Chỉ một động thái của Mỹ, EU, xuất khẩu loại thủy sản này của Việt Nam phục hồi, thu ngay 3,27 tỷ USD

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 02/07/2021 15:29 PM (GMT+7)
Tiêu thụ thủy sản của Mỹ, EU tăng ngay cả trong thời kỳ đại dịch và tiếp tục tăng mạnh nhờ chiến dịch tiêm chủng Covid-19 nhanh đã giúp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hưởng lợi lớn.
Bình luận 0

Mỹ, EU tăng mua, xuất khẩu thủy sản lấy lại phong độ

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 5 tháng đầu năm 2021, tình hình xuất khẩu thủy sản vẫn đạt kết quả khả quan mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, hoạt động logistic không thuận lợi, giá cước vận tải tăng. 

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 5/2021 đạt 790,4 triệu USD, tăng 23,7% so với tháng 5/2020 và tăng 4,7% so với tháng 5/2019. 

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 3,27 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 3,1% so với 5 tháng đầu năm 2019. 

Như vậy có thể thấy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ đầu năm 2021 đến nay đã phục hồi về mức trước đại dịch, chủ yếu do các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội thị trường, trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu thủy sản trong nước ổn định, trong khi một số nguồn cung bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19. 

Trong 5 tháng đầu năm 2021, mức độ phục hồi đối với các thị trường không đồng đều khi xuất khẩu sang Mỹ, EU, Úc, Canađa, Nga tăng mạnh, trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc phục hồi chậm hơn và xuất khẩu sang Trung Quốc giảm. 

Thêm tín hiệu khả quan cho cá tra Việt vào Mỹ - Ảnh 1.

Xuất khẩu thủy sản, trong đó có cá tra sẽ phục hồi, đặc biệt ở thị trường Mỹ. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn. (Ảnh: TTXVN).

Xuất khẩu cá tra sang Mỹ đang trên đà phục hồi và bứt phá, 5 tháng đầu năm 2021 đạt 135 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, tiêu thụ thủy sản của Mỹ tăng mạnh ngay cả trong thời kỳ đại dịch và tiếp tục tăng mạnh nhờ chiến dịch tiêm chủng Covid-19 nhanh, cùng với gói kích thích kinh tế kịp thời của Chính phủ Mỹ là động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản của nước này ở các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, giải trí… phục hồi.

Đặc biệt, mặt hàng tôm luôn nằm trong nhóm sản phẩm thuỷ hải sản tiêu thụ hàng đầu của Mỹ.

Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng thị phần tại thị trường Mỹ khi ngành thủy sản Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid bùng phát và xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc sang Mỹ vẫn bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại giữa 2 nước và do chính quy định kiểm soát dịch Covid-19 của nước này.

Xuất khẩu thủy sản còn tăng do nhu cầu từ Mỹ, EU cao

Cục Xuất nhập khẩu dự báo, trong nửa cuối năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục phục hồi khi các doanh nghiệp đã thích nghi tốt với những biến đổi của thị trường dưới tác động của dịch Covid-19.

Nhu cầu từ các thị trường lớn tăng khi kinh tế phục hồi sau đại dịch và các ưu đãi từ những hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực cũng là yếu tố hỗ trợ ngành thủy sản.

 Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần theo dõi diễn biến thị trường, đặc biệt là tình hình phục hồi khả năng cung ứng từ các thị trường cung cấp khác như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan, Indonesia,... sau đại dịch để có thể chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Chỉ một động thái của Mỹ, EU, xuất khẩu loại thủy sản này của Việt Nam phục hồi, thu ngay 3,27 tỷ USD - Ảnh 3.

Ngoài cá tra, ngành chế biến xuất khẩu tôm cũng tăng trưởng khả quan nhờ sự phục hồi ở thị trường Mỹ, EU. Trong ảnh: Thu hoạch tôm tại Bạc Liêu. (Ảnh: Thanh Cường).

Bên cạnh đó, bất ổn trong ngành vận tải biển toàn cầu kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ vẫn tiếp tục là vấn đề gây khó khăn đối với ngành thủy sản.

 Nhu cầu đối với vận tải biển tăng mạnh, sự chậm trễ tại các cảng và thiếu trang thiết bị đang tiếp tục đẩy giá container lên những mức cao kỷ lục mới, với cước vận tải container tăng lên mức cao mới tại cả 3 tuyến thương mại đông – tây chính

Vào thời gian đầu đại dịch, phần lớn mọi người đều cho rằng chi phí sẽ chỉ tăng trong 1 – 2 quý, nhưng hiện nay, các chuyên gia dự báo chi phí sẽ tiếp tục tăng lên vào năm 2022.

Có một tín hiệu khả quan trong xuất khẩu thủy sản sang Mỹ là ngày 28/6/2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng POR16 cho giai đoạn rà soát từ ngày 1/8/2018 đến 31/7/2019 đối với cá tra-basa của Việt Nam. 

DOC xác định mức thuế chống bán phá giá đối với Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn và Công ty CP Nam Việt là 0 USD/kg. Đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu cá tra-basa khác của Việt Nam, mức thuế chống bán phá giá không thay đổi, vẫn ở mức 2,39 USD/kg. 

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), DOC đang tiến hành POR17. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu của 2 nước để xử lý các vấn đề liên quan nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trong vụ việc.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đang trên đà phục hồi và bứt phá, với mức tăng 136% trong tháng 4 và tăng khoảng 200% trong tháng 5 đạt 33 triệu USD, đưa kết quả 5 tháng đầu năm 2021 lên 135 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá cá tra phile đông lạnh trung bình xuất khẩu sang Mỹ tăng lên mức 2,87 USD/kg. Kể từ cuối năm 2020, lượng cá tra tồn kho tại Mỹ đã không còn nhiều, thêm vào đó là sản lượng cá da trơn nội địa của nước này cũng sụt giảm. Do đó, ngay từ đầu năm nay, Mỹ đã tăng nhập khẩu cá tra đông lạnh trở lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem