Chiến tranh biên giới 1979: Những ký ức không thể nào quên

Gia Tưởng Thứ tư, ngày 17/02/2021 11:50 AM (GMT+7)
Tháng Hai năm 2021 cũng như tháng Hai của 42 năm đã đi qua nhưng tội ác của quân bành trướng Trung Quốc vẫn mãi khắc sâu trong kí ức của tất thảy mọi người dân đất Việt, đặc biệt là trong tâm những người lính từng tham gia chiến đấu trên mặt trận Biên giới phía Bắc.
Bình luận 0

Cuộc hành quân ở 2 chiến trường

Chia sẻ với Dân Việt, Đại tá Lê Hồng Mão - nguyên trưởng ban quân báo Sư đoàn 313 Quân khu 2 vẫn giữ gần như nguyên vẹn cảm xúc của những ngày sống trong khói lửa chiến tranh trên mặt trận Biên giới phía Bắc.

42 năm chiến tranh biên giới phía Bắc: Cuộc chiến mười năm  - Ảnh 1.

Đại tá Lê Hồng Mão - nguyên trưởng ban quân báo Sư đoàn 313 Quân khu 2.

Tháng Hai năm 2021 cũng như tháng Hai của 42 năm đã đi qua, tội ác của bọn bành trướng Trung Quốc vẫn mãi khắc sâu trong kí ức của tất thảy mọi người dân đất Việt, đặc biệt là trong tâm những người lính chiến.

Đại tá Lê Hồng Mão nhớ lại: "Ngày 17/2/1979  quân bành trướng Trung Quốc vô cớ đưa hàng chục vạn quân với xe tăng, pháo binh cùng các loại vũ khí hiện đại, hùng hổ, đồng loạt nổ súng tấn công xâm lược nước ta trên suốt cả chiều dài biên giới từ Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai đến Lai Châu. Chúng tàn sát, giết hại hàng ngàn dân thường vô tội, tàn phá, cướp bóc và gây biết bao tội ác với nhân dân Việt Nam trên dải biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Mặc dầu cuộc chiến ấy bọn chúng đã ngấm đòn thất bại trước sức mạnh chiến đấu kiên cường của quân và dân ta. Nhưng cứ thế cuộc chiến kéo dài đến tận năm 1989 mới tạm yên ổn".

Nhớ lại ngày ấy, khi tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, nguyên trưởng ban quân báo Sư đoàn 313 Quân khu 2 chia sẻ: "Lúc bấy giờ, tôi đang là trung úy trợ lí Ban quân báo sư 341 Quân đoàn 4 cùng đồng đội ngày đêm chịu đựng gian khổ, hi sinh chiến đấu trên chiến trường Campuchia. Ngày 7/1/1979, Sư đoàn tiến vào giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh Campuchia, rồi theo quốc lộ 4 tiến quân về đánh chiếm tỉnh Công-pong-chư-pư. Những trận đánh với bọn lính Pol Pot, Khmer Đỏ diễn ra ác liệt hàng ngày.

Mặc dầu cuộc chiến ấy bọn chúng đã ngấm đòn thất bại trước sức mạnh chiến đấu kiên cường của quân và dân ta. Nhưng cứ thế cuộc chiến kéo dài đến tận năm 1989 mới tạm yên ổn.

Đại tá Lê Hồng Mão

Từ ngày 17/2/1979 tuy chiến đấu xa Tổ quốc nhưng những ngày ấy chúng tôi liên tục nhận tin quân Trung Quốc nổ súng xâm lược trên các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Sự căm hờn và lo lắng hằn rõ trên nét mặt sạm đen của những người lính. Cùng một lúc Tổ Quốc phải gồng mình đưa những người con ưu tú ra biên cương hai đầu đất nước, bảo vệ thành quả suốt bao nhiêu năm mới giành được trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng của bọn Pol Pot.

