắc từ doanh nghiệp và người dân để xử lý theo thẩm quyền một cách chủ động hoặc báo cáo lên các đơn vị của NHNN. Đặc biệt chú trọng tới công tác giám sát.

Đối với các tổ chức tín dụng đề nghị chấp hành nghiêm túc các chính sách về tiền tệ, ngoại hối, hoạt động tín dụng, tăng trưởng tín dụng an toàn hiệu quả, chủ động cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay, tiết kiệm chi phí, ứng dụng công nghệ để có nguồn tài chính tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng vẫn đảm bảo an toàn các tổ chức tín dụng; Rà soát, rút ngắn thời gian cho vay từ đó hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân thời gian theo quý, đồng thời tăng cường kết nối cơ sở dữ liệu về dân cư theo Đề án 06 để tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cũng như thúc đẩy công tác tín dụng trên cơ sở chuyển đổi số, nhất là hiện nay ngân hàng đang khuyến khích cho vay món nhỏ để hạn chế tín dụng đen; Tiếp tục triển khai các gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, gói tín dụng cho vay tiêu dùng cho công nhân; gói tín dụng thủy sản…

Về công tác thanh tra, giám sát, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu là nhiệm vụ rất quan trọng. Trong năm 2024 ngành Ngân hàng phải tập trung cao độ vào công tác thanh tra, giám sát, tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu. Trong đó cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra giám sát trong năm 2024, tiếp tục triển khai tái cơ cấu các tổ chức tín dụng cũng như hoàn tất tái cơ cấu của ngân hàng 0 đồng ngân hàng yếu kém đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về công tác hoàn thiện thể chế, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tạ Quang Đôn nhấn mạnh, đây là một trong ba nhiệm vụ nhận được sự quan tâm của Ban cán sự Đảng, Thống đốc. Trong năm 2023, công tác hoàn thiện thể chế đã tập trung nhiều vào công tác xây dựng Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, thứ 6 và mới đây tiếp tục hoàn thiện, chỉnh lý dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để Quốc hội xem xét và thảo luận tiếp.

NHNN thường xuyên rà soát văn bản để kịp thời phát hiện các văn bản mâu thuẫn, chồng chéo; tập trung tháo gỡ khó khăn, có các giải pháp chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo an toàn hoạt động TCTD; Các văn bản ban hành bám sát vào cải cách hành chính, ứng dụng dữ liệu dân cư quốc gia để tạo điều kiện chuyển đổi số, thúc đẩy các hoạt động ngân hàng điện tử.

Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực từ phía NHNN cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan, tuy nhiên công tác hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như vẫn còn hiện tượng chậm trễ, thụ động trong quá trình hợp tác, chưa khắc phục được những hạn chế trong công tác luân chuyển, điều phối và số hóa tài liệu, văn bản, dẫn đến việc chậm tiến độ khi triển khai các công việc chung…

Tại Hội nghị, Quyền Chánh Thanh tra NHNN Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ về công tác giám sát ngân hàng năm 2023 tiếp tục có sự gắn kết chặt chẽ với công tác thanh tra. Nội dung giám sát không chỉ dừng ở việc giám sát tình hình tuân thủ, chấp hành các quy định về an toàn trong hoạt động mà còn chú trọng giám sát, đánh giá rủi ro trong hoạt động của TCTD. Trên cơ sở đó đề xuất, định hướng các đối tượng, lĩnh vực cần tập trung thanh tra. Ngoài ra, tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giám sát kịp thời hơn tình hình hoạt động của TCTD, nâng cao hiệu quả phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro. Qua công tác thanh tra, giám sát đã phát hiện các tồn tại, sai phạm trong hoạt động của các TCTD; từ đó phát hiện, kiến nghị, khuyến nghị và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để duy trì và giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động tiền tệ và ngân hàng, thúc đẩy các TCTD triển khai nghiêm túc, hiệu quả công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu.


H.Anh
Cùng chuyên mục