Tình hình chiến sự ở cả hai đầu đất nước diễn biến phức tạp. Tháng 3/1979 sư đoàn chuẩn bị hành quân chiến đấu lên hướng phía Bắc Campuchia, nơi địa bàn tỉnh Bắt-đom-boong giáp biên giới Thái Lan thì nhận lệnh của cấp trên, điều một phần lực lượng đang chiến đấu của sư đoàn về nước, tăng cường cho biên giới phía Bắc. 

"Tôi nhận nhiệm vụ lên đường cùng đoàn quân ấy. Những chuyến xe quân sự bám đầy bụi đường chở quân nối dài, lặng lẽ tạm biệt những người đồng đội và rời đất nước Chùa Tháp, vượt qua biên giới về tập kết tại sân bay Tân Sơn Nhất. Rồi cứ thế chúng tôi lần lượt lên máy bay và sau một giờ bay đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Bước xuống sân bay, trời se lạnh. Vì đang ở trong vùng khí hậu nóng, sự thay đổi thời tiết đột ngột làm chúng tôi khó chịu. Những chiếc xe quân sự đang chờ sẵn. Tất cả lại lên xe, tiếp tục hành quân và chúng tôi được bổ sung cho Sư đoàn 313 Quân khu 2 mới được thành lập ngày 15/3/1979 - nơi mặt trận Vị Xuyên, Tỉnh Hà Giang" - Đại tá Lê Hồng Mão nhớ lại.

Trong những ngày tháng 4/1979, trước diễn biến của tình hình, ông Lê Hồng Mão có quyết định điều động về công tác tại Ban quân báo sư đoàn 313, vẫn giữ cương vị là trợ lí quân báo sư đoàn. Một thời gian sau, lần lượt được phong quân hàm thượng úy, đại úy và giữ cương vị phó ban rồi trưởng ban quân báo sư đoàn...

Trong suốt thời gian ở mặt trận Hà Giang, ông Mão đã chứng kiến những chiến thuật  xâm lược mới của Trung Quốc như xâm canh, xâm cư, và chiếm đóng của Trung Quốc những điểm cao như 1509, 772, buộc nước ta phải mở những chiến dịch lấy lại và cuộc chiến ở mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang nóng bỏng, ác liệt kéo dài cả chục năm mới tạm thời lắng xuống...

Mười năm khốc liệt Vị Xuyên

Nhắc đến Vị Xuyên - Hà Giang là nhắc đến những điểm nóng như "lò vôi thế kỷ", "đồi thịt băm".. nhưng kinh hoàng nhất trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc là chiến dịch M84 ngày 12/7/1984 khi nước ta mở chiến dịch để lấy lại những điểm cao cương thổ bị quân địch chiếm đóng trái phép.

Cựu chiến binh Lê Tú Liêu - sĩ quan thông tin của Sư đoàn 356 là người trực tiếp tham gia trận chiến ngày 12/7. Năm nay ông Liêu 64 tuổi, đang phải điều trị bệnh phổi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên. Khi nhắc đến Sư đoàn 356 và trận đánh ngày 12/7, ông lặng người đi, tất cả kỷ niệm xưa ùa về trong ký ức của người lính già.

Ông Liêu kể, vì là lính thông tin nên bao giờ ông cũng phải đi trước, về sau trong mỗi trận đánh. Sư đoàn khi ấy được lệnh ém quân ở những điểm cao đợi giờ nổ súng. Vì vậy, các mũi tiến công đều được lệnh hành quân đêm. "Đó là một đêm trời mưa tầm tã. Lính chúng tôi khi đó đa phần đều trẻ, chưa có kinh nghiệm nên nhiều người chọn đường dễ để đi. Đến sáng ra những đường mòn bị lộ vì cây cỏ đã bị dẫm nát. Trên đài quan sát tại điểm cao 1509, quân Trung Quốc phát hiện thấy những dấu hiệu bất thường trên đường mòn đã lệnh cho pháo bắn dữ dội vào đội hình của ta. Do địa hình núi đá dốc, chỗ trú quân hẹp nên phần lớn các cánh quân của chúng ta bị trùm gọn trong tọa độ pháo kích của kẻ địch" - ông Liêu đau xót nhớ lại.

Kỳ 4: Cuộc chiến mười năm chống quân xâm lược       - Ảnh 2.

Ông Liêu nhớ lại những ngày khốc liệt ở chiến trường Vị Xuyên - Hà Giang cùng phóng viên khi đang phải điều trị bệnh phổi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên.

Trầm ngâm một lúc, ông Liêu kể tiếp: Khoảng 8 giờ sáng, trước lệnh nổ súng 2 tiếng, chúng tôi bị pháo kích trùm kín nên một số đơn vị bị mất liên lạc hữu tuyến với Sở chỉ huy sư đoàn. Pháo binh của ta cũng đã nhanh chóng phản kích, áp chế hỏa lực địch để bộ binh cảm tử xông lên đánh chiếm các điểm cao. Những cuộc đọ súng giữa quân ta và quân Trung Quốc vô cùng khốc liệt. Ở nhiều nơi hai bên chỉ cách nhau từ 6 đến 8m, nghe rõ cả tiếng gọi nhau và cả những tiếng kêu cứu, rên la của người bị thương.

"Tuy bị thương vong và tổn thất vô cùng lớn, nhưng chúng ta vẫn cương quyết bám trụ từng vách đá, từng gốc cây. Để đối chọi với quân Trung Quốc trú trong hầm có công sự bao bọc, những mũi xung phong cảm tử của quân ta phải liên tục thọc sâu và dùng hỏa lực bộ binh loại mạnh như B40, B41 để tấn công áp chế địch một cách dữ dội. Lính Trung Quốc lúc đó thấy quân ta tinh thần quyết tử như vậy đã tỏ ra hết sức hoảng loạn, nhiều tên đã tháo chạy khỏi công sự" - người cựu binh già kể.

Sau 4 giờ giao tranh, cả 2 bên đều bị tổn thất nặng nề. Chỉ huy mặt trận 2 bên đã phải ra lệnh tạm ngừng bắn để thu dọn chiến trường. Ông Liêu nhớ, bộ phận chính sách của Sư đoàn 356 vừa làm việc vừa đầm đìa nước mắt khi thống kê có tất thảy 593 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Trong số đó, nhiều người không thể đưa được thi thể về. Hơn 800 người khác bị thương. Sau trận đánh ngày 12/7, Sư đoàn 356 đã phải rút về tuyến sau để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho cuộc chiến mới.

Tiếng súng trên biên giới Việt – Trung đến năm 1989 thì đã tạm ngưng và đến năm 1990, hai nước bắt đầu đàm phán bình thường hóa quan hệ.

Sau khi quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc được bình thường hóa, ngày 7/11/1991, hai bên đã ký bản Hiệp ước tạm thời về việc giải quyết công việc trên vùng biên giới hai nước. Trải qua nhiều lần trao đổi, ngày 19/10/1993, bản Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc được ký đã đưa cuộc đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền đi vào thực chất. Kết quả là ngày 30/12/1999 tại Hà Nội, Chính phủ hai nước đã ký "Hiệp ước hoạch định biên giới trên đất liền giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa". 

Trên cơ sở Hiệp định năm 1999, hai bên phối hợp tiến hành khảo sát thực địa để phân giới cắm mốc trên suốt chiều biên giới dài 1449,566 km với 1970 cột mốc (1548 cột mốc chính, 422 cột mốc phụ, chưa kể 1 cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào). Ngày 31/12/2008, công tác phân giới cắm mốc trên toàn biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành. 

Tiếp theo là việc đàm phán và ký kết các Nghị định thư về công tác phân giới cắm mốc, về quy chế quản lý biên giới, về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu. Ngày 14/7/2010, hai bên chính thức tuyên bố các văn kiện liên quan đến phân giới cắm mốc và quản lý biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc có hiệu lực, hai bên bắt đầu quản lý theo đường biên giới mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem